Xã hội

Bộ Y tế: Chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương còn yếu

Bác sĩ Hoàng Công Lương nói gì sau 12 ngày xét xử?

Đại diện Bộ Y tế đề nghị HĐXX tôn trọng chứng cứ và lời khai của những người liên quan tại toà và nếu có thể thì tuyên bác sĩ Lương vô tội.

Chiều 4/6, một ngày trước khi TAND TP Hoà Bình ra phán quyết với ba bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố y khoa ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình làm 9 người chết, Bộ Y tế tổ chức họp cung cấp thông tin về vụ án.

Mở đầu buổi cung cấp thông tin, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ Trưởng pháp chế - Bộ Y tế) một lần nữa khẳng định sự cố y khoa ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình là đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử chạy thận nhân tạo ở Việt Nam.

Ông Quang cho rằng, Bộ Y tế tôn trọng và không can thiệp vào quan điểm truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng thành phố Hoà Bình. Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý HĐXX  phải đánh giá trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội; không để oan sai người vô tội. Ông Quang khẳng định, quan điểm này cũng phù hợp với ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng Trương Hoà Bình trước đó.

Vị vụ trưởng cho rằng, cáo buộc tội danh với bác sĩ Lương của đại diện VKS còn yếu, chưa đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, ông đề nghị HĐXX phải tôn trọng chứng cứ và lời khai của những người liên quan tại toà và nếu có thể thì “tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội”.

Bộ Y tế: Hai công văn trả lời không mâu thuẫn

Liên quan vấn đề cần hay không xét nghiệm AAMI trước khi sử dụng máy lọc thận nhân tạo với bệnh nhân, đại diện Bộ Y tế có hai công văn phúc đáp. Một công văn trả lời Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) và một công văn trả lời công ty luật sư của bà Trần Hồng Phúc.

Ông Quang cho biết, trong quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Hoà Bình đã gửi 6 câu hỏi đến đại diện Bộ Y tế, trong đó có nội dung sau khi sửa chữa xong hệ thống lọc nước RO, bệnh viện có phải xét nghiệm mẫu nước trước khi đưa máy lọc thận vào sử dụng không? 

Bộ Y tế: Chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương còn yếu
Cục trưởng Nguyễn Huy Quang. Ảnh: Phạm Dự.

Trong công văn cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình gửi có hợp đồng 315 ghi phải xét nghiệm AAMI nên ông trả lời rằng “nhất thiết” phải xét nghiệm AAMI. Theo ông Quang, "nhất thiết" được hiểu là dựa vào điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên; nếu có thoả thuận thì bắt buộc phải xét nghiệm, còn không thì bỏ qua.

Còn trong công văn trả lời văn phòng luật sư, Bộ Y tế cho rằng hiện chưa có văn bản nào bắt buộc phải kiểm tra các tiêu chuẩn AAMI sau khi bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Tuy nhiên, mỗi lần sửa chữa bắt buộc thì phải làm xét nghiệm tồn dư hoá chất, đồng thời khuyến cáo xét nghiệm thêm độc tố và vi khuẩn.

Ông Quang khẳng định, nội dung hai công văn không khác nhau và cũng không mâu thuẫn như cáo buộc của cơ quan công tố tại toà. Ông Quang cho rằng, đây cũng không phải “viết thừa hay lỗi đánh máy” như các luật sư nhận định.

Vị cục trưởng cho biết thêm, đại diện VKS không thể dựa vào công văn này của Bộ Y tế này để làm căn cứ truy tố ba bị cáo. Cơ quan công tố cho cho rằng dựa vào sự mâu thuẫn của hai công văn này để đề nghị HĐXX trả hồ sơ là “không có căn cứ”.

Phán bác tại toà trước đó, đại diện VKS cho rằng hai công văn trả lời của Bộ Y tế về việc có cần thiết xét nghiệm AAMI hay không có nhiều mâu thuẫn. Trong khi đó, nội dung các công văn này ảnh hưởng trực tiếp đến tội danh bị truy tố của các bị cáo và trách nhiệm của những người khác có liên quan. VKS đánh giá ông Quang "không hiểu gì về vấn đề này".

