Ôtô - Xe máy

Lợi bất cập hại khi nhồi nhét nhiều tính năng vào màn hình cảm ứng ô tô

Màn hình cảm ứng cỡ lớn đang trở thành xu hướng trên những dòng xe ô tô hiện đại nhưng mặt trái của xu hướng này là dẫn tới sự xao nhãng của tài xế khi lái xe và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Lợi ích mà màn hình cảm ứng đem lại

Ngày nay, màn hình cảm ứng đang tạo ra cuộc cách mạng về cách người dùng tương tác với ô tô. Từ bảng điều khiển đến hệ thống thông tin giải trí, màn hình cảm ứng đã nhanh chóng trở thành công nghệ được ưa chuộng để điều khiển phương tiện đi lại.

Theo một khảo sát cách đây chưa lâu của tổ chức S&P Global Mobility, tốc độ phát triển của màn hình cảm ứng trên ô tô đã đi quá nhanh khi có tới 97% lượng xe mới ra mắt trong năm 2023 có ít nhất một màn hình cảm ứng. Tổ chức này ước tính có tới 1/4 số xe mới tại Mỹ sử dụng kích thước màn hình cảm ứng từ 11 inch trở lên. 

Lợi bất cập hại khi nhồi nhét nhiều tính năng vào màn hình cảm ứng ô tô
Màn hình cảm ứng trên các mẫu xe mới ngày càng lớn. (Ảnh: Volkswagen)

Điều đó cho thấy vô số lợi ích mà màn hình cảm ứng đem lại như giao diện người dùng trở nên trực quan hơn, kết nối liền mạch với các thiết bị di động, đem lại nhiều tiện ích giải trí và giúp người dùng không cần phải mang xe đến trung tâm sửa chữa nhờ quá trình sửa lỗi, nâng cấp đều thông qua internet.

Ngoài ra, đối với các hãng ô tô, việc sử dụng màn hình cảm ứng giúp họ tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra một không gian nội thất tinh giản, tiện nghi và sang trọng, nhờ đó trở thành một điểm mấu chốt quan trọng trong việc bán hàng. Trong tương lai, màn hình cảm ứng có thể còn được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và máy học nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Lợi nhiều mà hại cũng chẳng ít

Bên cạnh những lợi ích mà màn hình cảm ứng đem lại cho cả hai bên (nhà sản xuất ô tô và người tiêu dùng), sự hiện diện của những màn hình cảm ứng ngày càng lớn và phức tạp đang làm dấy lên lo ngại về an toàn.

Mới đây, tổ chức đánh giá xe mới Euro NCAP đã phải đặt ra tiêu chuẩn mới sau khi xu hướng chuyển dần các phím điều khiển vật lý chính lên màn hình cảm ứng trung tâm ở các mẫu xe mới ngày một nhiều. Theo đó, những mẫu ô tô mới bán tại châu Âu từ năm 2026 nếu lược bỏ phím bấm vật lý điều khiển một số chức năng an toàn sẽ khó đạt tiêu chuẩn 5 sao của tổ chức này.

Lợi bất cập hại khi nhồi nhét nhiều tính năng vào màn hình cảm ứng ô tô - 1
Nhiều nghiên cứu chỉ ra màn hình cảm ứng là nguyên nhân gây ra sự mất tập trung khi lái xe. (Ảnh: Autocar)

Nguyên nhân là vì điều này dẫn đến khả năng tập trung nhìn đường của người lái bị suy giảm mỗi khi cần thao tác điều khiển các tính năng cần thiết như tăng giảm nhiệt độ, cần gạt mưa, xi nhan... trên màn hình.

Cục Quản lý An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết lái xe mất tập trung có thể do màn hình cảm ứng chiếm 8% tổng số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông tại nước này vào năm 2021 và con số vẫn tiếp tục tăng.

Còn theo nghiên cứu của viện công nghệ giao thông vận tải Virginia của Mỹ, nếu tài xe thường xuyên rời mắt khỏi con đường trên 2 giây liên tục sẽ tăng gấp đôi nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Đây không phải là một vấn đề mới mà chúng đã xảy ra ngay từ khi trào lưu sử dụng màn hình cảm ứng trên ô tô mới nổi lên. Vào năm 2020, Honda đã cho rằng màn hình và nút bấm dạng cảm ứng dễ khiến người lái mất tập trung và dễ gây ra tai nạn.

Điều này được hãng xe Nhật Bản đưa ra sau khi họ áp dụng cả màn hình cảm ứng và nút bấm cảm ứng lên dòng xe Honda City thế hệ thứ 4 từ năm 2014. Dòng xe này cũng được bán tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thấy những bất cập, Honda đã quyết đưa trở lại nút vật lý cho hệ thống điều hòa khi ra mắt dòng City thế hệ thứ 5 vào năm 2020.

Lợi bất cập hại khi nhồi nhét nhiều tính năng vào màn hình cảm ứng ô tô - 2
Honda City từng được trang bị cả màn hình cảm ứng và nút bấm điều hòa cảm ứng. (Ảnh: Ngô Minh)

Dưới góc độ người dùng, anh Nguyễn Hồng Vinh (Vinh Nguyễn), chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực lái xe an toàn nhận xét: "Quá trình xử lý các thao tác trên màn hình cảm ứng sẽ tốn nhiều thời gian so với các phím bấm vật lý, điều này đã được chứng minh qua các thử nghiệm bởi các tổ chức nước ngoài có uy tín. Việc mất nhiều thời gian để xử lý hơn đồng nghĩa sự xao nhãng hay mất tập trung trong quá trình lái xe chắc chắn cao hơn."

Còn anh Nguyễn Thái Học, hiện đang sử dụng chiếc Mercedes-Benz C300 AMG 2023 cho biết: "Việc gộp hệ thống giải trí và điều hòa vào trong một màn hình cảm ứng cỡ lớn giúp nội thất gọn gàng hơn nhưng nếu không may màn hình này có vấn đề, các tính năng giải trí có thể tạm thời không dùng nhưng điều hòa mà không chỉnh được thì cũng đáng lo đấy."

"Thực tế đã chứng minh nút bấm vật lý có độ bền bỉ cao, có thể theo suốt quãng đời của chiếc xe, còn màn hình cảm ứng tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng khi thiết bị này ngày càng phải xử lý đồng thời nhiều tác vụ thì khả năng xảy ra các vấn đề như mất cảm ứng, treo hình... hoàn toàn có thể xảy ra, tương tự như điện thoại thông minh", anh Học giãi bày sự lo lắng.

Hiện tại, chưa có một quy định nào bắt buộc các nhà sản xuất ô tô phải có những động thái thay đổi trong cách thiết kế màn hình cảm ứng và các nút bấm vật lý riêng biệt cho các tính năng cơ bản. 

Tuy nhiên, vấn đề an toàn đang ngày một trở thành một tiêu chí quan trọng trong quyết định mua xe mới của khách hàng, và vấn đề được tổ chức Euro NCAP đưa ra mới đây có thể sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với sự phát triển của hệ thống màn hình cảm ứng trên ô tô trong thời gian tới. 

Theo Ngô Minh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/loi-bat-cap-hai-khi-nhoi-nhet-nhieu-tinh-nang-vao-man-hinh-cam-ung-o-to-2260428.html