Thế giới

Nhân chứng kể về quỷ môn quan trong giải marathon tử thần ở TQ: Người bất động sùi bọt mép, người gào khóc kêu cứu

Tuyển thủ Vương Kim Minh nói trong ám ảnh: "Giờ cứ hễ đi ngủ là tôi mơ thấy ác mộng. Trong giấc mơ chỉ toàn những hình ảnh đó. Tôi thấy có người ngã từ mọi phía".

Ngày 23/5, 21 người chết ở Trung Quốc là một tin dữ gây chấn động trong làng thể thao nước này. Sáng sớm hôm trước 22/5, tại Khu thắng cảnh Thạch Lâm, Hoàng Hà, huyện Cảnh Thái, thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, giải việt dã 100 km xuyên qua núi Thạch Lâm do địa phương tổ chức đã gặp bất ngờ phải tình hình thời tiết xấu với mưa đá kèm gió mạnh, nhiệt độ giảm sâu khiến 21 trong 172 tuyển thủ tham gia cuộc đua thiệt mạng.

Như vậy, hơn 10% tuyển thủ trong cuộc đua này đã tử vong, bao gồm nhiều vận động viên hàng đầu trong các sự kiện marathon trong nước như Lương Tinh hay quán quân giải đua dành cho người khuyết tật Hoàng Quan Quân - một vận động viên câm điếc.

Đồng đội bất động, sùi bọt mép nhưng không thể cứu

Sau khi được giải cứu khỏi lưỡi hái của tử thần, tuyển thủ Vương Kim Minh đã kể lại trải nghiệm ác mộng của mình với China News (Trung Quốc).

"Thời tiết không tệ khi chúng tôi bắt đầu giải đua vào lúc 9h sáng, mọi người đều tràn đầy tự tin. Nhưng đến 13h trưa, tôi phát hiện có điều gì đó không ổn".

Trước trận đấu, anh Vương mang theo chăn giữ nhiệt, GPS, đèn pin, còi và áo gió. "Tôi nhớ khi chạy được khoảng 28 km, đó là đoạn đường lên dốc, đường rất dốc, gió lớn, mưa to và nhiệt độ chỉ khoảng vài độ. Tay chân lạnh dần, ý thức có chút mơ hồ...", anh nói.

Nhân chứng kể về quỷ môn quan trong giải marathon tử thần ở TQ: Người bất động sùi bọt mép, người gào khóc kêu cứu
Vương Kim Minh kể lại cuộc đua tử thần sau khi tỉnh dậy trong bệnh viện. Ảnh: China news

"Tôi muốn mở túi lấy chiếc chăn giữ nhiệt mang theo nhưng phải mất hơn 20 phút mới mở được. Các ngón tay không chịu nghe lời. Khó khăn lắm mới mở được thì chiếc chăn lại bị một trận gió thổi bay đi. Bàn tay chẳng còn chút sức lực nào cả, không nắm được vật gì".

Vương Kim Minh đến từ Trùng Khánh, năm nay 42 tuổi, là một người đam mê marathon, đây là lần đầu tiên anh tham gia giải đua xuyên núi. "Trước đây, tôi nghe nói gặp phải tình huống này, nhất định phải vận động cơ thể, để duy trì thân nhiệt, kéo dài thời gian chờ cứu viện".

Vương không ngừng nhấn nút trợ giúp GPS, chờ cứu hộ. "Tay chân tôi không nghe lời, tôi chỉ biết bò lết lên trên, không ngừng bò lết về phía trước... Tôi tự nhủ không được dừng lại, phải giữ thân nhiệt, phải sống sót, phải về gặp gia đình".

"Vào thời điểm đó, tôi gặp năm hoặc sáu vận động viên. Họ đều ở trong tình trạng như nhau và vô tình họ đều túm tụm ở nơi gió lùa. Nếu họ cứ ở đó, thân nhiệt sẽ giảm rất nhanh. Tôi đã yêu cầu họ di chuyển nhưng bất lực. Mọi người đều bất động, tôi cũng không còn cách nào khác. Tôi bắt đầu bò từ chỗ đó và tiếp tục bò để làm nóng cơ thể".

Đến khoảng 19h tối (23/5), lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Vương Kim Minh khi anh đã rơi vào tình trạng hôn mê. "Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã ở trong bệnh viện", Vương cho biết, lòng bàn tay anh đầy vết thương do đá núi và cây cối găm vào, bàn chân và đầu gối cũng bị thương với các mức độ khác nhau.