Phản bác việc quy kết Bộ Y tế chậm ban hành quy trình

Tại phiên toà, khi bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương tại toà trước đó, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, từ trước đến nay Bộ Y tế chưa ban hành quy trình chạy thận nhân tạo mà chỉ “đẻ ra quy trình” vào tháng 4/2018, sau khi xảy ra sự cố.

"Bộ Y tế có một vụ chuyên về trang thiết bị y tế mà không tạo ra được tiêu chuẩn dùng chính trong ngành của mình. Bộ không nên đổ lỗi cho nhà sản xuất mà phải tự nhận ra trách nhiệm của mình xem đã thực hiện đúng chưa với tư cách là cơ quan chủ quản", bà Phúc nêu.

Bộ Y tế: Chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương còn yếu - 1
Ông Nguyễn Trọng Khoa tại buổi cung cấp thông tin. Ảnh: Phạm Dự.

Tại cuộc họp báo hôm nay, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phản tác thông tin chậm ban hành các quy trình về chạy thận nhân tạo.

Ông cho rằng, từ năm 2000, Bộ đã ban hành các quy trình lọc máu cơ bản về chạy thận nhân tạo. Sau sự cố y khoa “nghiêm trọng chưa từng có”, đầu năm 2018, đơn vị đã bổ sung thêm 52 quy trình về chạy thận nhân tạo, trong đó có 7 quy trình liên quan đến vận hành hệ thống lọc nước RO.

Cấp phép cho đơn nguyên thận nhân 'hơi chậm'

Bệnh viện đa khoa Hoà Bình có quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo từ 8/3/2010 và chính thức đi vào hoạt động hơn một tháng sau. Tuy nhiên, ngày 20/6/2016, Sở Y tế Hòa Bình mới có quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung đang thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, trong đó có lọc máu liên tục, lọc máu hấp thụ bằng than hoạt tính…

Trước ý kiến của luật sư cho rằng “bệnh viện đã hoạt động 6 năm không phép”, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc cấp phép hoạt động đơn nguyên thận nhân tạo thuộc về Sở Y tế tỉnh Hoà Bình và làm “là hơi chậm”.

Tuy nhiên việc này không thuộc sự quản lý của Bộ Y tế mà trách nhiệm thuộc về Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và Sở Y tế tỉnh này.

Bộ Y tế: Chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương còn yếu - 2
Ba bị cáo tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Liên quan đến sự cố y khoa làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, sau một lần bị hoãn vì vắng mặt nhiều luật sư, TAND thành phố Hoà Bình quyết định mở lại phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc dự kiến trong 5 ngày, bắt đầu từ 15/5.

Tuy nhiên, phiên sơ thẩm kéo dài đến 12 ngày xét xử, 6 ngày nghị án và dự kiến tuyên án vào 14h ngày 5/6.

Những ngày diễn ra phiên toà, bị cáo Hoàng Công Lương luôn cho rằng, VKS cáo buộc anh phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Anh chỉ điều trị bệnh nhân tại đơn nguyên thận nhân tạo chứ “không phải là người quản lý đơn nguyên này”. Trong lời nói sau cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo  Lương tiếp tục cho rằng anh “hoàn toàn vô tội”. Lương mong HĐXX xem xét vụ án một cách khách quan để tránh oan sai.

Hai bị cáo còn lại đều nhận do "lỗi chủ quan nên gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng". Tuy nhiên, cả Quốc và Sơn đều khẳng định, không được ai hướng dẫn về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước nên trách nhiệm “không thể chỉ thuộc về hai người”.

Ngoài những cáo buộc với ba bị cáo, các luật sư “mở rộng hồ sơ”, đưa ra chứng cứ về việc “bỏ lọt tội phạm” khi không triệu tập nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và nhiều người liên quan khác đến toà. Trách nhiệm của Bộ Y tế cũng được đề cập khi không ban hành quy trình về sửa chữa, vận hành hệ thống lọc nước RO trong chạy thận nhân tạo.

Trước khi đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vì xuất hiện chứng cứ mới, đại diện VKS thành phố Hoà Bình đã đề nghị toà tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc mức án 5 -6 năm tù về tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn án 4-5 năm tù giam và Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)