Sao 360°

Thu Huyền: "Ly hôn, nhà có hai mẹ con nên tôi dạy con tự lập từ nhỏ"

Nữ diễn viên 'Những người nhiều chuyện' tự hào về có cậu con trai ở tuổi ẩm ương nhưng đã biết thương mẹ, không nề hà việc gì trong nhà.

Nữ diễn viên 'Những người nhiều chuyện' tự hào về có cậu con trai ở tuổi ẩm ương nhưng đã biết thương mẹ, không nề hà việc gì trong nhà.

- Tôi nhận thấy ở Nhàn có sự tổng hợp tất cả các đặc tính của người phụ nữ hết lòng cho gia đình. Từng hành động, lời nói của cô ấy đều gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Nhiều bạn bè tôi khi xem phim phải thốt lên rằng Nhàn rất giống họ. Bản thân tôi cũng thấy mình có một chút nào đó giống cô ấy ở sự ghê gớm, đanh đá, nóng tính, bộp chộp... Đối với tôi, đó là một vai thú vị, tạo nhiều tình huống hài hước giúp phim trở nên nhẹ nhàng và giúp khán giả nhìn cuộc sống theo lăng kính khác. 

Khi mời tôi vào vai diễn này, đạo diễn Lê Mạnh nói với tôi rằng, ngay từ khi viết kịch bản, anh ấy đã nghĩ đến tôi. Bên cạnh sở trường chuyên vào những vai bộp chộp, ghê gớm, tôi còn nghiên cứu nhân vật, quan sát, tìm hiểu rất kỹ về các đặc điểm chung của những bà buôn bán vỉa hè.

- Chị gặp khó khăn gì khi đóng phim trong điều kiện thu tiếng đồng bộ? 

- Chúng tôi thực hiện phim này trong vòng 3 tháng để kịp phát sóng. Khi phim bắt đầu chiếu, chúng tôi vẫn miệt mài trên phim trường để thực hiện nốt những tập cuối. Để kịp tiến độ, chúng tôi phải tuân theo lịch làm việc dày đặc và quay gần như từ sáng đến tối mịt. Trong khi đó, điều khiến tôi mệt mỏi nhất khi vào vai này là phải nói và vận động rất nhiều. 

Tôi bị viêm thanh quản từ đầu đến cuối phim và ốm đến mức anh đạo diễn hay nói với tôi rằng "Em đi diễn phim này của anh, tiền cát-xê chẳng đủ tiền chữa bệnh". Tôi được một cậu đạo cụ chuẩn bị sẵn cho một hộp chanh muối gừng để ngậm sau mỗi cảnh vì bị mất giọng. Trong cảnh họp tổ dân phố và một số cảnh khác, tôi cũng cầm luôn hộp chanh muối đó vừa diễn vừa ngậm. Khi đạo diễn hô "bắt đầu", tôi đều diễn hết mình nhưng sau mỗi cảnh quay, tôi phải ngồi thở vì quá mệt. Về đến nhà, tôi gần như bị cấm khẩu, không thể nói năng được nữa. 

- Chị và diễn viên Quang Thắng gặp khó khăn gì khi lần đầu tiên đóng vai vợ chồng? 

- Anh Thắng lâu lắm rồi mới làm phim truyền hình và đây là lần đầu tiên tôi và anh ấy đóng cặp với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi đều đã quen diễn hài nên dễ dàng tung hứng ăn ý trên phim trường. Chúng tôi không cần phải bàn bạc nhiều nhưng khi tập thoại, đều dựa trên cơ sở kịch bản để nảy ra ý tưởng sáng tạo để bộ phim thêm sinh động hơn. 

Khi phim chiếu tập đầu tiên, cả đoàn rất hồi hộp, nín thở xem phản ứng của khán giả như thế nào. Dù chúng tôi biết rằng phim sản xuất rồi sẽ rất khó sửa nhưng vẫn thấy may mắn vì Những người nhiều chuyện được chiếu ngay sau khi quay thay vì bị để lại một vài năm sau mới chiếu giống như các phim khác. Vì có một số tập được thực hiện sau khi phim lên sóng nên chúng tôi có thể dựa vào phản hồi của khán giả để điều chỉnh diễn xuất cho hợp lý hơn.

thu-huyen-ly-hon-nha-co-hai-me-con-nen-toi-day-con-tu-lap-tu-nho

Thu Huyền đóng cặp với Quang Thắng trong 'Những người nhiều chuyện'.

