Pháp luật

Chìm ca nô 17 người chết ở Quảng Nam: Vì sao chưa khởi tố vụ án?

Công tác điều tra nguyên nhân vụ chìm tàu ở Quảng Nam làm 17 người chết được thực hiện khẩn trương, nhưng đến nay chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án.

6 ngày sau khi xảy ra vụ lật ca nô kinh hoàng trên biển Cửa Đại khiến 17 người chết, vụ án vẫn chưa được khởi tố. Công an tỉnh Quảng Nam vẫn trong giai đoạn giải quyết thông tin tội phạm, nếu xác minh có tội phạm sẽ khởi tố.

Chạy trong thời tiết biển động?

Trước đó, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra chiều 26/2, khi đó, chiếc ca nô du lịch chuẩn SB của Công ty TNHH MTV Phương Đông, do thuyền trưởng Lê Sen chở 39 người (36 hành khách, 3 lái) đang từ Cù Lao Chàm về đất liền, khi cách bến tàu Cửa Đại khoảng 3 hải lý thì bị lật. Lực lượng chức năng và người dân cứu được 22 người, 17 người chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sóng to gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn làm ca nô lật úp dẫn đến vụ tai nạn.

Chìm ca nô 17 người chết ở Quảng Nam: Vì sao chưa khởi tố vụ án?
Tàu QNa-1152 chở 39 người gặp nạn trên biển Cửa Đại vào chiều 26/2 khiến 17 người chết.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, sau khi trục vớt ca nô đưa vào bờ thì phát hiện một số thiết bị gồm bộ đàm, thông tin liên lạc, ra đa và thiết bị định vị đã bị lấy đi. Qua xác minh, các thiết bị này do thuyền trưởng tàu đã bơi ra lấy vì sợ nước biển vào gây hư hỏng. Công an đã yêu cầu thuyền trưởng đem lên nộp lại. Tuy nhiên các thiết bị này bị nước biển ngấm vào nên cần phải qua các bước xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng Tinh Thông luật phân tích, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự để làm cơ sở cho các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án.

Luật sư Bình cho biết, theo quy định, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.

Trong đó, dấu hiệu tội phạm được hiểu là những dấu hiệu của hành vi phạm tội được quy định trong bộ luật hình sự, đó là dấu hiệu của những hành vi có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Những dấu hiệu đó có thể là một hành vi trái pháp luật hoặc một thiệt hại cụ thể nào đó...

Trong vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, phía công an cho hay, sau khi vụ việc xảy ra, cùng với việc cứu nạn, công an tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, và đã làm việc với thuyền trưởng, 2 thuyền viên, các nạn nhân thoát nạn, nhân chứng và cả đơn vị điều hành xuất bến. Qua làm việc, kiểm tra cho thấy, giấy tờ có liên quan đều đầy đủ. Tàu trước khi xuất bến được biên phòng kiểm soát chặt chẽ.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sóng to gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn làm ca nô lật úp dẫn đến vụ tai nạn. Do đang trong quá trình điều tra theo nguồn tin tố giác nên chưa có cơ sở để khởi tố vụ án như vừa nêu. Tuy nhiên theo luật sư Bình, liệu rằng phía chủ tàu và các thuyền viên đã tuân theo các quy định tại Luật giao thông đường biển nội địa chưa? Bởi, theo quy định, họ được quyền từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời cảng, bến đối với những hành khách đã có vé nhưng có hành vi không chấp hành các quy định của người kinh doanh vận tải, làm mất trật tự công cộng gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.

“Hoặc thuyền trưởng, người lái phương tiện chở khách hoặc phương tiện chở chung hành khách, hàng hóa phải thực hiện các quy định sau đây: Trước khi khởi hành phải kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện; phổ biến nội quy an toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách; không để hành khách đứng, ngồi ở các vị trí không an toàn. Khi có giông, bão không được cho phương tiện rời cảng, bến, nếu phương tiện đang hành trình thì phải tìm nơi trú ẩn an toàn”- luật sư Bình phân tích.

Xác định trách nhiệm hình sự trong vụ chìm ca nô tại Quảng Nam

Liên quan đến vụ việc này, Tiến sỹ- luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là sự việc đáng tiếc khiến 15 người chết và 2 người mất tích. Vụ tai nạn này gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều du khách, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của địa phương. Bởi vậy cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật.

"Lực lượng chức năng sẽ làm rõ chiếc ca nô này có đủ điều kiện lưu hành hay không, người điều khiển có bằng cấp chứng chỉ phù hợp? Quá trình vận chuyển hành khách có trang bị phao cứu sinh, có đảm bảo các quy tắc an toàn hay không? Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các hành khách bị rơi xuống biển là gì? Nhằm mục đích xác định nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến vụ việc", ông Cường nói.

Chìm ca nô 17 người chết ở Quảng Nam: Vì sao chưa khởi tố vụ án? - 1
Sau vụ tai nạn, Bộ GTVT yêu cầu kiểm tra toàn bộ phương tiện chở khách từ bờ ra đảo.

Theo vị luật sư, trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển phương tiện ca nô đã có lỗi dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nhiều người chết, nhiều người bị thương thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo điều 272 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù theo khoản 3.

Trường hợp nếu có lỗi từ phía đơn vị quản lý phương tiện cũng có thể xem xét xử lý đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nếu có căn cứ cho thấy việc quản lý phương tiện này đã xảy ra sai sót.

"Trong vụ tai nạn này cần phải làm rõ ca nô bị lật hay bị đắm. Nếu ca nô bị thủng là do chất lượng phương tiện không đảm bảo hay nguyên nhân nào khác. Trình độ, khả năng người điều khiển phương tiện ra sao? Số phao cứu sinh được trang bị thực tế cho các du khách là bao nhiêu, chất lượng như thế nào và việc hướng dẫn sử dụng ra sao?

Đây là những yếu tố quan trọng để xác định người điều khiển phương tiện này có lỗi hay không, phương tiện có đảm bảo an toàn để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý.

Còn trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy phương tiện đủ điều kiện hoạt động, việc hoạt động của phương tiện này đúng quy trình, quy định, người điều khiển phương tiện có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, việc tai nạn xảy ra là ngoài ý chí chủ quan của người điều khiển và đơn vị vận tải, không xác định được lỗi của cơ quan tổ chức nào đối với vụ tai nạn này thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra", vị luật sư phân tích.

Theo ông Cường, đối với những nạn nhân bị thương tích, thiệt mạng, mất mát tài sản trong vụ việc này thì cần phải được hỗ trợ, bồi thường kịp thời để giảm bớt một phần thiệt hại.

Theo đó, công ty du lịch Phương Đông là chủ phương tiện vận tải chở đoàn khách du lịch sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy.

Cụ thể, nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ, kịp thời, đầy đủ tất cả các khoản về thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần đối với những người bị hại và gia đình người bị hại. Đối với những người bị thiệt mạng, sẽ phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng, tiền chi trả cho nghĩa vụ cấp dưỡng và bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ. Đối với những người bị thương phải cấp cứu điều trị, phải chi trả chi phí cứu chữa cho họ, trả tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và bồi thường tổn thất về tinh thần.

Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, hành khách bị rơi mất điện thoại, ví tiền, các tài sản khác trong vụ tai nạn mà không tìm thấy cũng có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật đối với những thiệt hại thực tế đã xảy ra./.




https://vov.vn/phap-luat/chim-ca-no-17-nguoi-chet-o-quang-nam-vi-sao-chua-khoi-to-vu-an-post928289.vov