Pháp luật

Đại án VNCB mất 9.000 tỷ: Không cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung

Tin tức cập nhật tại phiên tòa, công tố viên cho rằng không cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đại án VNCB mất 9.000 tỷ đồng gây ra bởi nhóm Phạm Công Danh và đồng phạm.

Tin tức cập nhật tại phiên tòa, công tố viên cho rằng không cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đại án VNCB mất 9.000 tỷ đồng gây ra bởi nhóm Phạm Công Danh và đồng phạm.
Đại án VNCB mất 9.000 tỷ: Không cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung - Ảnh 1

Phiên tòa ngày 26/8 bà Trần Ngọc Bích nhấn mạnh: " Tôi không phải là đồng phạm của Phạm Công Danh".

Theo đó, đại diện nhóm cho vay, bà Trần Ngọc Bích (giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát), tái khẳng định, bà có quyền hợp pháp với khoản tiền của bà có tài khoản được mở ở VNCB. Việc chuyển tiền sai thuộc về VNCB và ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Bà Bích nhấn mạnh: “Tôi không có nghĩa vụ phải giải thích những thắc mắc của quý vị (công tố viên - PV) về tiền của tôi. Tiền của tôi trong tài khoản và không gì thay đổi được quyền lợi của tôi. Ngân hàng chuyển sai thì phải hoàn trả lại cho tôi và tôi đồng ý dùng tiền trong tài khoản của tôi để tất toán các khoản vay.”

Theo bà Bích, về khoản vay 300 tỷ đồng mà VNCB đã tự ý cầm cố 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân trong nhóm vay của bà mà đại diện Viện KSND cho rằng, Phạm Công Danh và các đồng phạm phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho VNCB, nhưng lại không đề cập đến yêu cầu của phía bà là giao trả lại 6 sổ tiết kiệm này. Bà Bích đề nghị công tố viên có ý kiến cụ thể.

"Với tư cách là một người gửi tiền, cùng với các cá nhân khác gửi tiền tại VNCB trong nhóm của tôi, tôi thấy ý kiến của đại diện Viện KSND là không hợp lý. Bởi thực chất tôi không chuyển tiền cho Phạm Công Danh. Tôi không lập chứng từ, thì không thể có việc, tiền từ tài khoản của tôi chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh. VNCB tự ý ghi 'Có' trên tài khoản của Phạm Công Danh, sau đó ghi 'Chi' trên tài khoản của tôi để che giấu hành vi phạm tội, hợp thức hóa hành vi phạm tội. Không có dòng tiền, từ tài khoản của tôi sang tài khoản của Phạm Công Danh. Không có chữ ký, thì không có chứng từ, không có chuyển tiền, không có dòng tiền”, bà Bích nói.

Bà Bích cho rằng, công tố viên dùng khái niệm “chuyển tiền không chữ ký” là không đúng. Và đề nghị đại diện Viện KSND tranh luận cụ thể về vấn đề này. Bà cũng tái khẳng định, bà không là đồng phạm với Phạm Công Danh. Trong cáo trạng có nhắc đến việc làm rõ những nội dung liên quan đến bà, là để xác định sự thật khách quan của vụ án. Nhưng đến nay mọi thứ đã rõ.

Không cần thiết trả hồ sơ

Theo công tố viên, những tài liệu trong hồ sơ cho thấy việc nhóm bà Bích có cầm cố sổ tiết kiệm là có thật để vay 5190 tỷ. Cầm cố sổ là có thật. VNCB đã để Phạm Công Danh chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác không có chữ ký nên VNCB phải chịu trách nhiệm. Đây là hành vi trái pháp luật.

Đại diện Viện KSND cho rằng, nếu Hội đồng xét xử (HĐXX) đồng ý cho thu hồi khoản tiền nhóm bà Trần Ngọc Bích đã vay tại VNCB thì cũng có nghĩa là hậu quả được khắc phục và tính nguy hiểm của hành vi cùng với hậu quả còn lại cũng được khắc phục. Do đó đề nghị HĐXX trong quá trình xem xét cân nhắc. Đây cũng là một trong những việc để xem xét khắc phục hậu quả và làm giảm nhẹ tội cho các bị cáo bị truy tố ở hành vi này.

"Hành vi của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại chứ không phải là không gây thiệt hại như luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho Phạm Công Danh - PV) đã nêu. Về số tiền 300 tỷ đồng mà bị cáo Mai Hữu Khương - nguyên thành viên HĐQT, giám đốc Chi nhánh VNCB Sài Gòn đã chuyển tiền cho bị cáo Phạm Công Danh nhưng không có hồ sơ vay. Và trong quá trình điều tra bị cáo Phạm Công Danh là người đã tiếp nhận và sử dụng khoản tiền này gây thiệt hại cho VNCB thì bị cáo Danh phải có quyền và nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền này", công tố viên nói.

Đồng thời, luật sư Phan Trung Hoài có ý kiến cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, phía công tố cũng nhận định, vụ án đã xác định liên quan đến hai tội danh. Thứ nhất là tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về cho vay hoạt động tổ chức tín dụng gây hậu quả trên 2.095 tỷ. Trong giới hạn Viện KSND truy tố và giới hạn xét xử, tòa chỉ đưa ra xét xử những vấn đề mà Viện KSND truy tố theo cáo trạng. Do đó không cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung những vấn đề mà luật sư nêu.

Đại diện Viện KSND cũng nhận thấy có dấu hiệu phạm tội của nhóm Phú Mỹ (đại diện là bà Hứa Thị Phấn) nên cần thiết khởi tố điều tra bằng một vụ ná khác mà không phải là vụ án đang xét xử.

Theo Mỹ Linh – Ngọc Nhiên (Nguoiduatin.vn)