Lối Sống

Bác sĩ nói gì về các trường hợp 'dân chơi' liệt chân vì nghiện hút bóng cười?

Nghiện hút bóng cười có thể mang lại những hệ quả lâu dài về sức khỏe. Theo bác sĩ Ngô Minh Quân (Khoa Ngoại Thần Kinh - BV Nhân Dân Gia Định), các "dân chơi" vẫn rất chủ quan và chưa thực sự biết sợ về độc tính của bóng cười.

Nhiều người gánh hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng bóng cười

Hít "bóng cười" tức là những quả bóng được bơm đầy khí N2O khá phổ biến. Tuy nhiên hầu hết những người dùng đều không rõ về độc tính và khả năng gây tổn thương thần kinh của loại khí này.

Đã có không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị do ngộ độc, lạm dụng bóng cười có xu hướng tăng. Các bệnh nhân hầu hết là những người trẻ, trong độ tuổi 18 - dưới 30.

Bác sĩ nói gì về các trường hợp 'dân chơi' liệt chân vì nghiện hút bóng cười?

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam từng chia sẻ trường hợp cô gái 20 tuổi, sống tại Hà Nội được gia đình đưa vào bệnh viện vì tê yếu tay, mất cảm giác chân nhiều ngày.

Sau khi tiến hành chụp MRI sọ não, kết quả sọ não không thấy bất thường nhưng tủy cổ C2-C7 lại bị tổn thương. Qua khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân đã sử dụng bóng cười chứa khí N2O trong 3 năm gần đây, thậm chí có tuần sử dụng bóng cười 3 buổi.

Trước đó, cũng từng có trường hợp nam sinh viên 21 tuổi tại Hà Nội do liên tục hít bóng cười trong vòng 2 năm cũng đã được chuyển đến Trung tâm Chống độc điều trị trong tình trạng tổn thương thần kinh, tổn thương tủy sống, tê bì 2 chân.

Gần đây nhất là trường hợp một "hot boy" phố Minh Khai tuyên bố ly hôn với lý do "vợ tôi ngoại tình" và "hút bóng cười" đến liệt cả chân.

Giới trẻ vẫn không rõ về độc tính của bóng cười

Theo bác sĩ Ngô Minh Quân - Bác sĩ Khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM, Dinitơ monoxit có trong bóng cười là một hợp chất hóa học có công thức N2O, ở nhiệt độ phòng chất này tồn tại ở dạng khí không màu, có mùi vị hơi ngọt và có tác dụng ức chế thần kinh. Người hít khí này cảm thấy thoải mái, thư giãn và cười khúc khích, đây cũng chính là lý do mà nó còn có tên là "khí gây cười''.

Bác sĩ nói gì về các trường hợp 'dân chơi' liệt chân vì nghiện hút bóng cười? - 1

Trong y khoa, N2O đã được sử dụng với mục đích giảm đau và gây mê hơn 150 năm qua. Tuy nhiên gần đây, tính an toàn của N2O bị nghi ngờ khi ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ giả thuyết rằng nó có một số tác dụng gây độc thần kinh và không nên được xem là vô hại.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng N2O là chất đối kháng N-methyl-d-aspartate (NMDA) đồng thời gây tăng nồng độ homocysteine, điều này có thể liên quan đến các vấn đề tim mạch và hiện tượng chết tế bào thần kinh. Đặc biệt là ở các tế bào thần kinh dễ tổn thương như trẻ em, người lớn tuổi và người thiếu vitamin B12.

Để lại những hậu quả lâu dài

Năm 2008, tác giả Singer MA từng mô tả một phụ nữ 27 tuổi khỏe mạnh đã xuất hiện bệnh lý tủy bán cấp gây yếu hai chân và tê bì ngoại biên sau khi tiếp xúc khí N2O. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy những vị trí tổn thương nhỏ ở tủy sống cổ. Qua thăm khám cho thấy bệnh nhân thiếu vitamin B12 và đã tiếp xúc với N2O ba tháng trước đó. Sau 10 tháng tiêm vitamin B12, các triệu chứng đã giảm bớt, tuy nhiên điều này đã có thể không xảy ra nếu bệnh nhân không tiếp xúc N2O.

Ngoài độc tính thần kinh, khi hít một lượng lớn N2O, nó có thể gây tụt huyết áp, ngất, đau ngực. Tình trạng này hoàn toàn có thể tử vong nếu não không được cung cấp đủ oxy. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các hậu quả lâu dài như suy giảm trí nhớ, dị tật bẩm sinh (nếu sử dụng trong thai kỳ), suy yếu hệ thống miễn dịch, gây nghiện, rối loạn tâm thần.

Theo PV (Phụ nữ Việt Nam)




https://phunuvietnam.vn/bac-si-noi-gi-ve-cac-truong-hop-dan-choi-liet-chan-vi-nghien-hut-bong-cuoi-20240305221527342.htm