Thế giới

Chấn động Bắc Âu: Mỹ sẽ đặt Patriot tại Thụy Điển

Dù thông tin vụ tàu ngầm lạ xâm nhập Thụy Điển năm 2014 không thực sự rõ ràng nhưng sau sự kiện này, đã có sự chuyển quân sự lớn tại đây.

Dù thông tin vụ tàu ngầm lạ xâm nhập Thụy Điển năm 2014 không thực sự rõ ràng nhưng sau sự kiện này, đã có sự chuyển quân sự lớn tại đây.

Tướng Fredric Ben Hodges của quân đội Mỹ vừa có cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Thụy Điển TV4 rằng, lực lượng phòng thủ Mỹ đang cân nhắc kế hoạch triển khai một số khẩu đội tên lửa Patriot PAC 3 tại Thụy Điển.

Việc triển khai các tổ hợp phòng không của Mỹ trên lãnh thổ Thụy Điển sẽ được thực hiện khi Mỹ cùng Thụy Điển phối hợp tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn trên lãnh thổ Thụy Điển.

Trong quá trình tập trận, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch “chuyển tạm thời các hệ thống phòng không của Mỹ từ các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Âu đến Thụy Điển và ngược lại”, Tướng Fredric Ben Hodges tuyên bố.

Việc triển khai này sẽ cho phép Thụy Điển được các loại vũ khí cần thiết để bảo vệ không phận của mình. Ngoài ra, thông qua việc triển khai này, đây sẽ là lời cảnh báo cho Nga thấy “về những kế hoạch của Mỹ và NATO trong việc bảo vệ không phận các nước trong khu vực biển Baltic”.

Hệ thống Patriot PAC 3 của Mỹ tại Nhật Bản.

 
Trước khi công khai kế hoạch đưa tên lửa phòng thủ đến sát nách Nga, Mỹ cũng đã không ngần ngại công khai siết chặt Nga bằng vũ khí chiến lược của mình. Hồi giữa năm 2015, Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng cho phép Mỹ đặt nhiều nhà kho quân sự tại nước này.

Theo nguồn tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Tomasz Siemoniak Ba Lan đã nhận được cam kết trong chuyến thăm Washington hồi tháng 5/2015 rằng, quyết định về việc triển khai các kho quân nhu và thiết bị quân sự tại Ba Lan sẽ sớm được phía Mỹ thực hiện.

Ông Siemoniak phát biểu trước truyền thông: "Chúng tôi đang thảo luận về triển vọng này với phía Mỹ. Chủ đề này đã được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp gần đây của tôi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Washington".

Người đứng đầu Quân đội Ba Lan khẳng định rằng động thái trên sẽ tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ba Lan và khu vực: “Từ lâu, chúng tôi đã muốn có sự hiện diện quân sự tối đa của quân đội Mỹ tại Ba Lan nói riêng và toàn bộ sườn phía đông của NATO nói chung".

Theo vị bộ trưởng này, Mỹ đang tính toán một gói biện pháp tổng thể, trong đó có việc triển khai vũ khí hạng nặng tại Ba Lan và các quốc gia khác, như đã làm tại châu Âu, để hỗ trợ việc triển khai binh lính tới khu vực này và sẽ sớm có quyết định về việc đặt các nhà kho quân sự tại Ba Lan.

Theo nhận định của Sputnik, nguyên nhân khiến Mỹ và Ba Lan thảo luận về kế hoạch đồng ý cho Washington triển khai các kho vũ khí tại Ba Lan bởi vì trong hầu hết các đồng minh tại châu Âu, hiện chỉ còn Ba Lan là chưa có sự hiện diện của kho vũ khí chiến lược của Mỹ.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện nay vũ khí hạt nhân chiến thuật được Mỹ triển khai tại Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Hà Lan.

SIPRI dẫn nguồn từ các Trung tâm Kiểm soát vũ khí và nhóm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân ước tính, hiện có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai tại các nước đó. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin về số vũ khí này luôn được Mỹ giữ kín.

Chuyển động của Thụy Điển

Sau thông tin tàu ngầm lạ xâm nhập ngoài khơi Thụy Điển hồi tháng 10/2014, Thiếu tướng Tổng Tư lệnh quân đội Thụy Điển Anders Brannstrom, quân đội nước này phải chuẩn bị kỹ càng trước “đối thủ nhiều kinh nghiệm”.

Tài liệu nhắc lại nhu cầu quân đội về “khả năng chiến đấu vũ trang chống lại một đối thủ dày dặn kinh nghiệm”.

Các nước Bắc Âu đã liên tục cắt giảm biên chế quân sự của mình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, từ sau khi nhìn thấy tình hình khu vực nóng lên, ngân sách quốc phòng đã yêu cầu tăng thêm 696 triệu USD.

Hồi đầu tháng 1/2016, Thụy Điển đã ký một thỏa thuận song phương với Đan Mạch nhằm tăng cường hợp tác quân sự. "Với việc mở rộng hợp tác quốc phòng, các lực lượng vũ trang Thụy Điển và Đan Mạch sẽ được xem xét điều kiện cho các hợp tác hoạt động cụ thể hơn” - theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Thụy Điển.

Trước đó Thụy Điển cũng đã có một thỏa thuận hợp tác quân sự với Phần Lan. Tuy nhiên, Tư lệnh tối cao Michael Byde dường như không đồng ý rằng Thụy Điển đang đối mặt mối đe dọa quân sự.

Được biết, vị thế trung lập về quân sự kéo dài suốt 200 năm qua của Thụy Điển có khả năng chấm dứt khi các chính khách tại quốc gia Bắc Âu này đang thảo luận về việc gia nhập NATO.
 
Theo PV (Đất Việt)