Kinh tế

Tiền ‘chảy’ mạnh vào trái phiếu ngân hàng

Năm 2023, ngân hàng là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, chiếm quá nửa tổng giá trị phát hành năm qua (56,5%).

Dữ liệu này được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC).

Năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng. Trái phiếu riêng lẻ chiếm áp đảo, với 286 đợt phát hành, trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).

Tiền ‘chảy’ mạnh vào trái phiếu ngân hàng
Ngân hàng chiếm áp đảo về giá trị phát hành, bất động sản theo sau với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) có 4 đợt phát trái phiếu trong tháng 12, huy động tổng cộng 9.750 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 2 - 3 năm, lãi suất dao động từ 5,1 - 6%/năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng có 4 đợt huy động trái phiếu trong tháng cuối năm, đem về 8.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng huy động được 7.941 tỷ đồng trái phiếu trong tháng cuối năm. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổng huy động 7.000 tỷ đồng…

Tháng 12/2023 cũng ghi nhận khối lượng trái phiếu phát hành tăng đột biến. Số liệu từ VMBA cho thấy, tháng 12 có tới 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng giá trị lên đến 42.806 tỷ đồng.

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Hiện số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12. Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Thời gian sắp tới, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 2.100 tỷ đồng, dự kiến chia thành 3 đợt phát hành.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 6 năm. Lãi suất thả nổi và sẽ được công bố cụ thể tại thời điểm phát hành.

Tiền ‘chảy’ mạnh vào trái phiếu ngân hàng - 1
Giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn cũng tăng mạnh trong tháng 12/2023.

Nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect nhận định, năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục dần sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, khi áp lực đáo hạn trong năm 2024 rất lớn. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể trầm lắng trở lại, khi một số quy định trong Nghị định 08 hết thời gian ngưng hiệu lực thi hành.

Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 khoảng 207.000 tỷ đồng, chỉ giảm 3% so với năm 2023. Trong đó, hơn 59% đến từ doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Theo tổng hợp của VNDirect, hiện có khoảng 71 tổ chức phát hành chậm thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.

Tổng dự nợ trái phiếu doanh nghiệp của 71 tổ chức phát hành này khoảng hơn 172.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,9% dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Phần lớn doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Theo Việt Linh (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/tien-chay-manh-vao-trai-phieu-ngan-hang-post1603712.tpo