Thể thao

Góc nhìn: Lòng trung thành trị giá bao nhiêu?

Bóng đá đang tha hóa tới mức “mặt hàng” tưởng như không bao giờ có một mức giá và cũng chẳng ai đi định giá: Lòng trung thành, giờ đây cũng có thể mua được, và cũng chẳng phải bằng “rất nhiều tiền” như trong lý thuyết.

Bóng đá đang tha hóa tới mức “mặt hàng” tưởng như không bao giờ có một mức giá và cũng chẳng ai đi định giá: Lòng trung thành, giờ đây cũng có thể mua được, và cũng chẳng phải bằng “rất nhiều tiền” như trong lý thuyết.
Sự kiện Fabian Delph quay ngoắt 180 độ, từ quyết định ở lại Aston Villa đột ngột đồng ý gia nhập Man City chính là cái cớ quá đủ sức nặng để người ta một lần nữa thổi bùng lên câu hỏi xung quanh chủ đề “lòng trung thành trong bóng đá hiện đại”. 
 

Delph thề non hẹn biển rồi Delph cũng ra đi

 
Vắn tắt câu chuyện của Delph như sau: 7 ngày trước, báo chí Anh đưa tin, Delph đã đồng ý gia nhập Man City. Chỉ đúng 24 giờ sau thông tin đó, Delph đột ngột đòi ở lại với Aston Villa vì “tình yêu và lòng trung thành”. Thương vụ này chìm xuống. Báo chí Anh mượn Delph làm bằng chứng sống cho kết luận: Lòng trung thành vẫn tồn tại trong thời đại bóng đá kim tiền.
 
Nhưng rồi chỉ 6 ngày sau thời khắc vỗ ngực nói về “tình yêu và lòng trung thành”, Delph ra đi và đích đến của anh chính là Man City. Tuyển thủ Anh cố gắng vớt vát chút tình yêu với bài phát biểu: “Đây là quyết định khó nhất trong cuộc đời tôi. Tình yêu đã níu tôi ở lại, nhưng tương lai lại kéo tôi ra đi”.
 
“Tương lai kéo tôi ra đi”, đó quả là một cách diễn đạt mỹ miều cho tuyên ngôn: Tiền và vinh quang đã đẩy tôi sang Man City. Delph có lẽ thừa hiểu, anh chưa chắc đã có vị trí đá chính ở Man xanh. Nhưng anh vẫn đi vì một lẽ đơn giản: Aston Villa không trả tiền cho lòng trung thành nhưng Man City thì sẵn sàng mua lòng trung thành ấy với mức giá vài triệu bảng.
 
Lòng trung thành trong bóng đá, nói trắng ra, hoàn toàn không có giá trị gì đối với CLB đang sở hữu nó. Steven Gerrard gắn bó cả đời với Liverpool để rồi đổi lấy bảng vị “trung thành” để làm gì? Cũng chỉ để người đời nhắc tới, suy tôn. Về cơ bản, nó không có giá trị, trừ khi có một CLB khác… hỏi mua.
 

Gerrard bảo anh phải ra đi dù tình yêu với Liverpool vẫn còn sâu đậm

 
Iker Casillas cả đời tôn sùng Real Madrid, rốt cuộc cũng bật khóc một mình khi bị bán đi không thương tiếc. Frank Lampard được coi là biểu tượng của Chelsea, thế rồi cũng ra đi, trở lại khoác áo Man City, sút tung lưới đội bóng cũ và cuối mùa nói xanh rờn: Vậy là tôi không còn gì nuối tiếc với Premier League nữa.
 
Trong thời buổi lòng trung thành chỉ thực sự có giá trị khi nó… không còn, quyết định như Raheem Sterling lại hay. Anh bằng mọi giá chạy khỏi Liverpool, gia nhập Man City. Rồi đây cũng chưa biết Man xanh có mang về danh hiệu gì cho Sterling hay không, nhưng chí ít, sự thiếu trung thành của Sterling mang về cho Liverpool 49 triệu bảng, mang về cho Man City một cầu thủ Anh để họ đối phó với quy định phải sử dụng cầu thủ bản địa trong đội hình mà LĐBĐ Anh đang chuẩn bị đưa vào áp dụng.
 
Sẽ có nhiều người cảm thấy buồn, hụt hẫng vì bóng đá đang tha hóa tới mức “mặt hàng” tưởng như không bao giờ có một mức giá và cũng chẳng ai đi định giá: Lòng trung thành, giờ đây cũng có thể mua được. Nhưng nhìn về khía cạnh tích cực: Nếu thế giới cứ tồn tại những Ryan Giggs, Paolo Maldini thì thị trường chuyển nhượng sinh ra làm gì và dòng tiền làm cách nào luân chuyển trong thế giới túc cầu.
 
Theo Thái Học (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)