Thế giới

Cô gái sống sót thần kỳ khi rơi từ độ cao 3.000m sau vụ tai nạn máy bay

Là người duy nhất sống sót trong số 92 hành khách trên chuyến bay gặp nạn mang số hiệu Lansa 508 ở vùng Amazon, Juliane Diller đã có những hồi ức không thể nào quên với những ngày sinh sống trong rừng rậm nhiệt đới ở Peru.

Tai nạn máy bay

Juliane Koepcke sinh ngày 10/10/1954 là một học sinh trung học người Đức gốc Peru đang học ở Lima, Peru. Từ bé Koepcke đã nuôi ước mơ được trở thành nhà nghiên cứu động vật học giống như mẹ của mình. Vào mỗi dịp nghỉ hè, Koepcke vẫn thường cùng mẹ đáp chuyến bay đến thành phố Pucallpa, nơi cha của cô, nhà sinh vật học Hans-Wilhelm Koepcke làm việc tại một trạm nghiên cứu sinh học trong rừng rậm Amazon.

Cô gái sống sót thần kỳ khi rơi từ độ cao 3.000m sau vụ tai nạn máy bay
Juliane Koepcke trong bộ phim tài liệu Wings of Hope (Tạm dịch: Đôi cánh hi vọng)

Vào ngày 24/12/1971, Koepcke cùng mẹ đáp chuyến bay số hiệu LANSA 508 đến thành phố Pucallpa để thăm cha như mọi lần. Tuy nhiên khi đang bay cao trên bầu trời Peru, máy bay gặp bão. Sự hỗn loạn bao trùm, mọi người la hét và hoảng loạn. Từ một chiếc ghế bên cửa sổ ở hàng ghế sau, Koepcke nhìn thấy một tia sét đánh vào cánh phải của máy bay khiến nó lao thẳng xuống đất từ độ cao 3,2 km (10.000 ft).

Koepcke, lúc đó mới mười bảy tuổi, rơi xuống đất khi vẫn bị trói vào ghế mà không hề có bất cứ một phương tiện hỗ trợ nào bên cạnh. Tuy nhiên cô bé lúc này mới chỉ 17 tuổi, đã sống sót thần kỳ sau cú rơi kinh hoàng và chỉ bị gãy xương đòn, một vết rách ở cánh tay phải và mắt phải sưng húp không thể mở.

“Tôi chắc chắn đã mình vẫn ngồi trên ghế và thắt dây an toàn. Có thể chiếc ghế đã quay lại và đệm cho cú va chạm, nếu không thì tôi đã không thể sống sót”, Koepcke nói với New York Times vào năm 2021.

Ngay khi tỉnh lại Koepcke đã lập tức đi tìm kiếm mẹ, người ngồi ngay bên cạnh cô nhưng hoàn toàn vô vọng. Do bị mất chiếc kính cùng với một bên mắt bị sưng húp, mọi cố gắng của Koepcke càng lúc càng phí công vô ích. Sau này Koepcke cũng được biết rằng mẹ mình vẫn sống sót sau vụ tai nạn nhưng bà đã không qua khỏi do bị thương quá nặng.

Nhờ những nỗ lực của mình, Koepcke cũng tìm thấy ít đồ ăn xung quanh khu vực mình bị rơi xuống.

Trong cuốn hồi ký năm 2011 (When I Fell From the Sky), bà viết: "Tôi nằm đó cho đến sáng hôm sau. Người tôi hoàn toàn ướt sũng, đầy bùn đất. Trời đã mưa suốt một ngày đêm".

Trong lúc đi tìm mẹ và hành lý của mình, Koepcke cũng tìm thấy một con suối nhỏ. Dựa vào những kỹ năng sinh tồn mà cha đã dạy, cô gái 17 tuổi bắt đầu đi  xuôi xuống hạ nguồn với hi vọng sẽ tìm thấy sự sống của con người.

Suốt quãng đường của mình, Koepcke thường nghỉ ngơi bên cạnh dòng suối nhưng không thể ngủ do bị côn trùng cắn cộng với những vết thương đang bị nhiễm trùng. Sau 9 ngày lang thang vô định, Koepcke phát hiện một chiếc thuyền đang neo đậu cùng với chiếc lều gần đó nhưng không có ai xung quanh. Dựa vào kinh nghiệm mà cha đã dạy, cô gái đã lấy xăng từ động cơ con thuyền để sát trùng vết thương, tuy nhiên Koepcke đã không lấy chiếc thuyền bởi không muốn mang tiếng là kẻ ăn cắp.

