Thế giới

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng

Các Lực lượng chống khủng bố trên toàn thế giới đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia cũng như đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống người dân. Dưới đây là những tổ chức chống khủng bố được đánh giá là xuất sắc nhất thế giới, những chiến công nổi tiếng của họ đã thể hiện sự chuyên nghiệp, tài năng và sự quyết tâm trong từng nhiệm vụ.

Delta Force: Đặc nhiệm thiện chiến bậc nhất hành tinh

Delta Force là một phần của Lực lượng đặc nhiệm Xanh trong Quân đội Mỹ, hoạt động chủ yếu liên quan đến giải cứu con tin cũng như chống khủng bố. Ngoài ra, Delta Force cũng tham gia hành động trực tiếp và công tác trinh sát đặc biệt chống lại các mục tiêu có giá trị cao.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng
Lực lượng Delta của Mỹ được coi là đơn vị chống khủng bố số 1 thế giới. Ảnh: Getty Images

Delta Force là viết tắt của Biệt đội Lực lượng Đặc biệt số 1 - Delta (1st Special Forces Operational Detachment-Delta - 1st SFOD-D), thường được gọi rút ngắn là Delta Force, Đội chiến đấu ứng dụng hoặc CAG. Delta được thành lập vào năm 1977, 25 năm sau khi lực lượng đặc nhiệm của quân đội được thành lập, có trụ sở tại Fort Bragg, Bắc Carolina.

Còn được gọi là "Đơn vị", Delta Force hoạt động dưới Lực lượng đặc nhiệm Xanh trong Quân đội Mỹ, nên còn được gọi là "đặc nhiệm trong đặc nhiệm". Delta Force hoạt động dưới sự kiểm soát của Bộ tư lệnh tác chiến chung, thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố cùng các tình huống giải cứu con tin. Delta Force nổi tiếng với việc thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, tuyệt mật và nguy hiểm nhất trong quân đội Mỹ.

Có một số khác biệt đáng chú ý giữa Delta Force và Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ SEAL. Không giống như đặc nhiệm SEAL chỉ được chọn từ một nhánh của Lực lượng Vũ trang Mỹ, đặc nhiệm Delta đến từ nhiều đơn vị khác nhau thuộc các nhánh khác nhau của quân đội Mỹ.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 1
Đáp ứng yêu cầu tác chiến, đặc nhiệm Delta được vũ trang mạnh mẽ và phù hợp với từng nhiệm vụ.

Dù có sự khác biệt, song cả hai đơn vị đều có khả năng thực hiện một số hoạt động quân sự thách thức nhất. Chẳng hạn, đặc nhiệm SEAL thực hiện chiến dịch đột kích ở Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Trong khi đó, Delta Force thành công trong việc bắt giữ Saddam Hussein và truy lùng chiến binh thánh chiến Abu Musab AL-Zarqawi.

Thời gian tuyển chọn của Delta Force không dài, thường là khoảng sáu tháng, nhưng đòi hỏi rất cao với những bài tra tấn về thể lực như chạy 3,2km và bơi 100m trong khoảng thời gian nhất định sau đó là hành quân 64km với ba lô nặng 20kg trên vai đối với bài kiểm tra thể chất, sau đó là các quá trình kiểm tra tâm lý và kết thúc là khóa huấn luyện điều hành (OTC). OTC dạy các kỹ năng chuyên biệt bao gồm các kỹ thuật chống khủng bố và phản gián, sử dụng súng và các vũ khí chuyên dụng khác.

Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS)

SAS là đơn vị đặc nhiệm hiện đại đầu tiên trong lịch sử quân sự. Được David Stirling thành lập vào tháng 7/1941, SAS trở thành một trong những lực lượng tinh nhuệ và nổi tiếng nhất của quân đội Anh.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 2
Một binh sĩ đặc nhiệm SAS của Anh. Ảnh: Unilad

Để trở thành đặc nhiệm SAS, các ứng viên phải trải qua khâu tuyển chọn và kiểm tra cường độ cao trước khi tiếp tục tham gia khóa đào tạo chuyên sâu. Quá trình sàng lọc ứng viên được cho là một trong những khóa huấn luyện quân sự khắc nghiệt nhất thế giới, nơi tỷ lệ thất bại lên tới trên 90%.

