Thể thao >> Thể thao trong nước

Thực hư chuyện VFF can thiệp vào công việc HLV tuyển Việt Nam

Khi đồng ý ngồi ghế HLV đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Hữu Thắng yêu cầu phải có những đặc quyền như các HLV nước ngoài về chuyên môn, theo đó phải được toàn quyền quyết định mọi thứ.

Điều này nghe hơi lạ lùng. Trong bóng đá, quyền hạn cao nhất thuộc về HLV trưởng. Từ quyết định lựa chọn nhân sự, lên giáo án tập luyện đến sắp xếp đội hình... tất cả điều đó thuộc về người cầm quân. Đó cũng mặc nhiên trở thành đặc quyền cao nhất của người đầu tàu một đội tuyển.

Nhưng trong buổi công bố HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam và U23 quốc gia, Hữu Thắng lại yêu cầu VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) cho mình "toàn quyền quyết định chuyên môn". Vậy hóa ra trước đến giờ, VFF làm thay hoặc lấn sân vào công việc của cả HLV trưởng?

Thực hư chuyện VFF can thiệp vào công việc HLV tuyển Việt Nam
Thời dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam, ông Steve Darby kể rằng một quan chức của VFF từng can thiệp vào quá trình tuyển chọn nhân sự tại SEA Games.

Tìm đến chiến lược gia rất am hiểu bóng đá Đông Nam Á, và từng dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Steve Darby, Zing.vn nhận được câu trả lời đầy bất ngờ.

"Đúng là ở thời điểm tôi ngồi ghế chỉ đạo đội tuyển nữ, thỉnh thoảng "họ" có can thiệp nhiều vào chuyên môn, cụ thể là vấn đề tuyển chọn nhân sự", ông Darby kể lại.

Chiến lược gia người Anh còn nói rõ, một quan chức VFF từng can thiệp vào vấn đề tuyển chọn nhân sự cho tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games. Nhưng lần đó, ông thẳng thừng từ chối và bảo rằng "đây là đội tuyển của tôi và bản thân sẽ chịu trách nhiệm mọi thứ". Còn nếu anh không thích, tôi sẽ ra đi".

Sự cương trực của ngài Darby nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Trọng Hỷ, sau này trở thành Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam. Cũng trong năm 2011, tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên giành được huy chương vàng SEA Games. Trên hành trình lên đỉnh Đông Nam Á, thầy trò ông Darby không thua trận nào.

Rời Việt Nam, người con sinh trưởng tại Liverpool tìm đến những môi trường bóng đá mới ở Thái Lan và Lào. Tại đây, chiến lược gia xứ sương mù cảm nhận sự khác biệt hoàn toàn. Liên đoàn luôn tin tưởng vào tài cầm quân của "chàng rể Việt Nam" (tên thân mật để chỉ ông Darby từng lấy vợ Việt).

"Đôi ba lần tôi bị cánh truyền thông can thiệp vào chuyên môn. Song, một HLV cần học được cách phớt lờ điều đó. Ở Thái Lan, Liên đoàn luôn tin tưởng, ủng hộ tôi tuyệt đối. FAT nhìn vào những kết quả của ĐTQG để có quyết định sa thải hay tiếp tục tin dùng HLV", nhà cầm quân 63 tuổi kể với Zing.vn.

Thực hư chuyện VFF can thiệp vào công việc HLV tuyển Việt Nam - 1
Cựu HLV ĐTQG Hữu Thắng đã biết trước VFF thỉnh thoảng vẫn can thiệp vào vấn đề chuyên môn tuyển Việt Nam?

Tới đây, một bức tranh chân thật nhất được phác họa. VFF có cách điều hành rất lạ lùng. Họ can thiệp vào cả vấn đề chuyên môn mà đáng lý phải thuộc toàn quyền của người thuyền trưởng ở một ĐTQG. Bởi vậy Hữu Thắng đâu có sai, "khi yêu cầu muốn được toàn quyền quyết định mọi thứ".

Rồi sau khi HLV Hữu Thắng từ chức vào năm 2017, không HLV nội nào tự tin ra ứng cử thay thế người tiền nhiệm. Một số chuyên gia cho rằng việc VFF can thiệp quá sâu vào vấn đề chuyên môn đã trở thành sức ép khiến các HLV nội ngại lên tuyển.

Về vấn đề này, ông Trần Bình Sự, từng dẫn dắt tuyển Việt Nam và CLB Bình Dương, nhận xét: "Các HLV nội đều rất sợ lên nắm tuyển. Họ đều là người Việt, biết tiếng Việt nên áp lực từ dư luận ảnh hưởng với họ rất nhiều. HLV nội cũng khó chủ động trong công việc vì bị VFF can thiệp quá nhiều".

Ông Sự cũng lý giải thêm, HLV nội thường bị quy chụp là thiên vị cho đội A, B hay C nếu dùng quá nhiều cầu thủ của CLB ấy. Có chung quan điểm là HLV Nguyễn Thành Vinh.

"HLV ngoại sẽ làm tốt hơn vì họ ít chịu sức ép hơn. Hàng ngày, họ chỉ nhận thông tin qua các trợ lý ngôn ngữ, không chịu công kích trực diện. Sau một giải đấu, họ trở về nhà và rũ bỏ được mọi áp lực ngay. Ngược lại, HLV nội mà thất bại với đội tuyển thì khi trở về, họ vẫn tiếp tục phải sống trong bầu không khí ngột ngạt", ông Vinh phân tích.

Thực hư chuyện VFF can thiệp vào công việc HLV tuyển Việt Nam - 2
VFF theo nhiều chuyên gia đang trở thành rào cản khiến bóng đá Việt Nam phát triển chậm lại.

Một người phản ứng có thể bỏ qua, nhưng khi hai rồi ba người đều cho rằng VFF đang tỏ ra "lấn quyền" vào chuyên môn HLV trưởng thì đây thật sự là điều rất bất thường. Trong tuần qua, dư luận dậy sóng với cuốn tự truyện "phút 89" của Công Vinh, trong đó nhiều chi tiết thâm cung bí sử đã được cựu trung phong ĐTQG đưa ra ánh sáng.

Ở chương "Cừu đen ở đội tuyển", trang 194, Công Vinh kể lại bản thân từng bị ông Nguyễn Lân Trung (trưởng đoàn, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông) "nhắc nhở" tại vòng bảng của AFF Cup 2012 vì mắc bệnh ngôi sao. Cây săn bàn nổi tiếng một thời của tuyển Việt Nam nhớ lại những lời quở trách khi ấy như sau:

"Cậu mà thi đấu không tốt nữa là VFF sẽ cấm cậu lên đội tuyển, sẽ kỷ luật cậu. Cậu mắc bệnh ngôi sao rồi, cậu tách rời với mọi người", trích tự truyện Công Vinh.

Cho rằng cựu tiền đạo ĐTQG mắc bệnh ngôi sao đi nữa, HLV sẽ trực tiếp xử lý anh đầu tiên chứ không phải VFF. Ngay cả khi cựu số 9 sa sút phong độ, chuyện anh được lên tuyển hay không do vị thuyền trưởng ĐTQG quyết định. Ở đây, VFF không có quyền can thiệp vào vấn đề chuyên môn.

Biết là thế, nhưng VFF vẫn cứ ham quyền, muốn lấn sân vào công việc của HLV. Lạ lùng thay, điều này không chỉ xảy ra lần đầu tiên, mà đã trở thành tiền sử trong chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam.

Theo Nguyên Trí (Tri Thức Trực Tuyến)