Xã hội

Cải dạng nam trang thi đỗ trạng nguyên, đây là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử phong kiến Việt Nam từng chứng kiến một người con gái, giả trai tham dự kì thi Hội và đỗ Trạng Nguyên, sau đó trở thành một trong những nữ quan kiệt xuất thời Lê-Trịnh…

Kém gì một chút đảo điên

So le Bạc Thị vốn duyên Hán hoàng

Nữ nhi dù đặng có lề

Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên

Cải dạng nam trang thi đỗ trạng nguyên, đây là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
Nguyễn thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Không nhiều người con gái, phụ nữ đời sau dám tự ví mình là Bạc Thị, mẹ của Hán Văn Đế Lưu Hằng - người nối ngôi Hán Cao Tổ Lưu Bang. Bạc thị (Bạc Cơ), Thái hoàng thái hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là người nổi tiếng hiền đức.

Nhưng ở Việt Nam, khoảng cuối thế kỉ 16 – nửa đầu thế kỉ 17 có một nữ kiệt “dám” ví mình với Thái hoàng thái hậu Bạc Cơ. Người này dĩ nhiên là một nhân vật không hề tầm thường. Bà có tên Nguyễn Thị Duệ, chính là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn thị Duệ (hay Nguyễn Thị Du) sinh 14/3/1574 mất 08/11/1654, là người Kiệt Đặc (nay là phường Văn An), Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vốn là người thông minh, có nhan sắc nên mới hơn 10 tuổi, bà đã được nhiều nhà quyền quý đến xin hỏi cưới, nhưng gia đình không thuận. Bản thân bà tuy là phận nữ nhi nhưng lại rất ham học, thuộc làu kinh sử, càng lớn càng phát tiết tinh hoa, nổi tiếng khắp cả vùng Kiệt Đặc.

Cải dạng nam trang thi đỗ trạng nguyên, đây là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - 1
Từ nhỏ, bà Duệ đã sớm phát lộ sở học của mình, vượt xa nhiều đấng nam nhi

Là một nữ nhân có tài, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594), bà Duệ năm ấy vừa tròn 20, đã cải dạng nam trang lấy tên giả là Nguyễn Du lên đường đi thi. Kết quả bà đỗ đầu khoa thi  Hội.

Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú... nên dò hỏi. Khi đã rõ chuyện, Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được vua khen ngợi.

Sau đó, vua nhà Mạc mời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi. Bà Duệ sau đó được phong Tinh Phi (Sao Sa) và người đời sau thường gọi bà là "Bà Chúa Sao”. Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Mến tài Duệ, chúa Trịnh đã giao cho bà trông coi việc dạy học cho hoàng tử và công chúa trong vương phủ.

Khi làm việc quan, Duệ rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài. Phần lớn ở các kỳ thi đình, thi hội; tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Mỗi tháng vài kỳ, bà cùng các bậc túc nho đến giảng dạy, ôn tập cho các sĩ tử. Ngoài ra, bà còn xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng tốt, cho canh tác lấy huê lợi, giúp đỡ học trò nghèo biết chăm chỉ.

Cải dạng nam trang thi đỗ trạng nguyên, đây là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - 2
Giả trai đi thi Hội và đỗ Trạng Nguyên, được người đời truyền tục là "Bà chúa Sao", Nguyễn thị Duệ đúng là bậc nữ kiệt

Người ta còn truyền tụng câu chuyện: Thuở hàn vi, anh trai Nguyễn Thị Duệ bị người trong làng hãm hại, nhưng khi vinh hiển, bà không hề nghĩ đến việc lợi dụng chức quyền để trả thù riêng những người đó. Nhân cách của bà đúng là vượt xa người thường.

Trong cung, Nguyễn thị Duệ có quan hệ rất thân thiết với Hoàng hậu của vua Lê Thần Tông – Trịnh thị Ngọc Tú. Bà thường cùng Hoàng hậu gặp những nhà sư thông tuệ những sĩ phu có tài để hiểu rõ tình hình trong nước, nhằm giúp vua chua kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Do nhiều công lao, bà được thăng chức "Chiêu Nghi" hiệu là "Nghi Ái Quan". Tuổi cao, Nguyễn Thị Duệ cáo quan về lại quê nhà, bà dựng am Đào hoa để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc; bà chỉ dành một ít tiền chi dụng, còn bao nhiêu bà dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo.

Cải dạng nam trang thi đỗ trạng nguyên, đây là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - 3
Đền thờ bà Nguyễn thị Duệ tại Chí Linh, Hải Dương

Đình làng Kiệt Đoài có một pho tượng đẹp gọi là Vua Bà (tức Nguyễn Thị Duệ) và một sắc phong thờ phụng: "chánh vương phủ, thị nội cung tần, lế sư Nguyễn Thị Ngọc tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân". Ngoài ra tại thôn Trung Hà, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (đất phong của bà, khi địa phương này thuộc huyện Chí Linh) cũng có đền thờ bà gồm có tượng và sắc phong từ hơn 100 năm của các triều đại phong kiến Việt Nam, hiện vẫn còn tồn tại.

Năm 2004, có tám vị đại khoa của Hải Dương là hiền tài của đất nước được đúc tượng đồng và khám thờ, trong đó có nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Bà được thờ cùng Khổng Tử tại hậu cung Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).

TẦM HOAN (SHTT)