Thế giới

Mỹ chuẩn bị hội nghị Trump - Kim ở Hà Nội giữa nguy cơ chính phủ đóng cửa

Các nghị sĩ Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận để ngăn việc chính phủ lại phải đóng cửa, giữa lúc các viên chức Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội.

Chính phủ Mỹ có thể một lần nữa phải đóng cửa một phần nếu các nghị sĩ Mỹ không đạt được thỏa thuận mới thay thế luật ngân sách hiện tại vốn chỉ cung cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ tới ngày 15/2.

Nếu vậy, điều này sẽ xảy ra giữa lúc các cơ quan ngoại giao và an ninh Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội ngày 27-28/2.

Hiện chưa rõ việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho cuộc gặp của Tổng thống Trump như thế nào. Một số dịch vụ của Đại sứ quán Mỹ tại HN và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM đợt trước như Trung tâm Hoa Kỳ đã ngừng hoạt động trong đợt đóng cửa chính phủ lần trước. 

Quy định của chính phủ Mỹ là các hoạt động "cần thiết" tiếp tục được duy trì trong giai đoạn chính phủ đóng cửa dù nhân viên liên bang sẽ không nhận được lương trong khi đóng cửa.  

Trước khi ông Trump công du nước ngoài, các đoàn tiền trạm ngoại giao và an ninh của Mỹ, bao gồm Cơ quan Mật vụ, luôn phải đến nước sở tại rất sớm để kiểm tra an ninh và lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho ông.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về trường hợp trên, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Pope Thrower cho biết “không có thông báo nào liên quan đến hội nghị thượng đỉnh và xin chuyển câu hỏi tới Nhà Trắng”.

Mỹ chuẩn bị hội nghị Trump - Kim ở Hà Nội giữa nguy cơ chính phủ đóng cửa
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bắt tay Tổng thống Trump, mở màn cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tháng 6/2018. Ảnh: AP.

Trước đó, ngày 17/1, khi chính phủ đã đóng cửa được 26 ngày, Tổng thống Trump đã hủy chuyến đi của ông và các quan chức cao cấp tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019 ở Davos, Thụy Sĩ, diễn đàn thường niên quan trọng bậc nhất của kinh tế thế giới.

Theo CNN, các nhà đàm phán của đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày 11/2 cho biết họ đã đi đến thống nhất về mặt nguyên tắc đối với gói ngân sách mới để tránh khả năng đóng cửa chính phủ cuối tuần này, mà không cung cấp thêm chi tiết. Sau đó, một số trợ lý cho hay đề xuất bao gồm khoản chi 1,375 tỷ USD cho bức tường biên giới, kém xa so với yêu cầu 5,7 tỷ USD của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, mọi thỏa thuận đều phải thông qua Hạ viện, Thượng viện và cuối cùng là Nhà Trắng. Liệu tổng thống có chấp nhận thỏa thuận đó hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Chính phủ Mỹ đã trải qua đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử từ 22/12 năm ngoái đến 25/1, khiến cuộc sống của hàng triệu người Mỹ và nhiều cơ quan liên bang bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân là đảng Dân chủ từ chối chi 5 tỷ USD trong ngân sách để xây tường biên giới với Mexico theo yêu cầu của Tổng thống Trump.

Việc đóng cửa một phần chính phủ khiến công việc của 800.000 nhân viên ở nhiều cơ quan liên bang bị gián đoạn, và nhiều người đã phải làm việc không lương, bao gồm nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ, trong đó có những người chịu trách nhiệm bảo vệ ông Trump.

Trong thời gian đóng cửa, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 42% số nhân viên tại Mỹ và 26% nhân viên ở các nước khác đã nghỉ không lương, và nhiều hoạt động đã phải tạm dừng, theo Vox. Số còn lại phải tiếp tục làm việc không lương. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Trung Đông trong thời gian đó phải dựa vào nỗ lực của nhiều nhân viên ngoại giao làm việc không lương.

Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)