Pháp luật

Hành trình bóc gỡ đường dây chuyên mang thai hộ

Khoảng 800 triệu đồng/lần đối với thai đơn và 1,5 tỷ đồng/lần khi mang thai đôi là cái giá mà những cặp vợ chồng hiếm muộn phải trả cho người làm dịch vụ đẻ thuê. Việc hỗ trợ các gia đình hiếm muộn vì mục đích nhân đạo lại trở thành “món hàng” để các đối tượng thi nhau ra giá, mặc cả và hưởng lợi.

Việc môi giới, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại vốn bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn bất chấp và mới đây CAQ Đống Đa (Hà Nội) đã bắt giữ đường dây chuyên tổ chức mang thai hộ do 2 chị em ruột cầm đầu.

Hành trình bóc gỡ đường dây chuyên mang thai hộ
Hai đối tượng Thuận - Vân trong đường dây môi giới, tổ chức đẻ thuê

Những phụ nữ mang thai đáng ngờ

Cuối tháng 8-2023, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự - CAQ Đống Đa nắm được thông tin về một số nhà tại địa chỉ ngõ 70 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa có rất nhiều phụ nữ mang thai ăn ở sinh hoạt tập trung, có biểu hiện nghi vấn. Ngôi nhà này vốn của Trần Thị Bích Thuận (SN 1976, trú tại phường Phương Liên).

Qua xác minh, Trần Thị Bích Thuận là mẹ đơn thân, lại không có công ăn việc làm ổn định. Em gái Trần Thị Bích Thuận là Trần Thị Bích Vân (SN 1983, ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa) có 1 tiền án về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Vân thường xuyên qua lại nhà của Thuận. Với những thông tin thu thập được, các trinh sát xác định nhiều khả năng đây là hang ổ của một nhóm chuyên mang thai hộ. Đội Cảnh sát hình sự - CAQ Đống Đa đã báo cáo Ban Chỉ huy CAQ xác lập chuyên án để đấu tranh, bóc gỡ.

Ngày 12-9, cơ quan công an đã có đủ căn cứ để kiểm tra, khám xét nơi ở của Trần Thị Bích Thuận và Trần Thị Bích Vân. Tại nhà của Thuận, cơ quan công an phát hiện một số phụ nữ đang mang thai, quê quán ở nhiều tỉnh thành khác nhau, không có quan hệ họ hàng, thân thích, có biểu hiện bất minh… nên đã mời tất cả về trụ sở để làm rõ.

Tại đây, người phụ nữ tên M (quê quán Cà Mau) là một trong những người phụ nữ đang mang thai trình bày, thông qua mạng xã hội M biết Trần Thị Bích Thuận là môi giới trong việc đẻ thuê. Do đang có nhu cầu kiếm tiền từ việc mang thai hộ nên M đã liên hệ với Thuận và tìm đến ngôi nhà ở phố Kim Hoa. Trần Thị Bích Thuận ra giá sẽ trả cho chị M số tiền 280 triệu đồng/lần mang thai hộ. Số tiền này sẽ được chia thành nhiều đợt theo giai đoạn phát triển của thai nhi. Chị M khai nhận mang thai hộ giúp vợ chồng anh T (quê quán Nghệ An). Ngày 11-4-2023, M được Thuận đưa đi cấy phôi thai thành công tại bệnh viện. Đến giai đoạn này, chị M nhận được 50 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đã tiến hành làm việc với vợ chồng anh T. Hai người này trình bày do lớn tuổi, không có khả năng mang thai nhưng muốn có con nên đã liên lạc với Vân là người có thể tìm được người mang thai hộ. Vân đã hướng dẫn vợ chồng anh T đến bệnh viện tạo và lưu trữ phôi. Toàn bộ hồ sơ, thủ tục về việc lưu trữ phôi sau đó được giao lại cho Vân, chi phí trọn gói là 800 triệu đồng. Số tiền này được chia thành nhiều đợt chuyển cho Vân qua tài khoản ngân hàng và chị M chính là người phụ nữ được Thuận - Vân móc nối giúp vợ chồng anh T mang thai hộ. Đến thời điểm bị phát hiện, vợ chồng anh T đã chuyển khoản cho Vân 500 triệu đồng.

