Xã hội

Bí ẩn giọng đọc tiếng Anh của nữ phát thanh viên huyền thoại mê hoặc, cảm hóa hàng triệu binh lính Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam

Người con gái ấy sinh ra từ phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, với giọng đọc tiếng Anh “chết người” của mình, đã khiến những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mê hoặc, bị cảm hóa mỗi ngày dù chưa từng gặp mặt…

Lịch sử ngành phát thanh Việt Nam đã có dấu ấn một nhân vật đặc biệt. Đó là nữ phát thanh Trịnh Thị Ngọ 

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1930 tại phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình tư sản yêu nước. Cha bà là cụ Trịnh Đình Kính người được mệnh danh là ông hoàng thủy tinh Đông Dương. Cụ là một nhà tư sản yêu nước và cũng là người Việt Nam đầu tiên học được nghề thủy tinh.

Trong kí ức của người em trai - ông Trịnh Đình Tiến, người chị gái từ khi đi học đã là một nữ sinh xinh đẹp và nét chữ ít người bì kịp. Năm 1943, bà Trịnh Thị Ngọ đậu bằng Certifiat - một loại chứng chỉ thời đó, rồi bà học thêm tiếng Anh của người bản xứ.

Năm 1955, bà chính thức vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của một người bạn với suy nghĩ góp phần vào chương trình phát thanh tiếng Anh mà đài lúc đó đang rất cần người.

Đến năm 1965, khi cuộc địch vận của quân đội nhân dân Việt Nam hợp tác với đài làm buổi phát thanh riêng hướng tới quân nhân Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam, khi đó giọng đọc của bà mới được quan tâm đặc biệt hơn lúc nào hết.

Bí ẩn giọng đọc tiếng Anh của nữ phát thanh viên huyền thoại mê hoặc, cảm hóa hàng triệu binh lính Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam
Bà Trịnh Thị Ngọ thời trẻ

Bà bắt đầu lên sóng hướng tới lính Mỹ ngay sau khi thủy quân lục chiến Mỹ đặt chân vào Đà Nẵng. Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm sau một ngày dài diễn ra chiến sự Lúc đầu, chương trình ban đầu chỉ từ 5 - 6 phút, mỗi tuần phát 2 lần với mục “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ” gắn vào một chương trình lớn hơn.

Sau đó thời lượng phát tăng lên 3 buổi/ngày, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày bà có khoảng 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sỹ Mỹ nghe.

 “Đây là Thu Hương đang trò chuyện với các binh sỹ Mỹ ở Việt Nam” là câu bà Ngọ luôn nói mở đầu cho mỗi bản tin của mình. Trong suốt thời lượng của bản tin, bằng một thanh âm dịu dàng nhưng cương quyết lạ lùng, bà đã khiến lính Mỹ hoàn toàn bị chinh phục, bị mê hoặc và mỗi khi nhắc đến bà, lính Mỹ thường gọi bà là Hannah Hà Nội, là nàng tiên cá".

Trong các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thời ấy, có lẽ không ai sở hữu cho mình nhiều tên gọi, biệt danh như Trịnh Thị Ngọ. Về danh xưng Thu Hương, bà Ngọ tiết lộ: “Cái tên Trịnh Thị Ngọ có 2 dấu nặng, rất khó đọc với những người nói tiếng Anh. Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị tôi chọn một cái tên dễ đọc hơn. Tôi đã chọn tên Thu Hương, là tên một cô bạn rất thân, sau này tôi còn chọn tên cô ấy để đặt tên cho con gái của mình.

Nhưng nổi tiếng hơn cả, thậm chí đã trở thành huyền thoại là nickname "Hannah Hà Nội". Với cái tên này, bà Ngọ lí giải: “Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng, lính Mỹ gọi tôi như thế có lẽ cho thân quen. Bản tin của tôi phát đi từ Hà Nội nên họ gọi Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này, ngay cả đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp cũng gọi tôi là Hannah Hà Nội”.

