Thế giới

Bất ngờ lý do thành phố của Nga có thể là 'chủ nhà' cho cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều

So với Bàn Môn Điếm, Mông Cổ hay Bắc Kinh, chỉ có thành phố của Nga mới là địa điểm hợp lý nhất cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un vào tháng 5 tới đây.

Bất ngờ lý do thành phố của Nga có thể là 'chủ nhà' cho cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới.

"Đau đầu" lựa chọn địa điểm

Một trong những câu hỏi hấp dẫn về Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là địa điểm sẽ tổ chức cho sự kiện chưa từng có trong lịch sử này.

Một loạt các địa điểm trên khắp thế giới đang được đề xuất - từ Guam cho đến Thụy Điển. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích trên National Interest, vùng Viễn Đông của Nga nên là một trong những lựa chọn cần xem xét tới.

Tất nhiên, cũng có nhiều lý do để công chúng chờ đợi một chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Bình Nhưỡng. Xét cho cùng, vào năm 2000, một trong những người tiền nhiệm của ông, Bill Clinton từng suýt chút nữa có chuyến đi đến Triều Tiên (và cuối cùng đã đến Bình Nhưỡng khi không còn tại nhiệm).

Nhưng lần này, một Tổng thống Mỹ đến Triều Tiên là rất khó xảy ra, xét trong trường hợp nhiều căng thẳng hiện tại.

Bàn Môn Điếm, một vị trí trung lập trong khu phi quân sự ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là địa điểm được cho là phù hợp nhất. Tuy nhiên, nó thiếu đi cơ sở hạ tầng thích hợp cho một sự kiện lớn.

Tổng thống Moon Jae-in dự kiến ​​sẽ gặp ông Kim Jong-un vào cuối tháng 4 tại đây và có vẻ như Tổng thống Trump không muốn sử dụng lại địa điểm này chỉ trong vòng một tháng, do lo ngại làm giảm hiệu quả trong cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tổ chức cuộc họp trên đất Hàn Quốc, tại Seoul hoặc trên đảo Jeju, là một lựa chọn đang được đưa lên bàn thảo luận. Nhưng giới quan sát cho rằng, thực hiện một chuyến đi đến Hàn Quốc là điều không thể đối với ông Kim Jong-un, vì những lý do về mặt an ninh.

Chắc chắn ông Kim sẽ không muốn có chuyến đi đến đất nước luôn có những rủi ro không nhỏ bắt nguồn từ thái độ phản đối với Triều Tiên.

Một vài địa điểm khác được cân nhắc gồm có châu Âu, Đông Nam Á và Mông Cổ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng có thể không muốn đi xa vì nhiều lý do rõ ràng, bao gồm cả vấn đề hậu cần.

Ví dụ, nếu đến Thụy Điển, ông sẽ phải dừng chân quá cảnh tại Moscow. Cũng cần lưu ý rằng ông Kim chưa bao giờ có chuyến đi công du nước ngoài nào, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Trung Quốc là một lựa chọn hiển nhiên. Bắc Kinh, Thẩm Dương hoặc Trường Xuân, tất cả đều là những địa điểm hợp lý vì có vị trí gần biên giới Triều Tiên và có các tuyến đường bộ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người hàng xóm thân thiết vùng Đông Á đã xuống mức thấp chưa từng thấy trong những năm gần đây. Bình Nhưỡng không tin tưởng Bắc Kinh và cảm thấy phẫn nộ về việc Trung Quốc áp dụng các hình phạt khắc nghiệt đối với Triều Tiên.

Chính quyền Kim Jong-un biết rằng phái đoàn của mình sẽ bị kiểm soát và bị tác động bởi Bắc Kinh. Theo giới phân tích, Triều Tiên muốn tìm cách tránh phụ thuộc và không muốn đưa Trung Quốc vào vai trò trung gian hay nước chủ nhà.

Vì sao lại là Nga?

