Thế giới

Nga cảnh báo sẽ "bắn mọi mục tiêu nguy hiểm"

Moscow tuyên bố sẽ điều tàu chiến cùng tuần dương hạm trang bị hệ thống phòng không tới bờ biển Latakia, Syria và sẽ phá hủy mọi mục tiêu nguy hiểm sau vụ Su-24 bị bắn rơi.

Moscow tuyên bố sẽ điều tàu chiến cùng tuần dương hạm trang bị hệ thống phòng không tới bờ biển Latakia, Syria và sẽ phá hủy mọi mục tiêu nguy hiểm sau vụ Su-24 bị bắn rơi.

Một tàu chiến của Nga. Ảnh: Sputnik

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga hôm 24/11 tuyên bố, tiêm kích hộ tống sẽ hỗ trợ tất cả các máy bay chiến đấu thực hiện chiến dịch không kích tại Syria. Trước khi F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24, các máy bay ném bom của Nga hoạt động ở không phận Syria mà không có sự yểm trợ, Sputnik cho hay.

Trung tướng Sergei Rudskoi, một phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu, nói: "Các nhân viên của Bộ Tổng tham mưu đang ​nghiên cứu để đề xuất thêm các biện pháp đảm bảo an toàn c​ho căn cứ không quân Nga ở Syria. Đầu tiên, máy bay ​làm nhiệm vụ không kích sẽ được chiến đấu cơ yểm trợ. Thứ hai, Nga sẽ triển khai các biện pháp để tăng khả năng phòng vệ. Tàu tuần dương Moskva, được trang bị hệ thống phòng không Fort tương tự S-300, sẽ vào vị trí tại bờ biển Latakia. Chúng tôi cảnh báo, bất cứ mục tiêu tiềm ẩn nguy hiểm đối với Nga sẽ đều bị phá hủy. Thứ ba, Nga sẽ cắt đứt hoạt động liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngày 24/11, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn ​rơi máy bay ném bom Su-24M của Nga với lý do "xâm phạm không phận". Một trong hai phi công bị bắn chết khi nhảy dù khỏi phi cơ trúng tên lửa, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
​​
Một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga trúng tên lửa của quân nổi dậy ở Syria khi nó thực thi sứ mệnh tìm kiếm phi công Su-24. Một ​sĩ quan ​được cho là thiệt mạng trong vụ tấn công. Những người sống sót ​đã an toàn khi tới căn cứ ​không quân Hmeymim.

Moscow khẳng định ​Su-24 không ​xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và không đe dọa nước này. Tổng thống Vladimir Putin gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "đâm sau lưng" đồng thời cảnh báo sự kiện bi thảm sẽ kéo theo hậu quả đáng kể.

Thủ tướng Nga Medvedev ngày 25/11 tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga có thể khiến các dự án chung giữa hai nước bị hủy. Ngoài ra, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất thị phần tại Nga.​

Sẵn sàng bàn với NATO để tránh tai nạn máy bay

Hôm 25/11, phát biểu sau cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller ở New York, Mỹ, người đồng nhiệm Nga Sergei Ryabkov nói, Moscow sẵn sàng thảo luận với NATO về thỏa thuận ngăn chặn sự cố trên không.

"Nếu NATO đưa ra quan điểm chung dựa trên tài liệu đa phương, chúng tôi sẽ xem xét nó", ông Ryabkov nói với các phóng viên.

"Tình hình khá nguy cấp. Tôi không nghĩ chúng ta có thể mong đợi các đồng nghiệp NATO công bình. Chắc chắn họ sẽ đứng về phe đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ"​, ông Ryabkov nói. Theo thứ trưởng ​Nga, cho đến nay, tất cả các thỏa thuận để tránh những vụ va chạm máy bay chỉ được thông qua song phương.

Ngay sau vụ việc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga, NATO đã họp khẩn tại Brussels, Bỉ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ủng hộ các tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định phi cơ Nga đã tiến vào không phận quốc gia thành viên NATO.​ Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ không phận. Theo ông Obama, những sự cố tương tự ít có cơ hội xảy ra nếu Nga chỉ tập trung dội bom IS.

Chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 hôm 24/11 là lần đầu tiên một máy bay Nga bị một thành viên NATO bắn kể từ năm 1950.
 
Đoạn video cho thấy hành trình bay của Su-24 bên trong không phận Syria - Nguồn: RT
 
>> Putin cảnh báo "hậu quả bi thảm" sau vụ Su-24 bị bắn rơi
Theo Hải Anh (Zing.vn)