"Giờ cứ hễ đi ngủ là tôi mơ thấy ác mộng. Trong giấc mơ chỉ toàn những hình ảnh đó. Tôi thấy có người ngã từ mọi phía", Vương nói.

Năm nay 45 tuổi, Liu Hỷ Binh cũng là một vận động viên tham gia cuộc đua xuyên núi năm nay, là một người đam mê marathon và đã tham gia nhiều giải marathon trong nhiều năm. Anh cũng từng tham gia cuộc đua xuyên núi Thạch Lâm năm ngoái, khá quen đường nhưng không ngờ năm nay lại gặp thời tiết cực đoan.

"Chiếc chăn giữ nhiệt quấn quanh người tôi bị gió thổi bay, mũ cũng bị thổi bay mất. Đột nhiên đầu óc tôi trở nên trống rỗng và ngã ra đất", Lưu Hỷ Binh kể lại. "May mắn thay, có 2 đồng đội đã kéo tôi sang một bên. Giữ ấm cho cả nhóm và đợi cho đến khi lực lượng cứu hộ đến. Nếu không có họ, chắc tôi không còn giữ được mạng này".

“Khi bước vào đoạn đường đua khó nhất, tôi đã chọn quay trở lại", anh Cao, một tuyển thủ khác kể lại, đoạn khó nhất là từ CP2 đến CP3, khoảng 8 km và leo dốc 1.000 m, chỉ có thể leo lên mà không thể đi xuống, là dốc đứng hiểm trở, chính ở đoạn đường này, đoàn đua gặp phải thời tiết khắc nghiệt, cảm giác khó đứng vững. "Tôi luôn cảm thấy như sắp bị gió thổi bay".

Anh Cao cho biết, bản thân mình may mắn khi kiên trì đến phút cuối. Các tuyển thủ rút lui đều nhìn thấy có người nằm bất động bên đường, miệng sùi bọt mép nhưng họ đều áy náy thừa nhận rằng: "Tôi thực sự không có cách nào để cứu được anh ấy [đồng đội khác đã ngã gục bên đường]".

Theo Shandong Business Daily (Trung Quốc), một tuyển thủ tham gia cuộc thi năm nay chia sẻ, buổi sáng ngày thi đấu, thời tiết rất đẹp nhưng khoảng sau 10h sáng, trời bắt đầu mưa nặng hạt, gió giật mạnh. Mưa tạt vào mặt dày đặc như đạn, mắt không mở nổi, 10 ngón tay chẳng còn cảm giác, đưa vào miệng ngậm rất lâu nhưng cũng không ăn thua, ngược lại còn khiến lưỡi bị đóng băng. Lúc này, anh quyết định bỏ cuộc xuống núi nhưng con đường trở về cũng rất khó khăn. Anh cho hay, lúc này anh bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê và dần hạ thân nhiệt. Nếu không quyết định xuống núi kịp thời thì hậu quả khó lường trước được.

Một tuyển thủ khác tên Lý Minh, cho biết, khoảng 14h50' chiều, anh chứng kiến có người khóc, có người kêu "cứu mạng", có người bất động, có ba bốn người quây thành một nhóm. "Tôi rất muốn tìm cách cứu họ nhưng cũng đã kiệt sức và bản thân rất có thể cũng sẽ ngã xuống", anh Lý nói thấy tình hình nghiêm trọng, anh đã gọi tổng đài cứu hộ cứu nạn.

Một tuyển thủ khác kể lại: "Tôi hôn mê trên đỉnh núi hơn hai tiếng đồng hồ, đi một vòng qua quỷ môn quan. Sở dĩ tôi có thể tỉnh lại một phần nhờ chiếc chăn giữ nhiệt, một phần nhờ thể chất tốt, nhưng quan trọng nhất là khi rơi vào trạng thái hôn mệ, tôi đã liên tục nghĩ về gia đình".

Tôi là người duy nhất sống sót trong top 6

Người may mắn này là tuyển thủ Trương Tiểu Đào. Anh Trương kể lại:

"Đúng 7h30 sáng 23/5, chúng tôi đã đến trường đua để chuẩn bị cho một số hoạt động. Lúc đó trời có gió và nhiệt độ rất thấp, vì trường đua nằm trong khu thắng cảnh nên chúng tôi chỉ ủ ấm và nghỉ ngơi trong nhà nghỉ nhỏ cạnh khu thắng cảnh. Khi chúng tôi bắt đầu vào lúc 9h, gió rất to và mũ của nhiều người bị thổi bay. 20 km đầu khá ổn, tình hình tương đối bình thường.