Bất ngờ lý do thành phố của Nga có thể là 'chủ nhà' cho cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều - 1
Vladivostok là nơi lý tưởng nhất để bàn về vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Với những lý do ở trên, rõ ràng Nga là lựa chọn khả thi nhất. Thành phố chính vùng Viễn Đông của Nga là Vladivostok chỉ cách biên giới Triều Tiên hơn 100km. Ông Kim Jong-un có thể di chuyển bằng máy bay, bằng tàu hoặc thậm chí bằng ô tô - một cách an toàn.

Xét trên yếu tố lịch sử, đây là vùng đất có nhiều ý nghĩa khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từng đến thăm vùng Viễn Đông, bao gồm cả Vladivostok, nhiều lần trong những năm 2000.

Vladivostok sở hữu cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới mà ban đầu được xây dựng để tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2012. Nơi đây hoàn hảo về mặt an ninh và từng tổ chức các sự kiện quốc tế nổi bật, bao gồm Diễn đàn kinh tế phương Đông, có sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Moon Jae-in và các nhà lãnh đạo quốc gia khác.

Điều quan trọng là cả Mỹ và Triều Tiên đều duy trì lãnh sự quán tại Vladivostok. Các cơ quan lãnh sự này sẽ giúp cho các vấn đề hậu cần và an ninh trở nên dễ dàng hơn.

Nga đã nhiều lần đề nghị Vladivostok làm địa điểm cho các cuộc hội đàm quốc tế liên quan đến Triều Tiên - một lời mời thường trực. Đó cũng là một trong những lựa chọn cho cuộc gặp giữa cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong những năm 2000.

Các quan chức Nga sẽ sẵn sàng đề xuất thủ đô vùng Viễn Đông như một nơi thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, mặc dù cho đến nay Moscow vẫn chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc nào với Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong số các cường quốc trên thế giưới, Moscow hiện đang có mối quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên và có rất nhiều mối liên hệ (cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ cấp Bộ trưởng sắp tới là một ví dụ) và các kênh kết nối có thể thảo luận vấn đề này.

Để tìm được một quốc gia mà Bình Nhưỡng có thể đặt niềm tin nhất thì chỉ có thể là Nga. Đối với người Triều Tiên (và người Hàn Quốc), Nga có ảnh hưởng đủ lớn và có có tiếng nói đủ trọng lượng trên vùng bán đảo. Ngược lại, Trung Quốc không được lòng vì quá ngạo nghễ.

Đây là lý do tại sao ông Kim Jong-un có thể lựa chọn Vladivostok và công tác an ninh của ông sẽ bớt căng thẳng hơn so với các địa điểm khác.

Quan trọng hơn cả, Tổng thống Nga Vladimir Putin có mối quan hệ chặt chẽ và đáng tin cậy với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều này có nghĩa là Bắc Kinh, một nhân tố quan trọng trên bán đảo, sẽ không phản đối (dù miễn cưỡng) về một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên do Nga tổ chức, đổi lại các lợi ích của Trung Quốc sẽ được đảm bảo. Hàn Quốc cũng không có lý do để từ chối đề xuất này.

Phức tạp ở chỗ, liệu Tổng thống Trump có đồng ý đến Vladivostok trong lúc tình trạng bấp bênh về chính trị giữa Mỹ và Nga đang diễn ra?

Các chuyên gia phân tích trên tờ National Interest nhận định rằng, có thể hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ tạm gác các bất đồng qua một bên và tìm được tiếng nói chung trong các nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Đến với Vladivostok, Tổng thống Trump sẽ có cơ hội gặp người đồng cấp Putin, có thể tạo cơ hội để hồi sinh cuộc đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Nga.

Điều này càng cần thiết hơn, đặc biệt khi Tổng thống Putin tiết lộ một loạt các vũ khí hạt nhân mới và động thái của Mỹ trong việc khôi phục kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Vladivostok là nơi mà nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Gerald Ford đã tổ chức các cuộc đàm phán thành công về kiểm soát vũ khí vào năm 1974. Trong trường hợp này, sẽ không có gì tuyệt vời hơn khi lịch sử một lần nữa lặp lại.

Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)