Lối Sống

Hi hữu: Bệnh nhân sốc phản vệ độ II vì muỗi đốt

Cụ ông ở Quảng Bình nhập viện trong tình trạng khó thở, ngứa và ban đỏ nổi khắp cơ thể sau khi bị muỗi đốt. Các bác sĩ chẩn đoán cụ bị shock phản vệ độ II.

Tối 30/11, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, các bác sĩ bệnh viện này vừa cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ độ II.

Bệnh nhân là ông P.V.H. (94 tuổi trú tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới), vào viện trong tình trạng khó thở, ngứa và ban đỏ nổi khắp cơ thể.

Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, mạch của bệnh nhân 100l/p, huyết áp 150/90 mmHg, rales rít hai bên phổi. Ngay tức bệnh nhân được tiêm thuốc Adrenalin và chuyển Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc điều trị tiếp.

Hi hữu: Bệnh nhân sốc phản vệ độ II vì muỗi đốt
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Việt Nam Cuba Đồng Hới, Quảng Bình.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản và nhiều lần dị ứng do muỗi đốt. Lần này, cách vào viện khoảng 30 phút, sau khi bị muỗi đốt bệnh nhân xuất hiện rầm rộ các triệu chứng trên và được người nhà đưa ngay vào bệnh viện.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định và được các bác sĩ cho xuất viện.

Bác sĩ Lê Hồng Nhân, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc chia sẻ trên báo Sức khỏe & Đời sống, phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên lạ như thức ăn, thuốc, côn trùng đốt... Bệnh nhân biểu hiện khác nhau tùy cấp độ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý nhanh và đúng ngay từ ban đầu.

"Trường hợp bệnh nhân này là rất hiếm gặp và rất nguy hiểm khi bị phản vệ do muỗi đốt. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới có gió mùa, có nhiều nắng, lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao. Do vậy, muỗi sinh sôi nảy nở rất nhiều. Đối với những trường hợp như thế này, trong nhà, vườn tược cần loại bỏ chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước. Những chậu cây phát lộc trong nhiều gia đình lâu ngày không thay nước cũng có thể là nơi phù hợp để muỗi sinh sôi. Nếu xung quanh nhà có các ao, mương nước… thì phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat để rắc lên vùng có nước mỗi tuần 1 lần. Đặc biệt, khi nằm ngủ cần phải luôn luôn mắc màn vì khi bị muỗi đốt lại có nguy cơ phản vệ nặng hơn". BS Nhân cho biết thêm.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/hi-huu-benh-nhan-soc-phan-ve-do-ii-vi-muoi-dot-d197374.html