Video

Cận cảnh ghi số điện bằng "gậy tự sướng" của công nhân EVN

Việc áp dụng công nghệ với "gậy tự sướng" để ghi số điện trên công tơ ngoài đường phố giúp các công nhân EVN Hà Nội đỡ vất vả hơn thời bắc thang, trèo cột.

Việc áp dụng công nghệ với "gậy tự sướng" để ghi số điện trên công tơ ngoài đường phố giúp các công nhân EVN Hà Nội đỡ vất vả hơn thời bắc thang, trèo cột.

Công ty điện lực  Đống Đa đã trang bị 6 bộ dụng cụ mới cho 12 công nhân để phục vụ việc ghi số điện. Bộ thiết bị ghi điện gồm 3 phần, gậy có thể điều chỉnh độ dài, camera gắn sim 3G và máy tính bảng. Camera dùng để chụp hình ảnh chỉ số công tơ, nối vào máy tính bảng và số liệu được nhập bằng tay sau đó, rồi truyền trực tiếp về trung tâm.

 
Phần gậy có thể điều chỉnh độ dài tối đa 3 m. Đây cũng là mức cao nhất của các công tơ (thông thường chỉ 2 m). Để đảm bảo an toàn, gậy được sơn và đảm bảo cách điện. 
 
Phần đầu camera được bao xung quanh bằng cao su giúp tạo lực hút vào mỗi công tơ điện. 
 

Toàn bộ kinh phí của bộ ghi chỉ số công tơ điện mới không được tiết lộ. Các phần của thiết bị được nhập từ nhiều nơi, sau đó EVN yêu cầu lắp ráp nhằm đáp ứng nhu cầu đặc thù công việc của ngành điện. 

 

Camera được lắp trong chụp phản quang, xung quanh có hệ thống đèn để luôn đảm bảo ghi lại chính xác hình ảnh mỗi khi trời tối. 

 

Các thông số sau khi chụp lại được truyền trực tiếp vào máy tính bảng để nhập các dữ liệu. Hình ảnh sẽ luôn được lưu trữ để phục vụ nhu cầu tra cứu của người dân, tăng tính minh bạch, công khai. 

 

EVN Hà Nội khẳng định công nghệ mới được áp dụng nhằm đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Người dân có thể giám sát quy trình ghi chỉ số của ngành điện thuận tiện, có thể cùng xem hoặc yêu cầu xem lại hình ảnh khi có thắc mắc, khiếu kiện. 

 

Mỗi thiết bị có mã số wifi và mật khẩu riêng. Theo EVN Đống Đa, sau buổi ghi chỉ số công tơ điện, công nhân phải giao nộp thông tin trong máy tính bảng cho EVN Hà Nội để nhập dữ liệu. 

 

Phía sau thiết bị có phần mút để lau mặt kính mica trên công tơ giúp việc ghi thông số chính xác. 

 
Nhân viên Công ty điện lực Đống Đa cho một người dân trên phố Đặng Văn Ngữ xem hình ảnh ghi số điện chiều 10/7. Ông thừa nhận, việc áp dụng công nghệ mới giúp khách hàng có thể giám sát việc ghi chỉ số, khiếu nại nếu thấy dấu hiệu bất thường. 
 
Bộ thiết bị còn có chức năng cảnh báo sản lượng điện mới vượt quá mức cho phép 150% so với chỉ số cũ. Nếu phát hiện biểu tượng này, công nhân điện lực phải kiểm tra lại công tơ điện và các nguồn điện trong nhà người dân. 
 
"Việc áp dụng công nghệ mới để ghi chỉ số công tơ điện giúp những người thợ tiết kiệm thời gian, đồng thời nâng cao tính minh bạch, công khai trong cách ghi chỉ số", anh Hoa Đại Bách - người có gần 30 năm công tác trong ngành điện lực Đống Đa khẳng định.
  
 >> Chi 110 tỷ đồng mỗi tháng chỉ để ghi... công tơ điện
 
Theo Lê Hiếu (Zing.vn)