Ứng viên là quân nhân đến từ các đơn vị trong quân đội Anh sẽ trải qua các bài kiểm tra thể lực căng thẳng, rèn sức mạnh ý chí, sức chịu đựng bền bỉ ở núi Brecon Beacons và Thung lũng Ellan ở Wales, cũng như trong rừng Belize trong khoảng 6 tháng. Chương trình huấn luyện này diễn ra hai lần trong một năm bất kể điều kiện môi trường và mỗi ứng viên chỉ được phép tham gia chương trình huấn luyện hai lần.

Ứng viên tham gia SAS phải trải qua một loại các bài tập với độ khó tăng dần, đi kèm các bài kiểm tra, nơi những người không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại dần qua từng giai đoạn.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 3
Các ứng viên sẽ phải đối mặt với những chuyên gia thẩm vấn dày dạn kinh nghiệm. Ảnh: Telegraph

Một số ít ứng viên vượt qua quá trình tuyển lựa và huấn luyện khắc nghiệt trên sẽ được trao chiếc mũ nồi màu be với biểu tượng dao găm có cánh nổi bật để trở thành thành viên mới của đặc nhiệm SAS. Sau khi được biên chế vào trung đoàn SAS thường trực, họ sẽ tiếp tục được huấn luyện chuyên sâu và nhiều tân binh SAS vẫn bị gửi trả về đơn vị cũ trong quá trình huấn luyện này.

Đặc nhiệm SAS của Anh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ nổi tiếng như Chiến dịch giải cứu con tin ở Sierra Leone hay cuộc đột kích vào các tay súng chiếm giữ đại sứ quán Iran ở London năm 1980. SAS nổi tiếng với độ chuyên nghiệp, hiệu quả cao, cũng như trở thành hình mẫu cho một số nước khác xây dựng lực lượng đặc nhiệm.

Mossad - lực lượng tình báo Israel khiến thế giới Arab kinh hoàng

Ngoài quân đội mạnh, trang bị nhiều khí tài quân sự hiện đại, Israel còn sở hữu lực lượng tình báo Mossad nổi tiếng với những chiến dịch bí mật, giúp họ duy trì ưu thế trước các nước Arab kình địch cũng như chặn đứng nhiều âm mưu đe dọa tới an ninh quốc gia của Israel, theo Global Security.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 4
Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của Mossad. Ảnh: Daily Sabah.

Mossad là cơ quan tình báo quốc gia của Israel, mang tên đầy đủ là HaMossad leModiʿin uleTafkidim Meyuḥadim (Viện Tình báo và Các chiến dịch đặc biệt). Đây là một trong những tổ chức tình báo chủ lực của Tel Aviv, bên cạnh lực lượng Tình báo Quân đội (Aman) và Tình báo Nội vụ (Shin Bet).

Cơ quan này được thành lập ngày 13/12/1949 với tên gọi Viện Điều phối Trung ương theo đề xuất của cựu thủ tướng Israel David Ben-Gurion. Ông Ben-Gurion muốn thành lập tổ chức này nhằm điều phối hoạt động và tăng cường hợp tác giữa Aman với Shin Bet. Tới tháng 3/1951, Mossad được tái tổ chức, trở thành cơ quan tình báo độc lập, trong đó giám đốc Mossad nhận chỉ thị và báo cáo trực tiếp với thủ tướng Israel.

Nhiệm vụ chính của Mossad là thu thập tin tình báo, thực hiện các chiến dịch bí mật và tác chiến chống khủng bố. Khác với các cơ quan chính phủ và quân đội, tổ chức và quyền lực của Mossad không bị giới hạn bởi hiến pháp Israel. Các hoạt động của cơ quan này cũng được giữ bí mật hoàn toàn, trừ khi gặp thất bại hoặc Tel Aviv muốn gửi thông điệp răn đe tới các đối thủ.

