Thế giới

Tổng thống Obama thăm hiện trường khủng bố đẫm máu Paris

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghé thăm nhà hát Bataclan, nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhất trong chuỗi vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng, khi vừa đặt chân đến Pháp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghé thăm nhà hát Bataclan, nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhất trong chuỗi vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng, khi vừa đặt chân đến Pháp.
Ngay sau khi tới Paris để dự Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21), Tổng thống Mỹ và người đồng cấp nước chủ nhà đã tới đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân khủng bố tại nhà hát Bataclan, nơi hơn 80 người bị sát hại trong vụ tấn công tối 13/11.
 

Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân khủng bố bên ngoài nhà hát Bataclan. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết, chuyến viếng thăm của ​tổng thống Mỹ diễn ra không lâu sau khi chiếc Air Force One đáp xuống Paris lúc nửa đêm.

Tháp Eiffel trứ danh của Pháp đã chuyển sang màu xanh lá cây nhằm truyền đi thông điệp về môi trường trong bối cảnh gần 200 lãnh đạo các quốc gia trên thế giới chuẩn bị dự COP21 nhằm tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cũng dự một buổi lễ dưới chân tháp Eiffel. Trong 2 tuần tới, ông Ban sẽ là cầu nối trong các cuộc đàm phán về khí hậu, nhằm đạt được một thỏa thuận dài hạn cho tất cả các nước trong vấn đề giảm lượng khí thải carbon gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trên thực tế, biến đổi khí hậu tạo ra những mối nguy mà ai cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, các quốc gia đang khá mâu thuẫn về lượng khí thải carbon cần cắt giảm. Các nước phát triển muốn gây áp lực để những quốc gia đang phát triển cắt giảm nhiều hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng chưa được chấp thuận vì lý do tốn kém và làm tăng giá thành sản phẩm.

COP21 diễn ra trong bối cảnh Nghị định thư Kyodo sắp hết hạn vào năm 2020. Nó đặt các nhà lãnh đạo thế giới dưới áp lực đạt được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, phù hợp với điều kiện các nước và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Nghị định thư Paris cần giải quyết các vấn đề nan giải, tạo ra sự bình đẳng và ràng buộc pháp lý với tất cả các bên tham gia về vấn đề môi trường. Nó cũng cần linh hoạt, được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của các nước và có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với những diễn biến về khí hậu trong vài thập kỷ tới.
 
>> Khủng bố Paris “test năng lực” ứng viên Tổng thống Mỹ
 
Theo Hồng Duy (Zing.vn)