Tiếp tục mở rộng điều tra, CAQ Đống Đa đã làm việc với vợ chồng anh D (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Anh D cho biết vợ chồng anh đã thỏa thuận với Vân để tìm người mang thai hộ với giá 1 tỷ đồng nếu mang thai đơn và 1,5 tỷ đồng nếu mang thai đôi. Anh D đã chuyển cho Vân 200 triệu đồng để tiến hành cấy phôi cho người phụ nữ nhận mang thai hộ.

Tại cơ quan công an, Vân và Thuận đều có thái độ quanh co, bất hợp tác. Tuy nhiên, với các tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan công an xác định chị em Vân - Thuận đã có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Căn cứ các tài liệu chứng cứ, CAQ Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Bích Thuận và Trần Thị Bích Vân về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”.

Vỏ bọc là những hồ sơ hợp pháp

Từng có tiền án về tội danh này, Trần Thị Bích Vân tỏ ra rất bình thản. Cả 2 chị em phủ nhận mọi tài liệu chứng cứ, kiên quyết không khai báo thành khẩn. “Quá trình điều tra, lấy lời khai của các đối tượng và những người liên quan gặp rất nhiều khó khăn. Do đã có “kinh nghiệm” chấp hành án phạt tù trước đây và sự chuẩn bị trong trường hợp bị cơ quan công an phát hiện nên các đối tượng và người liên quan đều không hợp tác.

Trước các câu hỏi của cán bộ điều tra, các đối tượng đều trả lời “3 không” - không biết, không nhớ và không rõ. Thuận và Vân đã có sự chuẩn bị trước, thống nhất không khai nhận và dặn dò những người liên quan viện nhiều lý do để phủ nhận tội danh” - cán bộ Đội Cảnh sát hình sự - CAQ Đống Đa chia sẻ. Tuy nhiên, với quyết tâm và kinh nghiệm, các điều tra viên đã đưa ra các chứng cứ khiến các đối tượng không thể chối cãi.

Hầu hết những phụ nữ nhận mang thai hộ đều được Vân và Thuận tuyển chọn thông qua mạng xã hội. Hai bên liên lạc trao đổi qua điện thoại về một phần nội dung công việc. Nếu những người phụ nữ đồng ý với mức giá và các điều kiện do Thuận và Vân đưa ra thì sẽ được đón về căn nhà ở phố Kim Hoa ăn ở, sinh hoạt chờ kết nối với người có nhu cầu nhờ mang thai hộ.

Người được Thuận và Vân chọn phải có sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc và thường là người ở các vùng sâu, vùng xa. Tùy theo các trường hợp cụ thể mà các “bà trùm” sẽ ra giá cho mỗi vụ. Trong đó, một phần số tiền sẽ được các đối tượng chi trả cho người mang thai hộ, phần còn lại dùng để chi cho việc khám, nuôi dưỡng người mang thai và hưởng lợi riêng. Trong nhiều trường hợp, chính người nhận mang thai hộ cũng không biết tên, địa chỉ của những người thuê mình mang thai. Điều này gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, đánh giá việc mang thai hộ vì mục đích thương mại hay không.

Theo CAQ Đống Đa, hoạt động của loại tội phạm môi giới đẻ thuê luôn tiềm ẩn phức tạp. Trong khi đó, pháp luật lại cho phép việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Lợi dụng yếu tố này, các đường dây môi giới và tổ chức đẻ thuê đã được hình thành một cách tinh vi dưới vỏ bọc là những “bộ hồ sơ hợp pháp”. Qua những vụ án trên, cơ quan công an khuyến cáo những gia đình có nhu cầu chính đáng về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo, cần tìm đến cơ sở uy tín được cấp phép, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hầu hết những phụ nữ nhận mang thai hộ đều được Vân và Thuận tuyển chọn thông qua mạng xã hội. Hai bên liên lạc trao đổi qua điện thoại về một phần nội dung công việc. Nếu những người phụ nữ đồng ý với mức giá và các điều kiện do Thuận và Vân đưa ra thì sẽ được đón về căn nhà ở phố Kim Hoa ăn ở, sinh hoạt chờ kết nối với người có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Người được Thuận và Vân chọn phải có sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc và thường là người ở các vùng sâu, vùng xa. Tùy theo các trường hợp cụ thể mà các “bà trùm” sẽ ra giá cho mỗi vụ.

Theo Linh Nhi (An Ninh Thủ Đô)




https://www.anninhthudo.vn/hanh-trinh-boc-go-duong-day-chuyen-mang-thai-ho-post559075.antd