Xã hội

Buýt nhanh "lãng phí" 50% thời gian di chuyển

TS Nguyễn Ngọc Quang (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) khẳng định buýt nhanh Hà Nội lãng phí 50% thời gian di chuyển vì thiếu hệ thống tín hiệu đèn ưu tiên.

TS Nguyễn Ngọc Quang (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) khẳng định buýt nhanh Hà Nội lãng phí 50% thời gian di chuyển vì thiếu hệ thống tín hiệu đèn ưu tiên.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định buýt nhanh mới hoạt động được 5 tháng, chưa thể khẳng định thất bại hay thành công.

Trung tâm đánh giá vận tốc buýt nhanh ổn định, đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng, ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Ngọc Quang (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho rằng buýt nhanh đang lãng phí 50% thời gian di chuyển.

Theo TS Quang, về lý thuyết buýt nhanh phải có làn đường ưu tiên với hệ thống tín hiệu đèn ưu tiên nên không phải dừng lại các ngã tư. Nó chỉ dừng ở các nhà chờ thời gian trung bình 10 giây. Như vậy, vận tốc khai thác trung bình có thể đạt 35 km/h, thời gian khai thác trung bình có thể đạt 24 phút/chiều với quãng đường 14 km.

Buyt nhanh 'lang phi' 50% thoi gian di chuyen hinh anh 1

Vận tốc trung bình của buýt nhanh BRT Hà Nội. Đồ họa: Văn Chương.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực tế cho thấy, BRT Hà Nội có thể chạy nhanh nhất vào dịp Tết Nguyên đán là 35 phút/chiều, tương ứng vận tốc là 25 km/h. Trong khi đó ngày thường mất khoảng 45-55 phút/chiều (tương ứng 18-22 km/h).

Buýt nhanh đang lãng phí khoảng 20-25 phút khai thác, chiếm 50% hành trình. Nguyên nhân là việc không có đèn tín hiệu ưu tiên.

Vị này cho rằng từ khu vực Vạn Phúc (Hà Đông) đến Kim Mã, trong khi người sử dụng xe máy mất dưới 20 phút để đi làm thì người sử dụng buýt nhanh phải mất trên 30 phút.

Tương tự, người dân ở đầu tuyến Yên Nghĩa phải mất khoảng 40 phút đến Kim Mã bằng buýt nhanh thì người sử dụng xe máy chỉ mất 25 phút.

Buyt nhanh 'lang phi' 50% thoi gian di chuyen hinh anh 2

Buýt nhanh đang lãng phí 50% thời gian di chuyển. Ảnh: Tiến Tuấn.

Vì vậy, người dân không dễ để từ bỏ xe máy. Bởi đây là phương tiện cơ động và có khả năng tiếp cận tốt. Buýt nhanh chưa khuyến khích được người dân trong độ tuổi lao động sử dụng để đi lại hàng ngày.

Ông Quang kiến nghị Hà Nội nên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông tiếp cận buýt nhanh như xe đạp, minibus, tuk tuk, xe điện để đảm bảo kết nối. Trong đó xe đạp là loại hình giao thông tiếp cận hiệu quả và chi phí thấp nhất cần được triển khai sớm. Dọc tuyến phải có những điểm trông giữ xe đạp gắn liền với BRT.

Sáng 13/5, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiến hành khảo sát để xây dựng các bãi gửi xe đạp, xe máy tiếp cận nhà chờ buýt nhanh BRT.

“Đây là ý tưởng khá hay và hợp lý. Chúng tôi cố gắng hoàn thành khảo sát sớm nhất để triển khai xây dựng các bãi gửi xe phục vụ người dân đi buýt nhanh”, ông Hải khẳng định.  

Buyt nhanh 'lang phi' 50% thoi gian di chuyen hinh anh 3

Lộ trình buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã. Ảnh: Google Maps.

 
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)