Thế giới

Việt Nam lên tiếng việc TQ yêu cầu tàu nước ngoài báo cáo, 'dọa' có quyền đuổi tàu

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, các nước cần tuân thủ nghiêm túc Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.

Ngày 1/9/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.

Việt Nam lên tiếng việc TQ yêu cầu tàu nước ngoài báo cáo, 'dọa' có quyền đuổi tàu
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Thanh Phạm.

Trước đó, Trung Quốc cho biết nước này sẽ yêu cầu một loạt tàu báo cáo thông tin khi đi vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là "lãnh hải", bao gồm yêu sách chủ quyền ngang ngược mà Bắc Kinh áp đặt ở Biển Đông, bắt đầu từ ngày 1/9.

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết trong một thông báo rằng, các tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác được yêu cầu báo cáo thông tin chi tiết khi đi qua "lãnh hải" Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu đưa tin.

Cũng theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, ngoài các tàu đó, bất kỳ tàu nào được coi là "gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc" cũng sẽ được yêu cầu báo cáo thông tin, bao gồm tên tàu, số hiệu, vị trí hiện tại của cảng đến tiếp theo và thời gian dự kiến khi đến.

Các tàu cũng sẽ phải cung cấp thông tin về các loại hàng hóa và khối lượng tĩnh của hàng hóa. Trong trường hợp hệ thống nhận dạng tự động không hoạt động bình thường, các tàu phải báo cáo 2 giờ một lần cho đến khi rời "lãnh hải" Trung Quốc, thông báo cho biết.

Việc triển khai các quy định hàng hải nhằm nỗ lực tăng cường nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc trên biển, tờ Hoàn cầu viết.

Tờ Hoàn cầu cũng lưu ý rằng cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải "có quyền xua đuổi hoặc từ chối việc tiến vào vùng biển của Trung Quốc nếu tàu đó bị phát hiện là đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc".

Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố chủ quyền theo cái gọi là "Đường chín đoạn" phi pháp đối với hầu hết các vùng biển của Biển Đông, vốn bị nhiều nước lên tiếng phản đối, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

"Đường chín đoạn" của Trung Quốc không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vốn chỉ cho phép các quốc gia quyền thiết lập vùng lãnh hải trong vòng 12 hải lý. Yêu sách này cũng đã bị xác định là không có giá trị pháp lý bởi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague vào ngày 12/7/2016.

Các yêu cầu mới nhất của Trung Quốc cũng đi ngược lại quy định được nêu trong UNCLOS, cho phép tàu của các nước được hưởng quyền đi lại vô hại.

Theo Lan Hương (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/viet-nam-len-tieng-viec-tq-yeu-cau-tau-nuoc-ngoai-bao-cao-doa-co-quyen-duoi-tau-161210109223346302.htm