Kinh tế

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM

Ngoài những bất động sản "khủng" được biết đến lâu nay, một số tòa nhà nổi tiếng khác cũng lộ diện là tài sản trong tay nữ đại gia Trương Mỹ Lan.

Báo Tuổi trẻ cho hay, theo kế hoạch, ngày mai (19/3), đại diện viện kiểm sát sẽ bắt đầu luận tội và đề nghị mức án đối với bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, phong tỏa một lượng lớn tiền, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của bà Trương Mỹ Lan, ngoài ra 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan cũng bị kê biên.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM

Theo kết luận điều tra, trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên được chia làm 4 nhóm chính có liên hệ chặt chẽ với nhau gồm:

- Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam: SCB, Chứng khoán Tân Việt, đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú

- Nhóm các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: phần lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều là những công ty có vốn điều lệ lớn, chi phối hoạt động của nhiều công ty thành viên như CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (18.000 tỷ), CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông (vốn 9.000 tỷ)...CTCP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, CTCP Đầu tư Time Square Việt Nam, CTCP XNK Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn...

- Nhóm các công ty ma tại Việt Nam: được thành lập để lấy các pháp nhân góp vốn vào dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ, ký hợp đồng...

- Mạng lưới các công ty tại nước ngoài...

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về hướng giải quyết tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án. Bên cạnh đó, còn có không ít toà nhà nổi tiếng, từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM cũng thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan.

Tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, toà nhà này đang vay 4 ngân hàng nước ngoài với số tiền 200 triệu USD, chủ sở hữu đã ủy quyền cho bà Chu Duyệt Phấn (con bà Trương Mỹ Lan), bà Lan cho rằng tòa nhà này được mua với giá 700 triệu USD chưa tính chi phí khác, hiện có một bên hỏi mua lại với giá 350 triệu USD là đang ép giá.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 1

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng tòa nhà trên có giá thấp nhất cũng phải hơn 400 triệu USD nhưng với điều kiện phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài và không liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử nói nếu bà Lan biết ai mua với giá đó, thì có thể đề nghị lên để xem xét tạo điều kiện nhằm góp phần khắc phục hậu quả.

Bà Lan cũng cam kết nếu bán được tòa nhà sẽ tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để khắc phục.

Báo An ninh tiền tệ cũng thông tin thêm, tòa nhà Capital Place vốn là một phần của dự án Vinhomes Metropolis, sau đó được chuyển nhượng sang cho pháp nhân CTCP Twin-Peaks thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản Singapore Capitaland.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, một thương hiệu bất động sản mới nổi thời gian đó là Viva Land đã công bố mua lại Capital Place với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu USD), thấp hơn con số mà bà Lan đã khai tại tòa. Viva Land thành lập từ năm 2020, có trụ sở tại Singapore.

Viva Land từng được giới bất động sản nhắc đến là doanh nghiệp có mối liên hệ với Vạn Thịnh Phát. Trên website chính thức của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước đó cũng xuất hiện thông tin Viva Land là đối tác.

Khách sạn Daewoo Hà Nội

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị bán Khách sạn Daewoo và nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, CTCP Bông Sen của gia đình bà chiếm 93,6% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Con gái đề nghị bà Lan bán khách sạn đó nhưng bà nói đang vướng cổ phiếu.

Đây là khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội. Khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô bởi quy mô hoành tráng bậc nhất thời bấy giờ.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 2

Tọa lạc tại "đất vàng" nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi không chỉ là khách sạn lớn nhất tại Thủ đô mà còn thu hút giới doanh nhân và chính khách bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Đây là địa điểm nổi tiếng từng đón tiếp các lãnh đạo hàng đầu thế giới như: cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Toà nhà Times Square TP.HCM

Một mắt xích quan trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát là bị can Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan - người nắm vai trò là cổ đông chính sở hữu 99,26% cổ phần và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square - doanh nghiệp sở hữu Toà nhà Times Square toạ lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1).

Khai với cơ quan điều tra, ông Chu Lập Cơ thừa nhận đồng ý để vợ là Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn Ngân hàng SCB thực hiện công trình toà nhà Times Square - khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại.

