Kinh tế

Vì sao Hảo Hạng ngưng sản xuất, Hảo Hảo vẫn kiện tới cùng?

Bị tố vi phạm bản quyền thương hiệu mì gói tôm chua cay Hảo Hảo, công ty AsiaFoods đã cho ngưng sản xuất mặt hàng gây tranh cãi, mì Hảo Hạng. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó.

Bị tố vi phạm bản quyền thương hiệu mì gói tôm chua cay Hảo Hảo, công ty AsiaFoods đã cho ngưng sản xuất mặt hàng gây tranh cãi, mì Hảo Hạng. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó.

Vina Acecook yêu cầu tòa án xác định hành vi sử dụng mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay & Hình” của Asia Foods là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay & Hình”. Đây là nhãn hiệu của Acecook Việt Nam, đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360. Bên khởi kiện đưa ra các yêu cầu đối với Asia Foods là chấm dứt hành vi vi phạm, đăng thông tin cải chính và xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông và bồi thường thiệt hại 817,5 triệu đồng.

Sản phẩm mì Hảo Hạng được Asia Foods tung ra thị trường từ tháng 1/2015 với thông điệp quảng cáo và thiết kế bao bì tương tự mì gói tôm chua cay Hảo Hảo của Vina Acecook. Ngay sau đó, nhãn hiệu này đã bị công ty Vina Acecook, "cha đẻ" của mì Hảo Hảo, tố vi phạm bản quyền thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Hảo Hảo quyết tâm kiện tới cùng, cho tới khi phía Hảo Hạng thỏa mãn các yêu cầu đưa ra. Ảnh: Diệp Sa.

Theo biên bản làm việc do Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương vào giữa tháng 3/2015 cung cấp, đại diện Asia Foods khẳng định “mì Hảo Hạng không hề sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo”. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, sản phẩm mì Hảo Hạng đã được ngưng sản xuất từ ngày 4/2/2015.

Động thái "lùi một bước" của Asia Foods chưa khiến Vina Acecooks thỏa mãn. Chia sẻ với Zing, ông Lê Văn Hùng, đại diện truyền thông và đối ngoại đơn vị chủ quản mì Hảo Hảo giải thích: "Asia Foods mới chỉ thực hiện được 1 trong 3 yêu cầu mà công ty chúng tôi đưa ra. Tuy sản phẩm mì vi phạm đã ngưng sản xuất nhưng thực tế, mặt hàng này vẫn đang lưu hành trên thị trường, chưa được thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, Asia Foods chưa chịu thừa nhận việc mình đã vi phạm quyền sở hữu thương hiệu, chưa có công văn cải chính và xin lỗi gửi tới Vina Acecooks".

Phía Hảo Hảo khẳng định sẽ kiện tới cùng, cho đến khi hãng sản xuất Hảo Hạng thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trên.

Theo tìm hiểu, mì Hảo Hảo bắt đầu tiêu thụ mạnh trên thị trường từ năm 2000. Hiện tại, Vina Acecook được coi là ông lớn trên thị trường mì gói Việt Nam với mức độ bao phủ 90%, thị phần chiếm hơn 50%. Trong đó, riêng mì Hảo Hảo chiếm 60% doanh thu trên tổng sản phẩm hiện hành của Vina Acecook.

Đầu năm 2015, mì Hảo Hảo có dấu hiệu khan hàng cục bộ, tăng giá ở một số địa phương. Nhiều thương hiệu đối thủ như Omachi (Masan), Micoem, Asia Foods đã tận dụng thời cơ này để tung ra các sản phẩm mì gói cạnh tranh với Hảo Hảo trên phân khúc giá bình dân.

Nói về giai đoạn biến động thị trường này, đại diện Hảo Hảo giải thích, năm 2015 đánh dấu sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập của Acecook Việt Nam. Công ty quyết định cải tổ bộ máy sản xuất, vận hành ngay từ đầu năm. Do vậy, trong một khoảng thời gian ngắn, sản lượng sản xuất mì Hảo Hảo có bị ảnh hưởng, tình trạng khan hàng xảy ra ở một số địa phương. Các tiểu thương đã tự ý điều tiết hàng hóa bằng cách nâng giá bán.

Tuy nhiên, sự cố nhỏ nói trên không gây ảnh hưởng tới hoạt động chung của Hảo Hảo trên thị trường và đã nhanh chóng được giải quyết. Thực tế, Hảo Hảo không tăng giá và vẫn thể hiện quyết tâm giữ vững vị trí là sản phẩm có sức tiêu thụ lớn nhất trên thị trường mì gói bình dân hiện nay.
 
>> Hảo Hảo đưa Hảo Hạng ra tòa
 
Theo Diệp Sa (Zing.vn)