- Chị cảm thấy như thế nào về phản hồi của khán giả dành cho vai Nhàn? 

- Sau khi phim lên sóng, tôi thường xuyên được mọi người gọi "Nhàn ơi! Nhàn ơi!" khi ra đường. Trên Facebook, cũng có rất nhiều người bàn luận về vai diễn này. Khi nhìn thấy tôi trong video livestream của các bạn diễn viên tại nhà hát, nhiều khán giả cũng bình luận "Cô Nhàn ơi, bán cho gói xôi"... Tôi rất vui khi vai diễn của mình được khán giả yêu mến, đón nhận tích cực. Điều đó khiến tôi cảm thấy công lao mình bỏ ra cho bộ phim phần nào đã được ghi nhận và đền đáp. 

Tôi nghĩ nội dung nhẹ nhàng bình dị, gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội, từ cô bán hàng rong, anh xe ôm đến những người làm việc công sở... giúp cho phim được nhiều khán giả đón nhận. Bố mẹ tôi năm nay hơn 80 tuổi rồi nhưng phim chiếu ngày nào cũng theo dõi. Các cụ rất thích phim này cũng như vai diễn của tôi. Con trai tôi năm nay 16 tuổi cũng rất thích. Cháu còn thường xuyên xem lại trên VTV1. Cháu từng nói với tôi rằng: "Phim này rất vui và nhiều thứ gần gũi như hàng xóm nhà mình. Mẹ làm phim này được đấy mẹ ạ". Cháu từng đi quay, đi diễn với mẹ từ bé nên hiểu về các kỹ thuật diễn và hiểu tôi đã vất vả như thế nào khi đóng vai Nhàn.

- Chị sắp xếp chuyện chăm sóc gia đình như thế nào khi lúc nào cũng bận rộn với công việc ở nhà hát Kịch Hà Nội và đóng phim truyền hình?

- Nhà tôi chỉ có hai mẹ con sống với nhau bởi tôi ly hôn từ khi cháu còn nhỏ. Vì hoàn cảnh gia đình và công việc phải đi suốt nên tôi không thể nuông chiều con như những người khác. Ở gia đình tôi, mỗi người một việc - mẹ đi làm kiếm tiền còn con đi học và lo lắng việc nhà. Tôi rèn cho con tính tự lập từ nhỏ và để con phụ trách việc nhà từ khi học lớp 5-6. Là con trai nhưng cậu ấy rất đảm và không nề hà việc gì từ cơm nước đến quét tước, dọn dẹp.

Ngày nào đi làm hoặc đi học về muộn, tôi cũng thấy nhà cửa sạch sẽ, cơm nước tinh tươm hết rồi. Khi hai mẹ con ăn xong, cháu dọn dẹp sạch sẽ nên tôi gần như không phải làm gì hết. Cháu thường tự làm hết mọi việc mà không nhờ đến mẹ, kể cả việc bắt xe buýt đi diễn vào các ngày cuối tuần. Con trai hiện cùng tôi tham gia sitcom Phụ nữ là số 1 chiếu trên VTV3. 

thu-huyen-ly-hon-nha-co-hai-me-con-nen-toi-day-con-tu-lap-tu-nho-1

Thu Huyền và con trai Hải Đăng.

- Chị định hướng cho con theo đuổi nghề diễn từ khi nào?

- Từ năm 2 tuổi, Đăng đã tham gia Nắng trong mắt bão nhưng hồi ấy, cháu chỉ biết khóc thôi. Sau này, vì thấy con quá nhút nhát nên tôi đưa con đi làm phim, sống trong môi trường tập thể cùng với đoàn để cháu tự tin hơn. Tuy nhiên, con trai tôi không có niềm đam mê với phim ảnh và cũng không có ý định theo đuổi nghệ thuật. Cháu từng nói với tôi rằng: "Con thấy làm diễn viên như mẹ khổ lắm, con không thích đâu. Bây giờ con chỉ đi diễn cho vui và coi như là kiếm tiền cho mẹ. Con thích trở thành phi công lái máy bay cơ". 

Nghệ thuật phải dựa vào cảm hứng nên tôi không muốn ép con làm những gì nó không thích. Hiện tại, mỗi khi có lời mời phù hợp từ các đạo diễn, tôi sẽ hỏi ý kiến cháu. Nếu cảm thấy thích thú và không ảnh hưởng đến việc học, cháu mới nhận lời. 