Năm 2009-2012, hai vợ chồng thống nhất sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, pháp nhân do Trương Mỹ Lan chỉ định. Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận thế chấp để hợp thức hoá giấy tờ bảo lãnh khoản vay tại Ngân hàng SCB.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 3

Times Square là cao ốc phức hợp nằm vị trí trung tâm đường Nguyễn Huệ. Toà nhà cũng được xem là trái tim của TP.HCM. Tổng thể kiến trúc của Times Square gồm tòa tháp cao 39 tầng (163.5m) có khối bệ 6 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000m2. Chiều cao của Times Square lên tới gần 165m và là tòa nhà thứ 2 của TP.HCM có sân đậu trực thăng trên sân thượng.

Toàn bộ mặt ngoài của Time Square là The Reverie Saigon - được giới thiệu là một trong số những khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam, từng ở vị trí thứ 4 trong danh sách 50 khách sạn tốt nhất thế giới. Khách sạn có mặt tiền hướng ra đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ với thiết kế vương giả lộng lẫy, tinh xảo đến từng chi tiết, vừa phóng khoáng hiện đại lại vừa cổ điển quý phái.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 4

The Reverie Saigon

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt dự án đắc địa; tập trung tại cung đường Nguyễn Huệ (nơi đặt trụ sở chính Vạn Thịnh Phát), Đồng Khởi cùng các địa điểm xung quanh ở trung tâm Sài Gòn (quận 1, quận 3…). Cũng nằm trên đường Nguyễn Huệ còn có khách sạn Palace Hotel Saigon thuộc quản lý của CTCP Bông Sen. Hiện công ty này còn nắm cổ phần chi phối của CTCP Daeha - chủ sở hữu của khách sạn Daewoo Hanoi.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 5

Union Square

Cách Time Square không xa là Union Square với 4 mặt tiền đường Đồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn, gần kề với trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. Nơi này có tổng diện tích sàn lên đến 91.000 m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao.

Công trình mang phong cách kiến trúc Pháp, vừa làm trung tâm thương mại vừa kinh doanh khách sạn được Vạn Thịnh Phát mua lại vào tháng 6/2013 với số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng. Dù được giới thiệu là thiên đường mua sắm hàng hiệu, ẩm thực, giải trí hàng đầu nhưng Union Square vẫn đìu hiu suốt những năm qua.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 6

An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza

Theo báo Sài Gòn giải phóng, Trung tâm mua sắm An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza (18 đường An Dương Vương, quận 5) cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng, với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị. Windsor Plaza là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam (tên gọi trước đây).

Khách sạn Thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel) tọa lạc tại trung tâm quận 5 - là khách sạn tư nhân đầu tiên được xếp hạng 5 sao ở Việt Nam và được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị APEC năm 2006. Thời điểm hiện tại, An Đông Plaza - Winsor Hotel vẫn hoạt động bình thường nhưng lại rơi vào trạng thái khá vắng khách.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 7

Thuận Kiều Plaza (The Garden Mall)

Thuận Kiều Plaza được Công ty cổ phần An Đông (công ty con của Vạn Thịnh Phát) mua lại vào năm 2015. Dự án là một khu cao ốc có tổng diện tích xây dựng 10ha, bao gồm 3 tòa tháp cao 33 tầng với 648 căn hộ. Sau khi về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án đã được đổi tên thành The Garden Mall và được đồn đoán sẽ bị đập bỏ toàn bộ để thay bằng một dự án khác.

Dự án là một khu cao ốc có tổng diện tích xây dựng 10ha, bao gồm 3 tòa tháp cao 33 tầng với 648 căn. Được xây dựng từ năm 1994 đến năm 1999, Thuận Kiều Plaza là một tổ hợp 3 tòa tháp án ngữ trên đường Hồng Bàng, ngay khu đất vàng của trung tâm quận 5. Nơi đây được xem là một trong những cao ốc phức hợp đầu tiên được xây dựng và từng được coi là biểu tượng phát triển của TPHCM.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 8

IFC One Saigon (tên cũ Saigon One Tower)

Dự án Saigon One Tower nằm trên khu đất “vàng”, ngay trục đường lớn Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM). Dự án trước đây do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư. Saigon One Tower được khởi công năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ (238 triệu USD thời điểm bấy giờ). Thế nhưng khi công trình đã hoàn thiện khoảng 80% thì dự án bị ngưng thi công suốt nhiều năm.

