Thế giới

Tranh cãi việc Trung Quốc dùng 'thủ thuật' để trời đổ mưa

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc đã áp dụng một biện pháp "ép mưa" khá mới, đó là dùng sóng hạ âm.

Theo SCMP, ngày 4/2 đưa tin thí nghiệm đã được thực hiện tại Cao nguyên Tây Tạng năm 2020. Các nhà nghiên cứu Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh khẳng định rằng qua thí nghiệm, mực nước mưa đã tăng 17% nhờ việc hướng một loa phóng thanh cỡ đại lên bầu trời.

"Tổng lượng hơi nước trong khí quyển hàng năm ở Trung Quốc là khoảng 20 nghìn tỷ tấn. Nhưng chỉ 20% trong số này giúp tạo ra mưa tự nhiên. Tỷ lệ chuyển đổi từ hơi nước sang mưa ở khu vực phía tây thậm chí còn nhỏ hơn 20%", nhóm nghiên cứu của giáo sư Wang Guangqian, thuộc Đại học Thanh Hoa, chia sẻ.

Tranh cãi việc Trung Quốc dùng 'thủ thuật' để trời đổ mưa
Cao Nguyên Tây Tạng, nơi Trung Quốc thí nghiệm dùng sóng âm để tăng lượng mưa. Ảnh: SCMP

Năng lượng âm thanh có thể đã thay đổi cấu trúc vật lý của mây, nhưng nguyên nhân của việc "ép mưa" bằng âm thanh này vẫn cần điều tra thêm, theo nhận định của các nhà nghiên cứu trong bài báo được xuất bản trên tạp chí Scientia Sinica Technologica tuần trước. 

Không giống như các công nghệ tạo mưa nhân tạo khác, âm thanh không gây ô nhiễm và cũng chẳng cần phương tiện hỗ trợ như máy bay hoặc tên lửa đẩy. Nhưng một số ý kiến chỉ trích rằng việc dùng phương pháp âm thanh có thể tạo ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người dân và sinh vật bản địa.

Thử nghiệm "tạo mưa" bằng âm thanh có thể sẽ "thêm dầu vào lửa" cho cuộc tranh luận dài hơi ở Trung Quốc về tính khả thi và tác động tới môi trường của các chương trình tác động/kiểm soát thời tiết quy mô lớn. 

Nhiều nhà phê bình cáo buộc giáo sư Wang, người đề xuất dự án Sky River đầy tranh cãi - giúp tăng lượng mưa ở Tây Tạng bằng cách chặn không khí ẩm lưu thông trên cao nguyên, là đang làm hao tốn tiền thuế của nhân dân vào dự án không hữu ích. 

Đức Minh (nguoiduatin.vn)