Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Bên trong khu chợ vừa trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm khiến Bắc Kinh phải phong tỏa nhiều khu vực

Trong gần 60 ngày, Bắc Kinh với dân số hơn 21 triệu người không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào tại địa phương. Vậy nhưng chỉ trong vài ngày gần đây, 79 ca nhiễm đã được xác nhận, tất cả đều có liên quan tới chợ nông sản Xinfadi. Khu chợ đã bị đóng cửa sau khi các ca nhiễm được ghi nhận.

Xinfadi là chợ nông sản có quy mô lớn bậc nhất châu Á. Với diện tích khoảng 1.120.000 m2 (bằng 157 sân bóng đá), Xinfadi chiếm khoảng 80% nguồn cung nông sản ở Bắc Kinh. Khoảng 18.000 tấn rau và 20.000 tấn hoa quả được buôn bán ở đây mỗi ngày, theo CGTN.

Việc đóng cửa chợ Xinfadi được đánh giá sẽ gây ra tình trạng thiếu thốn thực phẩm tại thủ đô Bắc Kinh cũng như khu vực lân cận.

Khi dịch bệnh SARS lan tới Bắc Kinh vào năm 2003, thị trưởng thành phố khi đó là ông Vương Kỳ Sơn (hiện là phó chủ tịch Trung Quốc), đã tới Xinfadi ngay khi biết tin tình trạng thiếu thốn hàng hóa và giá cả tăng vọt diễn ra ở khu chợ.

Tại đây, ông Vương nhấn mạnh rằng nguồn cung các nhu yếu phẩm hàng ngày, trong đó có gạo, thịt và rau, cần đảm bảo nhu cầu của người dân Bắc Kinh.

Bên trong khu chợ vừa trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm khiến Bắc Kinh phải phong tỏa nhiều khu vực
Cảnh sát trước khu chợ Xinfadi hôm 13/06 (Ảnh: AFP)

17 năm sau, Xinfadi là khu chợ nông sản lớn nhất Trung Quốc. Năm 2019, tổng doanh số bán hàng tại đây đạt 131,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18,62 tỷ USD), hàng ngàn người lui tới khu chợ mỗi ngày.

Các chuyên gia cho rằng số lượng người quá lớn tới chợ tới từ khắp các tỉnh thành Trung Quốc có thể là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của ổ dịch.

"Những người thường xuyên lui tới chợ Xinfadi có thể là nguồn bệnh," Wu Zunyou, nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quóc nói trong cuộc phỏng vấn với CMH.

"Một khả năng khác là hải sản và sản phẩm thịt nhập khẩu từ các nước khác hoặc nơi khác đã mang virus tới khu chợ," ông nói. "Các sản phẩm trên có thể đã nhiễm virus corona trước khi tới chợ, và các nhân viên, người mua sắm đã lây virus từ đây".

"Chúng tôi được thông báo khu chợ đã đóng cửa. Giờ tôi chỉ có thể bán hàng trên phố. Rất ít người mua hàng, tôi chắc chắn sẽ bị tổn thất. Nhưng liệu tôi có thể làm gì? Cuộc sống, sức khỏe phải được ưu tiên hàng đầu," Liu Hong, người bán đào tại chợ Xinfadi nói.

Các quan chức Bắc Kinh đã sớm có động thái để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm việc nâng mức cảnh bát tại quận Fengtai, đồng thời tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, tạm ngừng du lịch và các hoạt động giải trí trên khắp thành phố.

Bên trong khu chợ vừa trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm khiến Bắc Kinh phải phong tỏa nhiều khu vực - 1
Nhân viên y tế lấy thông tin của nhân viên và tiểu thương tại chợ Xinfadi (Ảnh: Global Times)

Theo thông báo chính thức hôm 12/06, Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm hơn 10.000 người liên quan tới khu chợ. Các sản phẩm được bày bán ở chợ cũng được xét nghiệm.

"Chúng tôi đã thu thập 5.424 mẫu từ hải sản, thịt và môi trường xunh quanh khu chợ," Pang Xinghuo, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh nói. Một ngày sau, công tác lấy mẫu và xét nghiệm được tiến hành ở năm cửa hàng tạp hóa và nhà hàng lân cận cũng được tiến hành. Kết quả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.

Nguồn gốc của ổ dịch hiện vẫn chưa được xác định. Ban quản lý khu chợ xác nhận virus corona được tìm thấy trên những chiếc thớt được dùng để chế biến cá hồi nhập khẩu.

Các siêu thị, nhà hàng lớn tại Bắc Kinh đã loại bỏ món cá hồi khỏi kho dự trữ, tuy vậy các chuyên gia nói lúc này chưa có bằng chứng cho thấy cá hồi hay những chiếc thớt là nguồn lây virus.

"Virus phụ thuộc vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ để lây lan vào tế bào. Không có thụ thể, virus sẽ không thể xâm nhập tế bào. Những bằng chứng đến lúc này cho thấy loại thụ thể để virus corona xâm nhập chỉ có trên động vật có vú, không có ở cá," Cheng Gong, nhà virus học thuộc Đại học Tsinghua nói.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)