Thể thao

Barcelona và Bayern, nghiệt duyên xuyên biên giới

Barcelona và Bayern có cùng tên viết tắt là FCB, giống như chỉ dấu trói chặt hai CLB lớn trong lịch sử bóng đá châu Âu bằng mối nghiệt duyên không dứt. Đêm nay, mối quan hệ ngày càng thù địch giữa Barca và Bayern hứa hẹn sẽ tiếp tục bị đào sâu khi Hùm xám quyết tâm tiễn chủ nhà xuống Europa League.

Từ Udo Lattek đến Van Gaal

Mối nghiệt duyên giữa Barca và Bayern có lẽ chính thức bắt đầu từ cái tên đầy bất hạnh: Udo Lattek. Năm 1970, Udo Lattek trở thành HLV Bayern khi mới 35 tuổi và chưa có bất cứ kinh nghiệm nào.

Ông nhận được sự ủng hộ từ người đàn em nổi tiếng Franz Beckenbauer. Chính “Hoàng đế” là người thuyết phục Lattek thử sức ở Munich sau khi gây ấn tượng với tác phong làm việc của ông trong vai trò trợ lý HLV ĐTQG Đức trong 5 năm trước đó.

Udo Lattek thành công vượt xa mọi dự đoán của giới chuyên gia, ngay từ trên thị trường chuyển nhượng. Ông đóng vai trò quan trọng đưa Uli Hoeness và Paul Breitner về Bayern, cho dù bộ đôi này muốn đến TSV 1860 Munich.

Lattek không có triết lý nào cao xa ngoài “bóng đá chiến thắng”. Với ông, thi đấu là để giành chiến thắng không phải để biểu diễn hay chinh phục giới mộ điệu.

“Ông ấy là một người thực dụng, điều duy nhất quan trọng đối với ông ấy là kết quả,” Christoph Biermann - chuyên gia nghiên cứu về Lattek khẳng định.

Nhờ tư duy chiến thắng của Lattek, Bayern giành 3 Bundesliga và giành chiếc Cúp C1 châu Âu đầu tiên trong lịch sử của họ. Bản thân HLV huyền thoại này cũng từng nói rằng ông “thà thắng 1-0 còn hơn thắng 4-3”.

Barcelona và Bayern, nghiệt duyên xuyên biên giới
Udo lattek

Sau thành công vang dội ở Bayern, Lattek tiếp tục thử thách bản thân ở Monchengladbach và Dortmund. Đến năm 1981, bi kịch gia đình khiến ông quyết định rời xa nước Đức.

Con trai của ông, Dirk qua đời vì ung thư và vợ chồng ông muốn đi thật xa để vượt qua nỗi đau này. Họ đến Barca theo cách như vậy. Tại Camp Nou, ông không mất thời gian để khẳng định tài năng với chức vô địch Winner Cup 1982 (tiền thân của Europa League).

Tuy nhiên, mối lương duyên của Lattek và Barca sớm chấm dứt vì sự xuất hiện của Cậu bé vàng Diego Maradona. Một HLV thực dụng như Lattek đơn giản là không phù hợp với Diego, và ông là người phải ra đi trong cay đắng. Lúc này, chính Bayern là người giang tay đón Lattek trở lại, và đôi bên một lần nữa gặt hái thành công.

Sau Lattek, một HLV mang phong cách mới mẻ là Louis van Gaal đi theo con đường ngược lại. HLV người Hà Lan thành công và gây dựng tên tuổi ở Barca trước khi đến Bayern và tại vị 2 năm tại Allianz Arena.

Ở thời điểm đó, Van Gaal là một trong những chiến lược gia tiên phong trong việc xây dựng “triết lý bóng đá riêng”. Ông không chỉ muốn chiến thắng, mà còn phải thắng đẹp theo một chuẩn mực rõ ràng.

Cho dù bị xem là thất bại tại Bayern, nhưng Van Gaal cũng để lại dấu ấn đặc biệt: kéo Bastian Schweinsteiger từ cánh phải vào giữa sân và trọng dụng Thomas Mueller.

Cách mạng dở dang với Pep Guardiola

HLV cuối cùng gắn kết Barca và Bayern cũng là người nổi tiếng nhất: Pep Guardiola. Cả hai đến với nhau ở đỉnh cao. Pep cập bến Bayern ngay sau khi CLB này giành cú ăn 3 lịch sử với Jupp Heynckes, nhưng Pep không có gì phải sợ hãi. Ông vốn là HLV được săn đón nhất thế giới ở thời điểm đó sau chiến tích đặc biệt ở Barca.

Barcelona và Bayern, nghiệt duyên xuyên biên giới - 1
luis van gaal

Thực tế, Pep đến Munich để làm cách mạng theo ý tưởng của bản thân. Ông không ám ảnh với việc phải viết tiếp thành công của người tiền nhiệm. Và người duy nhất ông lấy từ Barca là tiền vệ dị biệt: Thiago Alcántara, người cùng Pep thay đổi hoàn toàn phong cách thi đấu của Bayern.

Từ một Hùm xám tấn công nhanh và trực diện, họ chuyển sang đá kiểm soát bóng và tấn công áp đặt, dồn ép đối thủ từ từ đến nghẹt thở.

Guardiola đã định hình FC Bayern và thành phố Munich gần như không có HLV nào khác trước ông làm được: với chiến thuật và sự hào hoa. Chỉ 1 năm sau khi Pep đến, ĐT Đức lên ngôi vô địch World Cup 2014 tại Brazil với nòng cốt là các trụ cột của Bayern.

Dưới thời Pep, Bayern chơi thứ bóng đá cuồng nhiệt và điên rồ nhất châu Âu. Họ nhiều lần không cần đến một trung vệ đúng nghĩa, và Pep thử nghiệm chiến thuật cổ xưa khi kéo các hậu vệ cánh vào trung lộ để chơi với sơ đồ siêu tấn công 2-2-6. Ông cũng giúp Neuer trở thành biểu tượng mới với vai trò… thủ môn libero.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng của Pep tại Bayern vẫn dang dở khi họ không tài nào vô địch Champions League cho dù 3 năm liền vào đến bán kết.

Barca sáng cửa vô địch… Europa League

Barca có cơ hội lớn trở thành đội đầu tiên từ Champions League xuống Europa League và giành chức vô địch. Chuyên trang dự đoán FiveThirtyEight thậm chí đánh giá Barca là ứng cử viên số 1 cho danh hiệu hạng 2 châu Âu ngay từ khi họ chưa chính thức bị loại khỏi Champions League.

​​Theo trang web này, đội chủ sân Camp Nou chỉ còn 7% khả năng vượt qua vòng bảng Champions League, nhưng có đến 24% vô địch Europa League. Barca bỏ khá xa các tên tuổi khác, bao gồm Arsenal (14%), Ajax (10%) và M.U (6%).

Theo Thanh Thủy (Bongdaplus.vn)




https://bongdaplus.vn/champions-league-cup-c1/barca-va-bayern-nghiet-duyen-xuyen-bien-gioi-3804422210.html