Sao 360°

Nghệ sĩ Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời

Nghệ sĩ Hương Huyền bền bỉ yêu nghề và luôn dốc sức chăm lo cho thế hệ nghệ sĩ hậu bối, gìn giữ và bảo tồn sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời
Nghệ sĩ Hương Huyền và Thanh Hằng

Nghệ sĩ Thanh Hằng xúc động cho biết, cha ruột của chị là nghệ sĩ Hương Huyền vừa qua đời tại Mỹ. Nghệ sĩ Hương Huyền (tên thật Trần Văn Chúc) sinh năm 1942 tại Sài Gòn, có một người anh cũng là nghệ sĩ cải lương tên Hương Sắc và một người chị ruột có biệt danh bà Ba Khan, chuyên cho các bầu gánh cải lương thời đó vay tiền để lập đoàn.

Đỗ tú tài nhưng thích làm kép hát

Năm 1960, bà Ba Khan xuất tiền lập gánh hát cải lương, lấy bảng hiệu là đoàn cải lương Việt Hùng - Minh Chí, tên của hai nghệ sĩ chính đang được khán giả yêu thích lúc bấy giờ. Đoàn Việt Hùng - Minh Chí khai trương với vở "Đường Lên Xứ Thái" của soạn giả Mộc Linh. Hương Sắc đóng vai cận tướng của Việt Hùng, nghệ sĩ Hương Huyền đóng vai vệ sĩ. Đoàn Việt Hùng - Minh Chí hoạt động được hơn một năm thì tan vì nghệ sĩ Minh Chí tách riêng lập đoàn Minh Chí.

Nghệ sĩ Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời - 1
Nghệ sĩ Hương Huyền lúc trẻ

Lúc đó, dù ông đã lấy được bằng tú tài nhưng xin chị cho theo học nghề diễn viên, ông gia nhập gánh Hương Hoa của Bầu Sinh.

Thời điểm đó, ông được giao đóng các vai kép lẳng, hài. Và giai đoạn này ông thành hôn với nữ nghệ sĩ Kim Hoa, rồi đi hát cho nhiều gánh: Thiên Hương - Bạch Vân, Thanh Hương - Hùng Minh, Thanh Minh - Thanh Nga, đoàn Thống Nhất. Vợ ông là đào chánh, còn ông diễn các vai kép độc trong các vở: "Kiếp chồng chung", "Lá thắm chỉ hồng", "Bếp lửa chiều ly biệt", "Đôi mắt người xưa"…

Nghệ sĩ Hương Huyền và Kim Hoa có đứa con gái đầu lòng là Thanh Hằng, theo nghiệp ba mẹ và thành danh với nhiều giải thưởng ở lĩnh vực cải lương, chị đoạt HCV giải Trần Hữu Trang năm 1991.

Một kép hát tài hoa

Theo soạn giả Viễn Châu, nghệ sĩ Hương Huyền thường được bầu gánh trao cho trách nhiệm làm đài trưởng, tức người trông nom phần nghệ thuật cho đoàn hát. Ông có trí nhớ rất tốt, quán xuyến mọi việc từ hậu đài, đến xử lý ánh sáng trong từng cảnh.

NSND Ngọc Giàu nhận xét, ông là người nghệ sĩ tài hoa, luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, bảo ban các em nhỏ theo nghề cố gắng giữ cho đúng truyền thống ca diễn mà ông cha đã kiến tạo.

Nghệ sĩ Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời - 2
Nghệ sĩ Hương Huyền và Văn Chung, Thanh Thanh Tâm tại Mỹ

Xuất thân là con nhà khá giả nên Hương Huyền không bị áp lực cơm áo khi đi hát. Ông thành công dễ dàng qua các vai công tử bột chuyên tán gái hoặc các vai nhà giàu bị phá sản. Ông cũng diễn sắc nét các vai hề hay võ tướng trong các tuồng dã sử.

Ngoài nghề ca hát, Hương Huyền còn yêu thích thể thao, từng là tay vợt có hạng của câu lạc bộ quần vợt ở vườn Tao Đàn. Trước và sau năm 1975, ông là huấn luyện viên quần vợt tại sân Tao Đàn.

Sau khi ly hôn với Kim Hoa, ông kết hôn với nữ ca sĩ Phương Hồng Chi và có được một người con gái là Cẩm Loan. Nữ nghệ sĩ Kim Hoa đi thêm bước nữa với nghệ sĩ cải lương Hoài Châu, sau đó sinh ra các nghệ sĩ: Thanh Ngân, Ngân Quỳnh và Thanh Ngọc.

Sau năm 1975, Hương Huyền cộng tác với đoàn Thanh Nga, ông có mặt trong các vở: "Tấm lòng của biển", "Tiếng trống Mê Linh", "Bên cầu dệt lụa", "Thái Hậu Dương Vân Nga", "Tiếng đàn trên sông Tô Lịch", "Những đêm trăn trở"…

Sang Mỹ làm tài xế cho người già

Ông sang Mỹ định cư tại quận Cam, miền Nam tiểu bang California - Mỹ. Ông cho biết đã tham gia chương trình "Phượng Liên 50 năm sân khấu cải lương và quê hương Việt Nam" và được khán giả kiều bào khen khi diễn vai ông thầu khoán trong trích đoạn "Tuyệt tình ca".

Nghệ sĩ Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời - 3
Nghệ sĩ Hương Huyền

Ông cũng góp mặt trong chương trình "Bảo Quốc 50 năm cười với khán giả", với vai Lý trang chủ trong trích đoạn "Tiếng hạc trong trăng". Phong cách diễn xuất đĩnh đạc, đài từ chắc khỏe, giọng ca trầm ấm khiến khán giả kiều bào yêu thích vai diễn của ông.

Nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết: "Cuối tuần ba tôi thường đi diễn ở các tiểu bang. Khi rảnh, ba làm tài xế chở những người lớn tuổi trong các gia đình thân quen đi đây, đi đó để có thêm thu nhập và quan trọng hơn cả là để khuây khỏa tuổi già".

Nghệ sĩ Hương Huyền - cha của nghệ sĩ Thanh Hằng qua đời - 4
Nghệ sĩ Hương Huyền và Thanh Hằng tại lễ trao giải Trần Hữu Trang năm 1991 do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức

Năm 1995, Thanh Hằng sang Mỹ biểu diễn, cha con cô hội ngộ, ca diễn nhiều tiết mục phục vụ khán giả kiều bào.

"Ba tôi tâm sự mơ ước lớn nhất của ông là được về quê hương biểu diễn trong chương trình qui tụ nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp để được sống lại những ngày tháng xưa cũ, gắn bó với khán giả chốn quê nhà. Nhưng điều đó chưa thực hiện được thì ba tôi đã rời xa chúng tôi mãi mãi" - nghệ sĩ Thanh Hằng bày tỏ.

Theo Thanh Hiệp (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/nghe-si-huong-huyen-cha-cua-nghe-si-thanh-hang-qua-doi-196231208220029594.htm