Kinh tế

Những mặt hàng Việt lao đao vì thương lái Trung Quốc

Thịt lợn và trái cây là hai trong số nhiều mặt hàng phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc trong năm 2016, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thịt lợn và trái cây là hai trong số nhiều mặt hàng phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc trong năm 2016, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Báo cáo nêu rõ năm 2016 diễn biến thời tiết phức tạp từ đợt rét đậm, rét hại, hạn hán trên diện rộng, xâm nhập mặn kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Thị trường xuất khẩu nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhu cầu và giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm. 

Trong đó, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc đang là e ngại và thách thức lớn khi nhiều mặt hàng “tỷ đô” vẫn lao đao vì thương lái Trung Quốc. 

Nhung mat hang Viet lao dao vi thuong lai Trung Quoc hinh anh 1
Đồ hoạ: K.Linh.

Cụ thể, tháng 12/2016, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam ở mức thấp do nguồn cung dồi dào và thương lái Trung Quốc giảm mua. Theo đó, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-4.000 đồng một kg; 1.000 đồng một kg và 2.000 đồng một kg so với tháng 11/2016. Giá gia cầm trong tháng có nhiều biến động trái chiều. 

Bộ Nông nghiệp phân tích rõ từ đầu năm cho đến giữa tháng 5/2016 thị trường lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như nội địa tăng.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2016, Trung Quốc đột ngột ngừng nhập lợn hơi qua đường tiểu ngạch do tăng cường công tác kiểm soát kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa. Giá lợn hơi tại Việt Nam bắt đầu giảm. “Nhìn lại cả năm 2016, giá thu mua lợn hơi có nhiều biến động trái chiều”, báo cáo nêu rõ. 

Nhung mat hang Viet lao dao vi thuong lai Trung Quoc hinh anh 2
Trung Quốc đột ngột dừng nhập lợn hơi khiến giá giảm mạnh. Ảnh: Ngô Minh Hoàng.

Bất chấp việc thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, rau quả vẫn là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp, trong tháng 12, Trung Quốc giảm mua thanh long, khiến thị trường đã giảm giá mạnh. Thêm vào đó, vụ mùa năm nay thời tiết thiếu thuận lợi, mưa thất thường khiến cho thanh long bị dịch bệnh đốm nâu nặng trong khi thuốc đặc trị không có nên người dân ở đây đa phần chịu thua lỗ và giá càng giảm mạnh.

Hiện, giá thanh long chỉ ở mức 20.000 đồng một kg loại I, còn lại là 3.000-4.000 đồng một kg.

“Thị trường trái cây đa phần vẫn phụ thuộc và các thương lái Trung Quốc nên biến động thất thường. Đối với mặt hàng rau củ, thị trường cũng biến động tăng mạnh do tác động của bão, mưa tại một số vùng miền Trung, Nam khiến nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lại tăng mạnh”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, mặc dù biết xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu là mua bán qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đó được xem là hướng ra thích hợp, trong khi việc tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn, khắt khe.

Hiện Mỹ đã cho phép nhập khẩu hàng loạt các loại trái cây của nước ta, đó là thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải, xoài và vú sữa. Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, xoài. Úc cũng đã mở cửa thị trường cho quả thanh long và xoài Việt Nam. 

Tuy nhiên, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vẫn là một thách thức lớn. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, từng dự đoán rằng những năm tới, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, Việt Nam cần phải đa dạng nhanh thị trường xuất khẩu, để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường, gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ giá xuống thấp, gây thiệt thòi cho phía Việt Nam.

Theo Kiều Linh (Zing.vn)