Cuối năm 2021, dự án bất ngờ xuất hiện nhiều công nhân và phương tiện máy móc cùng với đó là thông tin dự án đã được Công ty Viva Land thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan mua lại khiến nhiều người kỳ vọng dự án này sẽ "hồi sinh". Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, dự án chỉ được thay lớp kính bên ngoài đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Các hạng mục bên trong toà nhà, chủ đầu tư vẫn chưa được thi công do dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 9

Ngoài IFC One Saigon, Viva Land được quảng bá là đơn vị phát triển hàng loạt dự án bất động sản quy mô tại TP.HCM như Waterfront Saigon, Q.1; D4 DVD, Q.4; Sài Gòn Peninsula, Q.7; Diamante, TP. Thủ Đức…

Biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần

Căn biệt thự cổ được xây dựng trên khu đất 2.819m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000m2 cũng thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan.

Vào năm 2013, khi thị trường bất động sản diễn ra sôi động, căn biệt thự trên 100 tuổi này được rao bán với giá 47 triệu USD. Nhưng đến năm 2015, CTCP Minerva đã mua thành công với giá trị 35 triệu USD (khoảng hơn 700 tỷ đồng theo tỷ giá giai đoạn đó). Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019.

Nhìn lại 'núi' tài sản Trương Mỹ Lan sở hữu: Từ biệt thự cổ trăm năm tuổi đến những toà nhà từng là biểu tượng của Hà Nội và TP.HCM - 10
Biệt thự cổ bà Trương Mỹ Lan xin để bảo tồn (Ảnh: báo Lao động)

Sở Xây dựng TPHCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới. Bảo vệ ở đây cho biết, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, lực lượng chức năng đã đến nơi này làm việc rồi nhà thầu đã thông báo đóng cửa công trình, ngưng thi công. Theo quan sát, bên trong đã không còn công nhân nhưng vật tư vật liệu, máy móc vẫn còn ngổn ngang. Tại đây có vài bảo vệ được giữ lại để bảo vệ công trình.

Liên quan việc Công ty Minerva sở hữu biệt thự cổ số 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), bà Trương Mỹ Lan khai là do mẹ bà mua với giá 700 tỉ đồng. Theo bà Lan, nhà này là di tích không thể mua bán nên đề nghị không kê biên, mà giao lại cho gia đình để bảo tồn.

Cơ quan tố tụng còn kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.

22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân cũng bị kê biên trong quá trình điều tra.

Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan khai gia đình bà còn sở hữu 73,4% cổ phần khách sạn Daewoo. Nhưng theo bà Lan, tài sản này không thể bán được do vướng về pháp lý vì đã được dùng để phát hành trái phiếu trước đó.

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng xác nhận hiện đang có cổ phần tại công ty bảo hiểm nước ngoài (thuộc sở hữu của một tỷ phú Hong Kong), trị giá cổ phần lúc mua khoảng 920 tỉ đồng, hiện đã tăng lên nhiều lần nên đề nghị xem xét lại giá cổ phần để thu hồi, khắc phục.

Cũng theo bà Trương Mỹ Lan, bà còn có nhà máy sản xuất vắc xin trị giá 315 tỉ đồng. Con gái bà Lan đã có đề nghị chuyển nhượng cổ phần bằng với giá trị đầu tư để khắc phục thiệt hại.

Theo PV (Phụ Nữ Mới)




https://phunumoi.net.vn/nhin-lai-nui-tai-san-truong-my-lan-so-huu-tu-biet-thu-co-tram-nam-tuoi-den-nhung-toa-nha-tung-la-bieu-tuong-cua-ha-noi-va-tphcm-d304859.html