Thế giới

400 USD/mạng người trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines

Một sĩ quan cảnh sát Philippines tiết lộ ông cùng đồng nghiệp nhận được hàng trăm USD khi giết những nghi phạm trong cuộc chiến chống ma túy với bằng chứng hiện trường đầy đủ.

Một sĩ quan cảnh sát Philippines tiết lộ ông cùng đồng nghiệp nhận được hàng trăm USD khi giết những nghi phạm trong cuộc chiến chống ma túy với bằng chứng hiện trường đầy đủ.

Khoảng 9.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6 năm ngoái. Cảnh sát một mực khẳng định họ chỉ giết 1/3 trong số đó nhằm tự vệ khi bị nghi phạm tấn công. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền tin rằng số còn lại là nạn nhân của những kẻ giết thuê được chính quyền hỗ trợ hoặc cảnh sát cải trang.

Tắt đèn để giết người

Cựu nhân viên tình báo nói trên đưa ra bản báo cáo dài 26 trang mang tên "Nhà nước hỗ trợ giết người kiểu luật rừng ở Philippines", vạch ra những sai sót trong chiến dịch đầy tranh cãi của ông Duterte. 

Cảnh sát Philippines thừa nhận họ giết khoảng 2.600 người trong vòng 9 tháng qua vì những nạn nhân này tìm cách nổ súng và tấn công lực lượng chức năng khi bị bắt. Tuy nhiên, bản báo cáo phủ nhận thông tin trên và khẳng định những vụ giết người kiểu này luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

400 USD/mang nguoi trong cuoc chien chong ma tuy o Philippines hinh anh 1

Cảnh tượng thường thấy trên những khu phố nghèo ở Manila trong nhiều tháng qua. Ảnh: Getty.

Sau khi chọn lọc những đối tượng tình nghi từ danh sách do đồng nghiệp cung cấp, các cảnh sát sẽ bắt đầu nhiệm vụ "thanh trừng". Camera an ninh và đèn điện trong khu vực được tắt hoàn toàn trong suốt quá trình "tác nghiệp" của họ.

"Cảnh sát không hề tiếp cận và thăm dò đối tượng, bởi họ đều biết mặt nhau và chẳng ai đi bán ma túy cho cảnh sát cả", sĩ quan cảnh sát nói. Ông cho biết sau khi giết, họ đặt súng và những gói ma túy vào cạnh thi thể nạn nhân để dựng hiện trường giả.

"Chúng tôi phải đưa ra chứng cứ pháp lý cho những vụ giết chóc kiểu này vì được yêu cầu thực hiện điều đó. Chúng tôi cũng phải bảo vệ mình chứ", vị này nói thêm.

Tiền thưởng hậu hĩnh

Báo cáo trên tiết lộ cảnh sát nhận được 400 USD khi giết một nghi phạm sử dụng ma túy hoặc 200 USD cho "đối tượng gây rắc rối" khác như tội phạm hiếp dâm, móc túi, xã hội đen, nghiện rượu, lừa đảo... Mức tiền thưởng được chia ra theo nhiều cấp độ với số tiền tối đa lên tới 100.000 USD.

Cảnh sát giết người không chỉ vì tiền thưởng mà còn vì nỗi sợ hãi khi không hoàn thành nhiệm vụ và bị liệt vào diện tình nghi. Một số quan chức đã bị thủ tiêu vì không hợp tác trong chiến dịch đẫm máu của ông Duterte.

Tuy vậy, mặt tích cực của chiến dịch này là nhiều người thừa nhận với cảnh sát về việc từng buôn bán, sử dụng ma túy để tránh bị giết.

400 USD/mang nguoi trong cuoc chien chong ma tuy o Philippines hinh anh 2

Số lượng người thừa nhận sử dụng ma túy ở Philippines ngày càng tăng. Ảnh: BBC.

Điều đáng buồn là cảnh sát chỉ nhắm tới những đối tượng sử dụng ma túy nhỏ lẻ, không có điều kiện kinh tế. Trong khi đó, những tên trùm buôn được cho vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

"Chỉ có người nghèo đang giãy chết", sĩ quan cảnh sát giấu tên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành viên của tổ chức dân sự mang tên Biệt đội Cảm tử Davao đã giết hại hằng trăm người tại chính quê nhà của Tổng thống Duterte. Bản báo cáo nêu rõ những người này đã hỗ trợ lực lượng cảnh sát chống ma túy.

Tháng trước, cựu cảnh sát Arturo Lascanas từng khẳng định trong suốt hơn một thập kỷ, ông được trả tới 100 USD cho mỗi lần thanh trừng tội phạm, trong đó có những nghi phạm sử dụng và buôn bán ma túy. Đầu những năm 2000, số tiền này lên tới 200 USD. Ông không lưu giữ bất cứ bằng chứng nào về khoản tiền thưởng nói trên.

Tổng thống Duterte vẫn chưa lên tiếng về thông tin này. Những thi thể đẫm máu trên đường phố ở thủ đô Manila hay giọt nước mắt đau đớn của các bà mẹ sẽ luôn là vết sẹo mà cuộc chiến chống ma túy để lại trong tâm trí nhiều người Philippines.

Nước mắt và nỗi đau trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines Những thi thể trên đường phố ở thủ đô Manila hay giọt nước mắt đau đớn của các bà mẹ là những vết sẹo mà cuộc chiến chống ma túy để lại trong tâm trí nhiều người Philippines.

Theo Thế Long (Tri Thức Trực Tuyến)