Sau khi nằm nghỉ ngơi trong lều, Koepcke nghe thấy những tiếng nói đến gần, sau đó là 3 người đi săn xuất hiện. Ban đầu những người đàn ông đều tỏ ra sợ hãi vì nghĩ Koepcke là một người rừng bị thất lạc. Tuy nhiên sau khi nghe về câu chuyện của mình, những người đi săn đã chăm sóc cho Koepcke và chở cô về ngôi làng dưới hạ du sau 7 tiếng đi thuyền.

Khi cô đến ngôi làng, một phi công địa phương đã tình nguyện đưa cô đến một bệnh viện gần đó ở Pucallpa do những người truyền giáo điều hành. Chuyến bay mất khoảng mười lăm phút và một ngày sau khi đến bệnh viện, Koepcke được đoàn tụ với cha cô. Sau khi được đoàn tụ với cha mình, Koepcke đã giúp các bên tìm kiếm xác định vị trí vụ tai nạn và các nạn nhân của vụ tai nạn. Vào ngày 12 tháng 1, các nhóm tìm kiếm đã phát hiện ra thi thể của bà Maria Koepcke. Rõ ràng, mẹ cô cũng đã sống sót sau cú ngã, tuy nhiên bà không thể di chuyển do vết thương quá nặng. 

Chuyến bay số hiệu 508

Chuyến bay số hiệu LANSA 508 là chiếc máy bay một động cơ tuốc bin cánh quạt Lockheed L-188A Electra, đăng ký OB-R-941, là chuyến bay chở khách nội địa theo lịch trình của Lineas Aéreas Nacionales Sociedad Anonima (LANSA). LANSA 508 đã bị rơi trong cơn giông bão trên đường từ Lima, Peru đến Pucallpa, Peru , vào ngày 24/12/1971, làm 91 người thiệt mạng gồm tất cả 6 thành viên phi hành đoàn và 85 trong số 86 hành khách.

Cô gái sống sót thần kỳ khi rơi từ độ cao 3.000m sau vụ tai nạn máy bay - 1
Lịch trình chuyến bay LANSA 508.

Máy bay đang bay ở độ cao khoảng 21.000 ft / 6.400 m so với mực nước biển trung bình thì gặp phải khu vực có giông bão và nhiễu động nghiêm trọng. Có bằng chứng cho thấy phi hành đoàn đã quyết định tiếp tục chuyến bay bất chấp thời tiết nguy hiểm phía trước, điều này liên quan đến việc lịch trình phục vụ khách du lịch dày đặc dịp nghỉ lễ.

“Khoảng 40 phút sau khi cất cánh, máy bay đi vào vùng nhiễu động mạnh và có sấm sét. Sau khi bay được hai mươi phút trong thời tiết này, một tia sét đã đánh vào máy bay, gây cháy ở cánh phải và một phần của cánh trái. Chiếc máy bay đã lao xuống địa hình đồi núi trong tình trạng bốc cháy”, báo cáo điều tra cho biết.

Quay trở lại

Đối với nhiều người, việc quay lại nơi mình gặp tai nạn có thể là thách thức cực kỳ khó khăn. Nhưng Juliane, giờ là Tiến sĩ Juliane Diller, đã quay lại đây làm việc.

Cô gái sống sót thần kỳ khi rơi từ độ cao 3.000m sau vụ tai nạn máy bay - 2

Cô gái sống sót thần kỳ khi rơi từ độ cao 3.000m sau vụ tai nạn máy bay - 3
Hình ảnh Juliane Koepcke đã đến thăm lại địa điểm máy bay rơi vào năm 1998 cho bộ phim tài liệu Wings of Hope của Werner Herzog

Sau vụ tai nạn, Tiến sĩ Diller chuyển đến Đức và học tiến sĩ sinh học, sau đó trở thành một nhà động vật học được kính trọng giống như cha mẹ bà.

Vào năm 1989, bà kết hôn với Erich Diller, một nhà côn trùng học chuyên nghiên cứu về ong bắp cày ký sinh.

Năm 2000, bà đảm nhận vị trí giám đốc trạm nghiên cứu Panguana và trở thành người tổ chức chính cho các chuyến thám hiểm quốc tế tại đây.

Bà nói: "Rừng đã cứu tôi. Trong chuyến đi bộ 11 ngày, tôi đã tự hứa với mình. Tôi thề rằng nếu còn sống, tôi sẽ cống hiến cuộc đời mình cho một mục đích có ý nghĩa là phục vụ thiên nhiên và nhân loại".

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/co-gai-song-sot-than-ky-khi-roi-tu-o-cao-3-000m-sau-vu-tai-nan-may-bay-a366094.html