Trụ sở chính của Mossad đặt tại Tel Aviv. Trong giai đoạn cao điểm cuối thập niên 1980, tổ chức này có khoảng 1.500-2.000 nhân viên và đặc vụ. Con số này giảm dần xuống mức 1.200 người trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.

Trong suốt những năm tháng hoạt động của mình, Mossad từng tiến hành nhiều chiến dịch bắt cóc và ám sát. Vào năm 1960, Mossad trở nên nổi tiếng khi bắt cóc thành công Adolph Eichmann, tội phạm chiến tranh phát xít Đức khi hắn đang lẩn trốn tại Argentina.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 5
Điệp viên Mossad (giữa) bị lực lượng an ninh Ba Lan bắt giữ. Ảnh: Haaretz.

Tới năm 1986, lực lượng này bắt được Mordechai Vanunu, kỹ sư nguyên tử từng hé lộ thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân của Israel với một tờ báo của Anh.

Trong thập niên 1970, chương trình ám sát của Mossad đã gieo rắc kinh hoàng trong thế giới Arab. Sau khi ám sát hàng loạt người Arab có liên quan tới tổ chức khủng bố Tháng 9 đen (Black September), Mossad giáng một đòn mạnh vào Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) vào tháng 4/1988 trong vụ ám sát lãnh đạo cấp cao PLO Abu Jihad.

Tuy nhiên, lực lượng này cũng hứng chịu một số thất bại, nổi bật nhất là vụ ám sát nhầm Ahmed Bouchikhi, một bồi bàn người Morocco ở Na Uy vào ngày 21/7/1973. Đặc vụ Mossad đã nhầm Bouchikhi với Ali Hassan Salameh, tham mưu trưởng của tổ chức Tháng 9 đen.

Vụ ám sát nhầm khiến toàn bộ nhóm điệp viên bị bắt giữ và kết tội, để lộ toàn bộ mạng lưới gián điệp và cơ sở hạ tầng của Mossad tại châu Âu, cũng như làm danh tiếng của cơ quan này bị tổn hại nghiêm trọng.

Đặc nhiệm GIGN và cuộc giải cứu con tin tài tình giữa sa mạc

Năm 1973, chính phủ Pháp đã quyết định thành lập GIGN như là một phần của làn sóng thành lập các đơn vị chống khủng bố sau sự kiện vụ thảm sát Munich xảy ra năm 1972. Trong vụ tấn công chấn động đó, những tên khủng bố người Palestine đã bắt giữ các thành viên của đội thể thao Thế vận hội Israel làm con tin. Trong cuộc đọ súng diễn ra ngay sau đó, giới chức Đức đã tiêu diệt hết toàn bộ các tay súng và cả các con tin.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 6
Đội đặc vụ GIGN trong một bài huấn luyện trấn áp khủng bố.

Từ vụ này mà hầu hết các quốc gia phương Tây đều nhận thức rằng họ cần phải gấp rút thành lập các đơn vị chuyên biệt nhằm phòng ngừa các thảm họa như vụ ở Munich, không xảy ra thêm lần nào nữa. Ban đầu đơn vị mới được gọi bằng cái tên Regionale d’Equipe và cái tên GIGN như cách gọi ngày nay thì đã có từ năm 1977.

Trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, GIGN đã tiến hành hơn 1.800 nhiệm vụ, giải cứu hơn 600 con tin và bắt giữ hơn 500 nghi phạm, và mới chỉ mất 2 đặc vụ trong các chiến dịch. Điều này cho thấy tính hiệu quả của đơn vị này, mặc dù họ đã mất một số thành viên trong các tai nạn huấn luyện. GIGN hiện cũng đang cung cấp các gói an ninh cho đại sứ quán Pháp ở Ukraine, nhấn mạnh khả năng tác chiến hải ngoại của đơn vị này.

