Thế giới

Cánh cửa đối thoại ngày càng hẹp giữa Mỹ và Triều Tiên

Sự ra đi của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ về Triều Tiên cũng như bất đồng song phương khiến cánh cửa đàm phán giữa hai nước ngày càng thu hẹp.

Cánh cửa đối thoại ngày càng hẹp giữa Mỹ và Triều Tiên
Joseph Y. Yun, nhà ngoại giao Mỹ chuyên về Triều Tiên vừa từ chức. Ảnh: AP.

Triều Tiên cuối tuần trước tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ và Washington cũng hưởng ứng việc này với điều kiện các cuộc đàm phán phải dẫn đến mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo.

Tuy nhiên, khả năng đối thoại giữa hai nước ngay lập tức gặp khó khăn khi Joseph Y. Yun, một trong những nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm nhất của Mỹ về Triều Tiên đột ngột tuyên bố nghỉ hưu. Ông Yun là người đã tham gia quá trình đàm phán để đưa Otto Warmbier, sinh viên Mỹ bị Triều Tiên giam giữ, về nước hồi năm ngoái, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ giải pháp ngoại giao chứ không phải quân sự đối với Triều Tiên, theo NYTimes.

"Đấy chắc chắn là tin buồn", Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul nói. Việc thiếu vắng ông Yun là một tổn thất lớn cho tiến trình xúc tiến đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Dù đều sẵn sàng đàm phán, Mỹ và Triều Tiên đang "đồng sàng dị mộng". "Triều Tiên luôn nói rằng họ muốn đối thoại với Mỹ với tư cách là hai quốc gia hạt nhân", Ralph Cossa, tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói. "Trong khi đó, Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng chấp nhận nhượng bộ về vũ khí hạt nhân. Vì vậy, hai bên đều sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải về cùng một chủ đề".

Khi dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến Olympic Mùa đông ở Hàn Quốc đầu tháng này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên kế hoạch bí mật gặp gỡ phái đoàn cấp cao Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng hủy gặp vào phút chót.

"Đây là khó khăn khi làm việc với Triều Tiên. Nếu anh thể hiện tinh thần đối đầu, họ sẽ cảm thấy họ cần phải quyết liệt hơn để chứng tỏ họ không sợ", Cossa nói. "Nhưng nếu anh cho họ một số nhượng bộ, họ sẽ 'được voi đòi tiên".

Nhiều nhà phân tích nói rằng lãnh đạo Triều Tiên sẽ không bao giờ đồng ý đàm phán nếu họ phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bridget Coggins, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California ở Santa Barbara, nói: "Tôi thấy có rất ít khả năng Triều Tiên sẽ đồng ý phi hạt nhân hoá một cách hòa bình".

Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ bảo vệ nước này nếu bị Mỹ tấn công. "Tôi không thấy có nhiều đột phá", bà Coggins đánh giá. "Triều Tiên sẽ không bao giờ thấy an tâm về an ninh để tiến hành phi hạt nhân hóa".

Để cuộc đối thoại có thể diễn ra, Coggins nói rằng Mỹ có thể phải chấp nhận điều kiện là Triều Tiên sẽ đóng băng các cuộc thử tên lửa và hạt nhân thay vì từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí.

Cánh cửa đối thoại ngày càng hẹp giữa Mỹ và Triều Tiên - 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai từ phải sang) trong bức ảnh được công bố vào tháng 9/2017. Ảnh: KCNA.

Ông Yun từng gợi ý rằng mặc dù khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí là mục tiêu cuối cùng của Mỹ, các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trên cơ sở Triều Tiên ngừng hoàn toàn các cuộc thử nghiệm vũ khí. "Việc Triều Tiên ngừng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân sẽ là bước đi lớn đầu tiên", ông Yun nói vào tháng trước tại một hội nghị ở Tokyo.

Một trong những trở ngại cho khả năng đàm phán là chính quyền Trump liên tục gửi đi tín hiệu không nhất quán. "Chính quyền Trump cứ như thể không đọc chung một cuốn sách về chính sách với Triều Tiên", Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của Diplomat, bình luận. 

Với việc Mỹ và Hàn Quốc sắp tổ chức các cuộc tập trận chung, ông Panda cảnh báo rằng "Triều Tiên sẽ phản ứng bằng những hành động khiêu khích mới".

Dù vậy, cánh cửa đàm phán liên Triều vẫn chưa hẳn đã bị đóng sập, đặc biệt là sau thời kỳ nồng ấm tại Thế vận hội Mùa đông. Tướng Triều Tiên Kim Yong-chol ngày 27/2 ăn sáng với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyyon và Suh Hoon, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc. Hai bên nhất trí rằng sẽ tiếp tục làm việc để cải thiện mối quan hệ và đảm bảo hòa bình trên bán đảo.

Theo Coggins, các cuộc đối thoại như vậy không dễ dẫn tới sự thay đổi trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng chúng có thể dẫn tới các động thái đầy hứa hẹn như đoàn tụ gia đình bị chia rẽ kể từ thời chiến.

"Đây sẽ là những diễn biến nhỏ nhưng có tác động mạnh mẽ và có ý nghĩa. Đó sẽ là cầu nối hiệu quả giữa Triều Tiên và Hàn Quốc", Coggins nhận xét. Bà nói rằng các cuộc đàm phán như vậy thậm chí có thể giúp dẫn đến việc trả tự do cho ba người Mỹ bị giam tại Triều Tiên.

Nếu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chấp nhận lời mời đến thăm lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng, ông Moon có thể làm trung gian kết nối Mỹ với Triều Tiên. "Phạm vi và không gian ngoại giao giờ đã lớn hơn trước", Scott Snyder, giám đốc chính sách Mỹ - Hàn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận xét.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)