Xã hội

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình

Từ đêm 18/10 đến ngày 20/10, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Theo VTV đưa tin, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 21 giờ ngày 18/10, lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình đang lên, các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam đang xuống.

Mực nước lúc 19 giờ ngày 18/10, trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt là 8,79m, dưới báo động 2 là 0,21m; sông Gianh tại Mai Hóa là 6,83m, trên báo động 3 là 0,33m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 4,35m, trên báo động 3 là 1,65m; sông Hiếu tại Đông Hà là 3,56m, dưới báo động 3 là 0,44m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 5,94m, dưới báo động 3 là 0,06m; sông Bồ tại Phú Ốc là 3,32m, trên báo động 2 là 0,32m; sông Hương tại Kim Long là 2,45m, trên báo động 2 là 0,45m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,29m, trên báo động 1 là 0,79m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 1,91m, dưới báo động 1.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình
Chiều 18/10, nước lũ dâng nhanh khiến rốn lũ Tân Ninh thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngập nặng. Mực nước lần này vượt đỉnh lũ lịch sử 2010

Dự báo, từ 3 giờ ngày 19/10 đến 9 giờ ngày 19/10, lũ trên sông Ngàn Sâu, các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên; các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam xuống dần. Sáng đến trưa 19/10, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 9,2m, trên báo động 2 là 0,2m; sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 7,7m, trên báo động 3 là 1,2m.

Đến tối 19/10, mực nước tại Mai Hóa lên mức 8,2m, trên báo động 3 là 1,7m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 4,8m, trên báo động 3 là 2,1m; sông Hiếu tại Đông Hà xuống mức 2,4m, trên báo động 1 là 0,4m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 4,8m, trên báo động 2 0,3m; sông Bồ tại Phú Ốc dao động ở mức 3,0m (báo động 2); sông Hương tại Kim Long xuống mức 2,1m, trên báo động 2 là 0,1m.

Mực nước tại Kim Long có khả năng xuống mức 1,6m, dưới báo động 2 0,4m; các sông ở Nghệ An và Quảng Nam ở dưới báo động 1.

Từ đêm 18/10 đến ngày 20/10, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các địa phương:

- Nghệ An: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương

- Hà Tĩnh: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ

- Quảng Bình: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch

- Quảng Trị: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng

- Thừa Thiên - Huế: A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền

- Quảng Nam: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang

Vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp diễn ngập lụt sâu, diện rộng, đặc biệt tại các địa phương:

- Hà Tĩnh: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Khê, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh

- Quảng Bình: Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, TP Đồng Hới

- Quảng Trị: Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị

- Thừa Thiên - Huế: Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TP Huế, thị xã Hương Trà

- Quảng Nam: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, TP Hội An

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, nguy cơ cao xảy ra mất an toàn tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 4.

Lũ lên nhanh, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh phải sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

Tại địa bàn huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nước lũ đã chia cắt 5 xã gồm Hương Thủy, Điền Mỹ, Lộc Yên, Hương Đô, Hương Giang. Có 137 hộ dân và 10 hội quán thôn bị ngập, cô lập. Nước lũ cũng đã bắt tràn vào nhà dân. