Thế giới

Nhân chứng kể lại vụ 21 VĐV chết thảm trên đường chạy 100km: Dốc núi nguy hiểm, thời tiết lạnh giá và gió mạnh khiến nhiều người gặp nạn

Ít nhất 21 vận động viên tham gia marathon 100km đường núi đã thiệt mạng do thời tiết khắc nghiệt trong vụ việc được coi là một trong những tai nạn thể thao nghiêm trọng nhất lịch sử thể thao Trung Quốc, truyền thông nước này đưa tin.

Trong số các nạn nhân tử vong có Liang Jing và Huang Guanjun, hai VĐV chạy đường dài hàng đầu Trung Quốc.

Liang từng vô địch giải Ultra Gobi của Trung Quốc hồi năm 2018 và về nhì tại giải chạy đường dài Hong Kong 100 hồi năm 2019. Huang vô địch nội dung marathon tại Paralympic Quốc gia Trung Quốc 2019.

Zhang Xuchen, thị trưởng thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, nơi thảm kịch xảy ra, hôm 23/05 đã cúi đầu xin lỗi gia đình các nạn nhân.

"Đây là vụ việc gây ra bởi thay đổi thời tiết bất thường ở địa phương. Là nhà tổ chức sự kiện, chúng tôi hết sức hối hận và ăn năn. Chúng tôi gửi lời xin lỗi gia đình các nạn nhân và các vận động viên bị thương, chúng tôi xin chia buồn. Chính quyền tỉnh đã thành lập ban chuyên trách để điều tra," thị trưởng Zhang nói.

Đài CCTV bình luận các môn thể thao mạo hiểm nên được tổ chức đúng quy trình, đảm bảo an toàn để tránh các thảm kịch hiếm gặp đau lòng.

Nhân chứng kể lại vụ 21 VĐV chết thảm trên đường chạy 100km: Dốc núi nguy hiểm, thời tiết lạnh giá và gió mạnh khiến nhiều người gặp nạn
Các VĐV gặp nạn trên đường chạy

Marathon và chạy đường dài rất được ưa chuộng ở Trung Quốc những năm gần đây, do tầng lớp trung lưu nước này coi đây là môn thể thao họ có thể theo đuổi để rèn luyện sức khỏe.

Các cuộc thi chạy đường dài được tổ chức ở những khu vực hẻo lánh thường có số tiền thưởng lớn để thu hút vận động viên. Chính quyền các địa phương, bao gồm Vân Nam, Cam Túc và Tứ Xuyên cấp quỹ tổ chức các sự kiện thể thao, coi đây là một phần trong chiến lược phát triển du lịch.

Vụ việc xảy ra hôm 22/05. Các vận động viên bắt đầu chạy vào buổi sáng, từ Công viên địa chất Thạch Lâm Hoàng Hà ở Bạch Ngân. Thời tiết đột ngột chuyển xấu vào 13 giờ cùng ngày, khi các vận động viên đã di chuyển lên độ cao khoảng 2.000 mét trên mực nước biển, thuộc km 20-31 của đường chạy, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời nhà tổ chức cho biết.

Do chỉ mặc áo mỏng và quần đùi, các vận động viên không thể chống chọi với thời tiết quá lạnh. Khi nhiều nhóm vận động viên gặp vấn đề sức khỏe, nhà tổ chức đình chỉ sự kiện, tiến hành tìm kiếm cứu nạn.

Tuy vậy lúc đó một số người đã bị hạ thân nhiệt, nhiều người khác ngất xỉu do thời tiết quá lạnh.

21 vận động viên được xác định tử vong, 151 người được cứu sống, bao gồm 8 người bị thương nhẹ.

Một vận động viên sống sót giấu tên, được SCMP xác định danh tính, kể lại trên mạng xã hội rằng trước khi giải chạy bắt đầu không có dự báo thời tiết cực đoan. Thời tiết quá lạnh cộng với đường chạy khắc nghiệt đã khiến các VĐV gặp nạn.

Người này nói anh vẫn tiếp tục chạy bất chấp thời tiết xấu, nhưng thấy nhiều người khác, bao gồm cả các vận động viên hàng đầu, bỏ dở đường chạy.

Nhà tổ chức treo thưởng 1.600 nhân dân tệ (khoảng 5,7 triệu VNĐ) cho mỗi VĐV hoàn thành đường chạy, do đó anh này lúc đó nghĩ rằng "đây là cách bỏ 1.600 nhân dân tệ hay sao?".

"Giờ đây mỗi lần nhớ lại thời điểm đó, tôi chỉ muốn tự vả mặt mình," anh viết trên mạng xã hội.

Nhân chứng kể lại vụ 21 VĐV chết thảm trên đường chạy 100km: Dốc núi nguy hiểm, thời tiết lạnh giá và gió mạnh khiến nhiều người gặp nạn - 1
Nhân viên cứu hộ giải cứu các VĐV

Nhân chứng cũng cho biết tại một quãng đường chạy, các VĐV phải trèo lên độ cao 1.000 mét kéo dài khoảng 8km, mặt đất nhiều sỏi đá và bùn, trong khi gió to, mưa lạnh buốt và tầm nhìn hạn chế.

"Kể từ vị trí này, chỉ có đường lên mà không có đường xuống... Đây là đoạn đường ngay cả môtô cũng không thể lên đường, do đó không có tiếp tế lương thực và nước uống, ngay cả sau khi đã tới đỉnh núi," người này cho biết thêm.

"Tôi kiệt sức và không đứng nổi. Tôi tìm được vị trí, cố gắng ủ ấm bản thân bằng chăn nhiệt, nhưng gió mạnh thổi bay mất nó. Tôi thấy chăn nhiệt của nhiều người khác bị rách vì gió mạnh".

Người này cho biết sau đó anh không cảm thấy ngón tay của mình nữa.

"Tôi đưa ngón tay vào miệng để làm ấm, nhưng tôi không cảm thấy gì... ngay cả lưỡi tôi cũng đông cứng," anh viết.

"Đó là thời điểm tôi quyết định bỏ cuộc và xuống núi. Thật may mắn tôi đã làm vậy, bởi lúc đó tôi bắt đầu có triệu chứng hạ thân nhiệt," anh viết.

Nhân chứng cho biết khi xuống núi, anh trông thấy nhiều VĐV khác ngất xỉu, tuy vậy anh và những người khác không thể làm gì để giúp họ.

Anh viết thêm rằng rất khó để tìm vị trí của các VĐV dựa trên tín hiệu GPS do mạng yếu. Ngoài hạ thân nhiệt, các VĐV còn bị đứt tay chân hoặc bị ngã.

Ma Shuzhi, một VĐV khác sống sót cho biết trên trang Chengdu.cn rằng cô cảm thấy may mắn đã thoát khỏi thảm kịch.

Nỗ lực tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều trở ngại vì độ cao và thời tiết xấu, theo Xinhua. Công viên Địa chất Hoàng Hà Thạch Lâm đã đóng cửa đối với khách du lịch.

Theo Đài Truyền thanh Quốc gia Trung Quốc, giải chạy kể trên được giới chức huyện Cảnh Thái và thành phố Bạch Ngân tổ chức thường niên trong vòng bốn năm qua nhằm mục đích tái phát triển nông thôn và quảng bá lối sống lành mạnh. Gần 10.000 người đăng ký tham gia sự kiện năm nay.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)