Hiện thời đơn vị GIGN được phân chia thành 3 phần gồm: 1)Phản ứng nhanh (GIGN ban đầu); 2) Trinh sát (EPIGN); 3) Bảo vệ VIP (tiền thân EPIGN). Nhóm phản ứng nhanh là một phần của cái gọi là GSIGN hay Nhóm can thiệp an ninh của Hiến binh quốc gia Pháp. Nhóm phản ứng nhanh bao gồm xấp xỉ 100 thành viên và được chia thành 4 trung đội. Trong số 4 trung đội này lại có trung đội chuyên về các hoạt động lặn, và 2 trung đội còn lại thì chuyên về những hoạt động dù.

Phần can thiệp là yếu tố duy nhất của GIGN vốn chỉ dành cho các đặc vụ nam giới. Hơn nữa, tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã chỉ định GIGN là một minh họa điển hình cho các hoạt động giải cứu con tin hàng không. GIGN hiện cũng đang có khoảng 1.000 thành viên, trong đó 400 người đang làm việc ở các địa điểm khác nhau tại Paris, và 600 người khác đang có mặt ở các văn phòng khu vực.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 7
Đặc vụ GIGN thần tốc tấn công không tặc trên máy bay ở Marseille.

GIGN cũng là một thành phần quan trọng của mạng lưới chống khủng bố ATLAS vốn bao gồm 27 quốc gia Châu Âu (EU). Bên cạnh đó tiêu chí tuyển lựa thành viên của GIGN cũng đáng được lưu tâm. Được đứng chân trong hàng ngũ này là rất khó khăn và các tân binh cần phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn: Người được tuyển dụng phải là thành viên đang phục vụ trong Hiến binh Pháp với tối thiểu là 4 năm phục vụ gương mẫu; bắt buộc phải có quốc tịch Pháp; phải có chứng nhận hàng không; tuổi đời dưới 34.

Bên cạnh đó các khóa huấn luyện thường kéo dài 14 tháng và học viên phải thực hành bắn súng tầm xa, chiến đấu giáp lá cà, và những kỹ năng điều đình, đàm phán. Trong suốt thời gian huấn luyện, các huấn luyện viên cấm dùng máy ảnh để chụp khuôn mặt học viên, cũng như mọi khía cạnh đào tạo đều được giữ kín.

Điều chưa biết về GSG 9 - Cảnh sát đặc nhiệm của Đức

GSG 9 der Bundespolizei hay còn có cái tên chính thức là Grenzschutzgruppe 9 (GSG 9) là một đơn vị cảnh sát chống khủng bố và chiến thuật chính trực thuộc Cảnh sát Liên bang Đức (Bundespolizei). NSG 9 thành viên lõi của Mạng lưới ATLAS chống khủng bố, kiểu như các đơn vị can thiệp khác ở Châu Âu. Khẩu hiệu hành động của GSG 9 là “Bảo vệ Tổ quốc”.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 8
GSG 9 đổ quân xuống tàu ngầm

GSG 9 được thành lập vào ngày 26/9/1972 như là một đơn vị giải cứu con tin và chống khủng bố, một phản ứng trực tiếp đối với trải nghiệm đau thương của người Đức trong vụ thảm sát Munich. Trong sự chết chóc đó, cảnh sát Đức đã nỗ lực giải cứu các con tin Israel bị bắt giữ, nhưng không có đội bắn tỉa và trang thiết bị còn giới hạn nên hậu quả là toàn bộ con tin đã bị chết sạch trong cuộc đấu súng sau đó. Nhà lãnh đạo ban đầu của GSG 9 là Oberstleutnant Ulrich Wegener. Thời điểm bấy giờ nhiều chính trị gia Đức đã phản đối động thái này vì nó khiến họ gợi lại Schutzstaffel (SS, tổ chức bán quân sự trực thuộc đảng Quốc xã dưới trướng Adolf Hitler, hoạt động tại Đức dưới thời cộng hòa Weimar và Đệ tam đế chế ở khắp các vùng lãnh thổ của Châu Âu bị Đức xâm lược trong Thế chiến II). Những lo ngại này là ở chỗ GSG 9 được tạo ra từ các đơn vị cảnh sát hơn là đơn vị quân đội.

