Kinh tế

Ngày đầu tiên tăng viện phí: Người bệnh ngậm ngùi chấp nhận

Ghi nhận tại nhiều bệnh viện (BV) tuyến T.Ư ngày 1.3, hầu hết người bệnh đều nắm rõ thông tin tăng viện phí, dù lo lắng nhưng họ chỉ mong chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng cho đáng “đồng tiền bát gạo”.

Ghi nhận tại nhiều bệnh viện (BV) tuyến T.Ư ngày 1.3, hầu hết người bệnh đều nắm rõ thông tin tăng viện phí, dù lo lắng nhưng họ chỉ mong chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng cho đáng “đồng tiền bát gạo”.

Từ 1.3, các BV trên toàn quốc chỉ cộng phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và phụ cấp trực vào viện phí (tăng 30%); đến 1.7 mới đưa thêm lương vào viện phí (tăng 50%). Nhưng tại 9 BV T.Ư được tự chủ tài chính (Mắt T.Ư, Chợ Rẫy, Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM), Răng hàm mặt T.Ư (Hà Nội), Tai mũi họng T.Ư, Phụ sản T.Ư, Việt Đức, Nội tiết T.Ư, Bạch Mai) đã được Bộ Y tế cho phép tăng luôn 50% ngay từ 1.3.

Bệnh nhân xem bảng giá viện phí mới tại BV Bạch Mai. Ảnh: Diệu Linh

Sáng 1.3, tại khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai, song song với bảng giá cũ có gần 900 dịch vụ, bảng giá viện phí mới cũng được kê chi tiết với gần 1.900 dịch vụ. Rất đông bệnh nhân tới xem các dịch vụ mà mình có thể sẽ phải chi trả. Bà Trần Thị Xuyến (68 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), đang điều trị đái tháo đường tại BV Bạch Mai cho biết, bà được BHYT chi trả 80%, mỗi lần khám chỉ phải trả vài chục ngàn. “Nếu tăng thêm 50% cũng chỉ xấp xỉ 100.000 đồng, tôi vẫn lo được. Nhưng vui nhất là nhân viên y tế phục vụ rất nhiệt tình, BV ngày càng sạch sẽ. Tuy nhiên thời gian chờ lâu quá. Tôi đến từ 5 giờ sáng mà số thứ tự đã là 10. Những người 7-8 giờ mới đến chắc phải đợi lâu lắm” – bà Xuyến cho biết.

Tại BV K T.Ư (Quán Sứ, Hà Nội), bệnh nhân đến đông nghịt. Khi được hỏi về việc tăng viện phí, hầu như mọi người đều “muốn khóc”. Ông Nguyễn Cao Doãn đưa con trai là Nguyễn Cao Dũng (19 tuổi), trú  xã Vạn Hòa (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) ra BV K T.Ư điều trị bệnh di căn hạch. “Con tôi có BHYT, được đồng chi trả tới 80% nhưng vẫn phải trả hơn 1 triệu đồng, mua thuốc hơn 1 triệu đồng.

Nay viện phí tăng 50% thì tiền khám cũng tăng theo. Đó là chưa kể các dịch vụ kỹ thuật cao tốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Khi nghe tiền viện phí tăng,  tôi vay mượn hơn 20 triệu đồng để chuẩn bị nếu cháu phải  nhập viện điều trị, nhưng không biết cầm cự được bao lâu. Viện phí tăng thì những người bệnh nặng, viện phí lớn như chúng tôi chỉ chịu chết thôi” – ông Doãn lo lắng.

Đưa con về BV Bạch Mai điều trị viêm gan B, anh Nguyễn Bình (trú tại Ba Vì, Hà Nội) cho biết, trước đây con anh đi khám ở BV huyện Ba Vì nhưng anh không yên tâm nên đưa con vượt tuyến lên BV Bạch Mai, do đó không được chi trả BHYT. “Mỗi lần khám chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng nhưng tiền thuốc thì mất hàng triệu. Hiện tại giá viện phí mới chưa áp với đối tượng không có thẻ BHYT nên hôm nay chi phí chưa tăng. Tuy nhiên, nếu tăng lên 50% thì chắc tôi sẽ phải khám đúng tuyến thôi” – anh Bình cho biết.

Song song 2 cách tính viện phí

Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, để thực hiện Thông tư 37 về tăng viện phí từ ngày 1.3, BV Việt Đức đã phải thực hiện một khối lượng việc khổng lồ, thậm chí tối 29.2 bộ phận kế toán, thu ngân phải làm việc thâu đêm để sắp xếp công việc một lần nữa.

“Trước đây chỉ chia các dịch vụ theo nhóm bệnh, nhóm kỹ thuật nên chỉ có dưới 1.000 dịch vụ tương đương 1.000 loại giá. Còn hiện nay Bộ Y tế đã chia nhỏ các dịch vụ theo từng kỹ thuật khác nhau nên có tới 1.887 dịch vụ. Giá mới nhiều, giá cũ vẫn giữ, giá mới áp cho bệnh nhân có BHYT, giá cũ dành cho người không có BHYT, lại còn phân biệt bệnh nhân nhập viện sau 1.3 hay trước 1.3… Do đó, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tỉnh táo hết sức để hạn chế thấp nhất sự nhầm lẫn” – bà Hường cho biết.

Theo bà Hường, thời gian tới sẽ có thêm khoảng 1.200 dịch vụ nữa tiếp tục được xây dựng. “Các dịch vụ y tế sẽ thay đổi theo thời gian vì kỹ thuật thay đổi, máy móc cũng thay đổi hỗ trợ nhiều trong điều trị, vì thế, danh sách dịch vụ sẽ cần cập nhật liên tục” – bà Hường nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ngày đầu tiên tăng viện phí, BV cũng chưa có vấn đề gì phát sinh. “Chúng tôi đã chuẩn bị cập nhật phần mềm tương thích, không gây khó khăn cho người bệnh khi thanh toán viện phí. BV cũng chưa nhận được lời phàn nàn nào từ phía bệnh nhân” – ông Hiền chia sẻ.
 

Cũng theo bà Hường, việc tăng giá viện phí và tăng số lượng các dịch vụ là một sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngành y tế. “Giá tăng nhưng về thực chất người bệnh sẽ được lợi. Trước hết là người bệnh được coi trọng, đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, BV là người phục vụ. Đồng thời, chất lượng khám chữa bệnh tăng, giá viện phí “tiệm cận” với giá thị trường nên đã được tính đúng, tính đủ các chi phí, người bệnh không phải trả thêm chi phí bên ngoài” – bà Hường chia sẻ.

Theo Diệu Linh - Mỵ Lương (Dân Việt)