- Chị và con trai bàn bạc và thống nhất việc sử dụng cát-xê đóng phim của cháu như thế nào?

- Mỗi khi được trả cát-xê đóng phim, cháu thường đưa hết cho mẹ. Con trai tôi không có thói quen cầm tiền và cũng gần như không tiêu gì. Cháu đi học bằng xe buýt nên tôi mua sẵn cho cháu vé tháng. Mỗi khi đi học, cháu thường mang theo một chai nước từ ở và được mẹ cho thêm 10-20 nghìn đồng để tiêu vặt. Khi đi học về, cháu cũng thường báo cáo với mẹ những khoản đã chi tiêu trong ngày. Nếu muốn mua một cái gì đó, cháu sẽ hỏi ý kiến mẹ. Trong trường hợp tôi không đồng ý, cháu cũng không đòi hỏi hay vòi vĩnh. Tôi thấy con trai là đứa biết suy nghĩ, biết thương mẹ khi thấy tôi đi làm vất vả.

thu-huyen-ly-hon-nha-co-hai-me-con-nen-toi-day-con-tu-lap-tu-nho-2

Hải Đăng năm nay 16 tuổi, học sinh trường Văn Hiến (Hà Nội). Cậu bé được mẹ cho làm quen với môi trường làm phim từ nhỏ nhưng không có ý định theo nghiệp diễn.

- Chị làm thế nào để đối thoại với con trai ở khi cậu ấy đang bước vào tuổi ẩm ương, thay đổi tâm sinh lý?

- Nhà tôi chỉ có hai mẹ con nên tôi và con trai thân nhau như những người bạn. Tôi chưa bao giờ ý thức việc mình phải có chuẩn mực gì đó với con mà luôn để mọi thứ xuất phát từ tình cảm. Khi con đi học về, tôi thường hỏi chuyện ở lớp của cháu. Việc đó dần trở thành thói quen của mẹ con tôi trong những bữa cơm tối hàng ngày. Những ngày đi làm về muộn không kịp gặp con trước khi đi ngủ, tôi sẽ hỏi chuyện cháu vào sáng hôm sau. Thói quen này được tôi và con trai duy trì từ khi cháu học cấp 1. Thời điểm đó, Đăng vốn là đứa nhút nhát, hay bị các bạn bắt nạt nên về nhà thường mách mẹ. Tôi lắng nghe các câu chuyện và đưa ra cho cháu những lời khuyên. Xuất phát từ việc đó, cháu dần dần có thói quen chia sẻ mọi chuyện và không giấu mẹ điều gì. 

Đối với tôi, cách dạy con khoa học nhất là trở thành người bạn lớn của con thay vì áp đặt. Tôi hiểu mình và con thuộc hai thế hệ khác nhau nên khi nhìn nhận một vấn đề gì đó, tôi luôn cố gắng đứng ở quan điểm của cháu. Ngoài ra, tôi cập nhật các xu hướng của tuổi teen để gần gũi với con. Tôi nghĩ rằng nếu dùng quyền làm mẹ để áp đặt lên con thì rất khó có thể đối thoại, tâm sự với chúng.

Nuôi con một mình nên tôi vừa đóng vai nam, vừa đóng vai nữ trong gia đình. Cháu đang tuổi ẩm ương nên việc quản lý cũng không hề dễ dàng. Đôi khi tôi phải tỏ ra cứng rắn hơn một chút để việc nói chuyện với con trai được dễ dàng hơn. Tôi thỉnh thoảng cũng tìm đến trường để xem con học hành, sinh hoạt với các bạn như thế nào. Tôi hiểu rằng ở tuổi này, con chưa thể nhận thức được mọi điều trong cuộc sống nên mình phải theo dõi sát sao để ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra. Tôi cảm thấy may mắn khi con luôn hỏi ý kiến mẹ trong mọi chuyện.

- Chồng cũ san sẻ với chị chuyện chăm sóc con như thế nào?

- Anh ấy không có điều kiện nên tôi nuôi con một mình. Tôi cũng chưa bao giờ yêu cầu gia đình bên nội phải hỗ trợ gì chuyện nuôi con trai. Vượt qua thời gian khó khăn ban đầu khi mới ra ở riêng, hiện tại tôi cảm thấy cuộc sống của mình đã tạm ổn vì con trai ngoan ngoãn, nghe lời và công việc thuận lợi.  

Theo C.Anh (Ngoisao.net)