Sau khi đến CP2 thì bắt đầu có vấn đề. Tôi chạy khá nhanh, nằm trong top đầu, khi đến CP2 trời bắt đầu đổ mưa... Đoạn đường từ CP2 đến CP3 là đoạn sườn dốc và đây cũng là địa điểm xảy ra sự cố.

Nhân chứng kể về quỷ môn quan trong giải marathon tử thần ở TQ: Người bất động sùi bọt mép, người gào khóc kêu cứu - 1

Nhân chứng kể về quỷ môn quan trong giải marathon tử thần ở TQ: Người bất động sùi bọt mép, người gào khóc kêu cứu - 2

Nhân chứng kể về quỷ môn quan trong giải marathon tử thần ở TQ: Người bất động sùi bọt mép, người gào khóc kêu cứu - 3
Khi cuộc đua bắt đầu, có thể nhận thấy bầu trời đã trở nên xám xịt.

Trời bắt đầu mưa khi chúng tôi đến chân núi và càng lên cao thì mưa càng lớn. Đến lưng chừng núi bắt đầu xuất hiện mưa đá, mưa tạt thẳng vào mặt, mắt bắt đầu mờ dần và tôi không thể nhìn thấy đường.

Lúc đó tôi vượt qua Hoàng Quan Quân, tôi còn chào anh ấy, anh ấy dùng tay chỉ vào tai mình rồi vẫy vẫy tay, ý là không nghe thấy gì. Sau đó, tôi mới biết, anh ấy là người câm điếc. Vào thời điểm đó, sức khỏe anh ấy bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.

Có một tuyển thủ khác đến từ Quý Châu, Ngô Phan Vinh. Chúng tôi vốn đã chạy cùng nhau từ đầu cuộc đua. Sau khi lên đến lưng chừng núi, anh ấy bắt đầu run rẩy toàn thân. Thấy anh ấy không ổn nên tôi đã dìu anh ấy cùng đi. Về sau, ý thức tôi cũng dần trở nên mơ hồ, có thể là do gió quá mạnh và đường quá trơn, không thể dìu nhau đi tiếp bởi nếu dìu nhau đi tiếp cả hai chúng tôi đều sẽ bị ngã nên chúng tôi tách nhau ra. Lúc đó, tôi nghĩ nếu vượt qua ngọn núi này thì tình hình sẽ khá hơn nên cố gắng chạy về phía trước. Lúc này tôi đứng thứ 4, Ngô Phan Vinh thứ 5 và Hoàng Quan Quân thứ 6. Nhưng thật đáng buồn khi tôi là người may mắn sống sót duy nhất trong top 6.

Khi tôi tiếp tục chạy về phía trước nhưng vì gió quá mạnh, tôi liên tục bị quật ngã, không dưới 10 lần, tứ chi bắt đầu tê cứng, tôi cảm thấy cơ thể mình dần mất kiểm soát. Sau cú ngã cuối cùng, tôi không thể đứng dậy. Lúc này vẫn còn chút ý thức nên tôi nhanh chóng lấy chăn giữ nhiệt để giữ ấm. Sau đó, tôi lấy thiết bị định vị GPS ra, nhấn SOS rồi bất tỉnh .

Tôi hôn mê trên núi khoảng 2 tiếng rưỡi, một chú chăn cừu đi ngang qua, phát hiện và dìu tôi vào hang, đốt lửa, cởi bỏ lớp quần áo ướt sũng vì mưa gió, quấn chăn cho tôi. Một tiếng sau, tôi tỉnh táo hơn và ý thức dần trở lại.

Lúc đó trong hang còn có các tuyển thủ khác, mọi người đang cùng nhau giữ ấm trong hang. Vì nơi đó không dễ giải cứu nên mọi người cùng nhau đi bộ xuống núi sau khi tôi tỉnh lại. Sau khi đến chân núi, nhân viên y tế, cảnh sát vũ trang... đã đến và cứu hộ suốt đêm....".

Theo An An (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/nhan-chung-ke-ve-quy-mon-quan-trong-giai-marathon-tu-than-o-tq-nguoi-bat-dong-sui-bot-mep-nguoi-gao-khoc-keu-cuu-161212405185949428.htm