Thế giới

Sau vụ lộ băng ghi âm, Bộ Quốc phòng Đức tiếp tục bị chỉ trích vì đặt mật khẩu 1234

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi vụ rò rỉ là "một cuộc chiến thông tin" trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Quốc phòng hôm 3/3. Các phóng viên được thông báo rằng họ cần mật khẩu để truy cập tuyên bố này. Mật khẩu là 1234.

Sau vụ lộ băng ghi âm, Bộ Quốc phòng Đức tiếp tục bị chỉ trích vì đặt mật khẩu 1234
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: Getty Images

Vụ rò rỉ đoạn ghi âm cực kỳ nhạy cảm hồi tuần trước về khả năng Đức chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine đã khiến Bộ Quốc phòng nước này rơi vào trạng thái hỗn loạn. Các đồng minh quốc tế liên tục đặt câu hỏi: Vì sao Berlin lại mắc phải sai lầm khó hiểu đến vậy?

Trong đoạn ghi âm dài 38 phút, bốn quan chức quốc phòng cấp cao đã thảo luận về việc gửi tên lửa Taurus tới Ukraine, đào tạo các sĩ quan Ukraine cách sử dụng chúng và nhắm mục tiêu vào cây cầu nối bán đảo Crimea với đất liền Nga . Đoạn ghi âm được hãng tin RT Nga công bố ngày 1/3, sau đó được Chính phủ Đức xác thực.

Giờ đây, quân đội Đức đang phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về cách xử lý các thông tin nhạy cảm.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với tờ Times cuối tuần qua rằng vụ rò rỉ cho thấy Đức đã bị tình báo Nga “xâm nhập khá sâu”. Ông nói: “Điều đó chỉ chứng tỏ rằng họ không an toàn cũng không đáng tin cậy”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi vụ rò rỉ là "một cuộc chiến thông tin" trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Quốc phòng hôm 3/3. Các phóng viên được thông báo rằng họ cần mật khẩu để truy cập tuyên bố này. Mật khẩu là 1234.

Mặc dù tuyên bố trên không phải là tài liệu mật và mật khẩu có thể chỉ mang tính chất tượng trưng, nhưng việc Bộ Quốc phòng Đức chọn dãy số 1234 đã bị tờ Bild chỉ trích. "Sau vụ lộ băng ghi âm của quân đội, đây là điều vô cùng đáng xấu hổ", Bild viết hôm 4/3.

Cơ quan Phản gián Quân sự (MAD) của Đức đã mở một cuộc điều tra về vụ rò rỉ băng ghi âm . Chính phủ Đức chưa xác nhận thêm thông tin chi tiết.

Christopher Ahlberg, Giám đốc điều hành của công ty tình báo Recorded Future, cho biết việc sở hữu công nghệ phù hợp để bảo mật thông tin liên lạc là rất quan trọng, nhưng các quan chức cũng cần tuân thủ các giao thức và sử dụng đúng cách thiết bị bảo mật. "Tôi cho rằng đã có rất nhiều quy trình được áp dụng. Nhưng ai đó đã cẩu thả", Ahlberg nói.

Roderich Kiesewetter, Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Nghị viện, cho biết đoạn ghi âm dường như là từ một cuộc thảo luận diễn ra trên nền tảng WebEx của Cisco. Một người Nga có thể đã tham gia cuộc họp này. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Đức cho biết đây chỉ là suy đoán.

Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu bảo mật tại gã khổng lồ công nghệ IBM đã tìm thấy lỗ hổng trong WebEx có thể cho phép hacker tham gia cuộc họp dưới dạng bóng ma (không bị những người tham gia khác nhìn thấy). Họ vẫn có thể tham gia cuộc họp sau khi bị xóa khỏi nhóm, thậm chí có thể truy cập thông tin về những người tham dự khác, bao gồm cả tên, địa chỉ email và địa chỉ IP. Dấu hiệu duy nhất cho thấy hacker đã tham gia cuộc họp sẽ là “tiếng bíp”. Cisco đã phát hành bản sửa lỗi này ngay sau đó.

Trả lời câu hỏi của Politico về vụ rò rỉ băng ghi âm ở Đức, Cisco cho biết họ không thảo luận công khai thông tin khách hàng.

Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/sau-vu-lo-bang-ghi-am-bo-quoc-phong-duc-tiep-tuc-bi-chi-trich-vi-dat-mat-khau-1234-post1617470.tpo