Lối Sống

Hà Nội: Người phụ nữ bị chó nhà cắn đứt lìa bàn chân

Nữ bệnh nhân Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì chó nhà cắn đứt rời bàn chân phải với nhiều vết cào xé trên người.

Theo VTC News dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 11/9, cơ sở này tiếp nhận một bệnh nhân bị chó nhà cắn, đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại.

Cách thời điểm đến bệnh viện 3 ngày, người phụ nữ này bị chó nhà cắn đứt rời bàn chân phải. Con chó còn cào xé, gây nhiều vết thương trên người bệnh nhân. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn, virus đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, việc xử trí thường khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn. Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương, bệnh nhân còn cần được tiêm chủng uốn ván, phòng dại.

Hà Nội: Người phụ nữ bị chó nhà cắn đứt lìa bàn chân
Bệnh nhân bị chó cắn đứt rời bàn chân phải. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Báo VietNamNet dẫn lời Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thúy - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên.

Bệnh lây truyền do virus dại xâm nhập qua các vết cắn, vết cào của động vật đã mắc bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại gây tổn thương trên hệ thần kinh trung ương ở một số loài động vật, đặc biệt là chó. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, tỷ lệ tử vong là 100%.

Các gia đình cần tiêm phòng dại cho vật nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo...

Hà Nội: Người phụ nữ bị chó nhà cắn đứt lìa bàn chân - 1
Ảnh minh họa: Internet

Khi bị chó, mèo cắn, bác sĩ khuyến cáo người dân thực hiện 4 lưu ý sau:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Không nên chữa dại theo mẹo hoặc các hình thức dân gian khác.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/ha-noi-mot-nguoi-bi-cho-nha-can-gan-dut-roi-ban-chan-d181617.html