Thế giới

Hàng triệu tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho đồng minh của Nga do 'lỗi đánh máy'

Hàng triệu email gửi tới nhân viên Lầu Năm Góc bị chuyển đến các tài khoản tại Mali, một đồng minh của Nga, trong khoảng 10 năm qua do một lỗi đánh máy.

Hàng triệu tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho đồng minh của Nga do 'lỗi đánh máy'
Ảnh minh họa: Lầu Năm Góc

Lỗi đánh máy xảy ra do tên miền các tài khoản email của quân đội Mỹ là ".mil", khá giống với tên miền ở Mali là ".ml", truyền thông Mỹ đưa tin.

Trong một số trường hợp, các thông tin nhạy cảm như đặt phòng khách sạn cho quan chức quân đội Mỹ đã bị lộ, theo CNN.

Vụ việc là bằng chứng cho thấy mối nguy cơ an ninh có thể xảy ra với các quan chức quốc phòng Mỹ chỉ vì một lỗi đánh máy cơ bản. Các thông tin cá nhân trong email bị gửi nhầm có thể được dùng để tấn công mạng hay theo dõi tung tích của nhân sự Lầu Năm Góc, dù không có bằng chứng cho thấy điều đó đã xảy ra.

Johannes “Joost” Zuurbier, một nhà kinh doanh internet Hà Lan, nhận được thư gửi cho nhân sự Bộ Quốc phòng Mỹ do công ty của ông quản lý tên miền ".ml". Zuurbier cho biết từ năm 2013 ông đã cảnh báo vấn đề này với các quan chức Mỹ, bao gồm Đại sứ quán Mỹ ở Mali hồi đầu năm.

"Tôi đã rất lo ngại, tới giờ vẫn vậy," Zuurbier trả lời phỏng vấn CNN khi được hỏi về các nguy cơ an ninh và số email bị gửi nhầm.

Zuurbier cho biết hợp đồng quản lý tên miền ".ml" của ông đã hết hạn hồi tuần trước, khiến ông phải đưa vụ việc ra trước truyền thông.

Các email bị lộ đều không được gửi từ địa chỉ email chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng cơ quan này đã chặn các tài khoản email của họ gửi thư tới tên miền ".ml" để đề phòng, phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng  Sabrina Singh xác nhận hôm 17/07.

Bà Singh cho biết email bị gửi nhầm đều là từ các tài khoản cá nhân, chẳng hạn tài khoản Gmail hoặc Yahoo. Bộ Quốc phòng Mỹ luôn cảnh báo nhân viên không sử dụng tài khoản email cá nhân trong công việc, bà Singh bổ sung.

Các email ít bị gửi nhầm hơn trong những năm gần đây, nhưng tần suất vẫn khoảng vài trăm email một ngày, Zuurbier nói. Nhiều email là thư rác, nhưng một số có nội dung nhạy cảm.

Một trong số các email gửi nhầm có chứa số phòng của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville và phái đoàn của ông khi tới Indonesia hồi tháng 05.

Chính phủ Mỹ không thể ngăn chặn người dùng bên ngoài gửi email nhầm địa chỉ, nhưng ngay cả nhân viên chính phủ Mỹ đôi lúc cũng gửi nhầm.

Zuurbier dẫn chứng email từ một đặc vụ FBI gửi tới quan chức Hải Quân Mỹ hỏi thông tin cá nhân để tiếp đón một vị khách Hải Quân Mỹ tới cơ sở của FBI. Đặc vụ FBI này đã gõ tên miền ".ml" thay vì ".mil".

Hà An (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/hang-trieu-tai-lieu-lau-nam-goc-bi-ro-ri-cho-dong-minh-cua-nga-do-loi-danh-may-d171355.html