GSG 9 là một phần của Cảnh sát Liên bang Đức, vì lẽ đó họ có quyền bắt giữ nghi phạm. Đơn vị này đặt dưới trướng của Bộ Nội vụ Đức. Ngày 1/8/2017, GSG 9 được chuyển giao cho Ban Giám đốc Cảnh sát liên bang 11, cơ quan nắm quyền chỉ huy tối cao các đơn vị cảnh sát đặc biệt Đức. Thêm nữa, GSG 9 có quân số dao động từ 250 đến 500 người. Cảnh sát Liên bang Đức cung cấp dịch vụ không vận tải.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 9
Lính GSG 9 chuẩn bị cho một phương án tấn công

Xét về cấu trúc của GSG 9, đơn vị này được chia thành 4 đơn vị chiến đấu và nhiều đơn vị yểm trợ tách biệt lớn với việc trang bị chó nghiệp vụ và bác sĩ trong mỗi đơn vị. 4 đơn vị đó là: GSG 9/1: chuyên trách trong các hoạt động chống khủng bố trên bộ như bắt con tin, bắt cóc, khủng bố, tống tiền cùng một đơn vị bắn tỉa chuyên dụng; GSG 9/2: chuyên trách các hoạt động như trấn áp tội phạm cướp tàu và các giàn khoan dầu; GSG 9/3: chuyên về các hoạt động trên không như nhảy dù và chèn trên không; GSG 9/4: đơn vị chuyên hoạt động ở thủ đô Berlin với trọng tâm gồm chiến đấu trong khu đô thị và phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào tại vùng thủ đô.

Có tài khoản cho rằng GSG 9 đã thực hiện hơn 1.500 nhiệm vụ và nhiều trong số đó là những chiến dịch nổi tiếng. Tuy vậy, phần lớn vẫn trong vòng bí mật, nhưng đã có 2 sứ mệnh được lộ sáng.

Chiến dịch thứ nhất là về Chiến dịch Feuerzauber hay Chiến dịch Hỏa Thuật. Đây là chiến dịch đầu tiên mà GSG 9 đảm nhiệm lúc mới thành lập vào năm 1977 và ngay tức khắc đã đóng đinh tên tuổi của họ như là lực lượng chống khủng bố hàng đầu. 

Đây là chiến dịch giải cứu Chuyến bay số hiệu LH 181 của hãng hàng không Lufthansa bị không tặc Palestine khống chế và GSG 9 hành động thần tốc để tiễu trừ khủng bố và giải cứu con tin.

Top 5 tổ chức chống khủng bố khét tiếng thế giới và những chiến công khiến giới tội phạm kinh hoàng - 10
Chuyến bay số hiệu LH 181 của hãng hàng không Lufthansa

Gần đây nhất đơn vị này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bắt giữ các thành viên của âm mưu Reichsburger, một âm mưu của nhóm cánh hữu nhằm lật đổ chính phủ Đức đương nhiệm và lập quốc vương. Thêm nữa, những cá nhân tham gia vào âm mưu này còn tin rằng nước Đức tiếp tục tồn tại ở biên giới như trước thời kỳ Thế chiến II. Theo đó 25 phần tử cực đoan đã bị bắt giữ khi chúng đang lập kế hoạch xây dựng một lực lượng dân quân và khơi mào một cuộc nội chiến sắp sửa nổ ra. Do số lượng lớn các thành viên bị bắt giữ là các cựu Bundeswehr (lực lượng vũ trang Đức) nên GSG 9 đã được chọn để triển khai vì người ta tin rằng cảnh sát liên bang thông thường sẽ gặp khó khăn. Chưa hết, vì đã tích trữ sẵn một lượng lớn vũ khí và đạn dược nên việc triển khai GSG 9 là một quyết định hết sức sáng suốt.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/top-5-to-chuc-chong-khung-bo-khet-tieng-the-gioi-va-nhung-chien-cong-khien-gioi-toi-pham-kinh-hoang-d166482.html