Thể thao

VTVcab hủy phát sóng Champions League: NHM có thể khởi kiện

Đó là nhận định của TS. Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sau khi VTVcab bất ngờ dừng phát sóng Champions League và Europa League vì “lỗi kỹ thuật”.

Đó là nhận định của TS. Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sau khi VTVcab bất ngờ dừng phát sóng Champions League và Europa League vì “lỗi kỹ thuật”.

Thực tế là chẳng có trận đấu thuộc Champions League nào được tường thuật trực tiếp trên Thể thao TV và Bóng đá TV vào 2h45 rạng sáng nay cả. Hai kênh sóng này chỉ chiếu lại các trận đấu tại giải bóng chuyền VTV Cup rồi V.League... NHM vẫn phải lục đục thỏa mãn niềm đam mê bằng cách xem trên internet thông qua các đường link sopcast hay Acestream...

NHM có thể khởi kiện khi VTVcab bất ngờ hủy phát sóng Champions League mà không thể đưa ra lý do chính đáng.

Trên fanpage của Thể thao TV và Bóng đá TV, rất nhiều NHM đã bày tỏ sự bức xúc, không ngần ngại ném đá Kênh truyền hình trả tiền của VTV. Rõ ràng VTVcab đã phá vỡ cam kết với người tiêu dùng mà cụ thể ở đây chính là những người hâm mộ đã tiếp tục tin dùng dịch vụ của họ hoặc chuyển qua sử dụng dịch vụ của họ khi đơn vị này tuyên bố nắm bản quyền phát sóng Champions League và Europa League ở 3 mùa giải từ 2015 cho tới 2018.

Theo TS. Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thì với việc VTVcab bất ngờ dừng phát sóng Champions League và Europa League với lý do rất chung chung là “lỗi kỹ thuật”, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện nhà đài này.

TS. Vương Ngọc Tuấn cho biết, VTVcab đã hứa với người tiêu dùng là cung cấp sản phẩm tốt nhất trước khi trận đấu diễn ra. Tuy nhiên, cần xét một cách toàn diện ở nhiều yếu tố như: phải biết nguyên nhân chính xác không truyền được trận đấu là vì lý do gì. Nếu sự cố là do bất khả kháng thì lại khác, có thể thông cảm được. Còn nếu là nguyên nhân chủ quan thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi quyền lợi cho mình.

TS. Tuấn cũng cho rằng, thông thường thì doanh nghiệp luôn luôn mong muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, còn nếu sự cố bất khả kháng thì người tiêu dùng nhiều lúc cũng đành phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu do nguyên nhân chủ quan, thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng. “Không có chuyện thích thì phát sóng không thích thì thôi, tôi đã trả tiền cho anh rồi thì anh phải thực hiện đúng như cam kết. Tức là nếu anh không phát sóng, anh đã phá vỡ hợp đồng, theo Luật, tôi là người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiện anh. Đây là sự xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể khởi kiện”, TS. Tuấn nói

TS. Tuấn nói thêm rằng, người tiêu dùng đã mất nhiều thứ, như tiền đã trả không được hưởng dịch vụ, ngoài ra, những thiệt hại mà người tiêu dùng có thể tính được thì VTVcab phải trả lại cho người tiêu dùng. “Có rất nhiều người tiêu dùng đã háo hức, chờ đợi, phải bỏ thời gian thì VTVcab phải đền bù cho người tiêu dùng. Tuy VTVcab cũng sẽ bị thiệt hại nhưng cái thiệt hại lớn nhất chính là nhiều lần thất hứa, từ đó sẽ mất uy tín và không đáng tin cậy, làm cho người tiêu dùng tẩy chay và chuyển sang sử dụng dịch vụ của đơn vị khác”, TS. Tuấn nhấn mạnh.
 

Luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp Danh Thái Bình Dương - ĐLS Nghệ An):

Việc VTVcab cung cấp truyền hình cho khách hàng là quan hệ hợp đồng dịch vụ. Theo đó, VTVcab có nghĩa vụ thực hiện cung ứng dịch vụ truyền thông cho khách hàng theo đúng nội dung, chất lượng mà VTVcab đã cam kết trong hợp đồng. Ngược lại, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền dịch vụ cho VTVcab theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng có điều khoản ghi rõ: VTVcab có trách nhiệm truyền hình trực tiếp các trận đấu Champions league, nhưng  VTVcab lại không cung cấp được dịch vụ này thì khách hàng có quyền yêu cầu VTV cab phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 2, Điều 521 BLDS 2005. Điều luật này nêu rõ: “2. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Tuy nhiên cũng phải tính đến trường hợp bất khả kháng như bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt… mà VTVcab không thực hiện được nghĩa vụ của mình thì hai bên có thể thương lượng với nhau.

Có một điểm cần lưu ý với các bạn khi giao kết hợp đồng. Các điều khoản phải ghi rõ ràng, chi tiết, cụ thể. Trong trường hợp nêu trên, hợp đồng phải ghi rõ: VTVcab cung cấp bao nhiêu kênh, kênh thể thao gồm những chương trình gì (Ví dụ như VTVcab có nghĩa vụ truyền hình trực tiếp tất cả các trận đấu Champions League, V.League…) lúc ấy mới có cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo Thanh Xuân (Dân Việt)