Bí ẩn giọng đọc tiếng Anh của nữ phát thanh viên huyền thoại mê hoặc, cảm hóa hàng triệu binh lính Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam - 1

Chương trình phát thanh của bà Trịnh Thị Ngọ là sự kết hợp giữa âm nhạc Mỹ, thông điệp cùng thanh âm quen thuộc gửi đến các quân nhân Mỹ, tin rằng cuộc chiến này là ngày tận thế và họ không quan tâm đến việc đang nghe ai nói, Radio Hà Nội hay lực lượng vũ trang Mỹ.

Những câu chuyện mà bà Ngọ truyền tải cũng rất gần gũi với họ. Bà tìm những câu chuyện thường ngày ở đất nước Mỹ, chuyện gia đình của những người lính. Các thông tin mà bà Trịnh Thị Ngọ đọc chủ yếu được lấy từ các báo "Sao và Vạch" của quân đội Mỹ. Ngoài ra, bà Trịnh Thị Ngọ cũng cẩn thận thu thập ghi chép thông tin từ báo nước ngoài.

Sự thu hút bản tin đối với binh lí Mỹ không chỉ bởi nội dung thông tin mà còn bởi phần nhiều từ giọng đọc của bà. Bà kể về tâm sự của binh lính Việt sau cuộc chiến, của những người phụ nữ Việt Nam có chồng ở ngoài mặt trận. Con số thương vong của lính Mỹ, tình hình chiến trận cũng được bà cập nhật mỗi ngày.

Nguyên tắc đọc tin của bà Ngọ đặt ra cho mình là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng cũng không quá cứng rắn. Mọi từ ngữ đều được lựa chọn kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Mục đích của bà lúc đó là làm sao phát huy được hết sức mạnh của lời nói. Vậy nên phải thể hiện sao để giọng nói của mình vừa nhỏ nhẹ nhưng cũng rất kiên quyết, vừa mềm mại nhưng phải rất cứng rắn nhưng không được uốn éo. 

Mỗi chương trình "Chuyện nhỏ với binh sỹ Mỹ” được phát đi bời giọng đọc của Hannah Ngọ là nỗi ám ảnh đối với các binh sĩ Mỹ. Họ ám ảnh tới mức đã thốt lên rằng: " Hannah, Người là Đấng Tiên Tri hay là mụ phù thủy, hay là quỷ sứ?". Bà Trịnh Thị Ngọc là người đàn bà sở hữu một giọng nói mà họ vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn… không thể không nghe.

Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện với lính Mỹ của bà phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm mọi cơ hội để trở về quê hương. Theo các tư liệu, nhiều câu chuyện mỗi ngày mà Hannah Hà Nội kể đã khiến lính Mỹ tranh cãi, nảy sinh mâu thuẫn, xô xát và nhất là khiến họ nản chí, lo sợ trước khi ra trận.

Tổng thống Mỹ Kennedy khi đó đã nói: “Việt Cộng đã dùng giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam”. Bộ Tư lệnh viễn chinh quân đội Mỹ từng cấm binh sỹ ở Hạm đội 7, binh sỹ ở Thái Lan cũng như nhiều binh sỹ ở Nam Việt Nam không được nghe chương trình Hannah Hà Nội.

Bí ẩn giọng đọc tiếng Anh của nữ phát thanh viên huyền thoại mê hoặc, cảm hóa hàng triệu binh lính Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam - 2
Rất nhiều lính Mỹ chán nản về cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Chiến tranh kết thúc, chương trình cũng kết thúc nhưng rất nhiều nhà báo Mỹ vẫn tìm đến Việt Nam để hỏi chuyện bà. Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam vẫn giữ những bản thu buổi phát thanh của bà. 

Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người đọc trực tiếp bằng tiếng Anh thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: Sài Gòn được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất. 

Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Truyền hình TP HCM. Hanoi Hannah - bà Trịnh Thị Ngọ mất vào ngày 30/9/2016 nhưng có lẽ giọng nói của nữ phát thanh viên - người từng khiến cho hàng triệu thích thú lắng nghe, cả những lúc đã giật mình kinh hãi, muốn trở về với gia đình, bè bạn - cho đến nay và mai sau vẫn là một huyền thoại.

Tổng hợp

HL (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/bi-an-giong-doc-tieng-anh-cua-nu-phat-thanh-vien-huyen-thoai-me-hoac-cam-hoa-hang-trieu-binh-linh-my-tham-gia-chien-tranh-tai-viet-nam-d162669.html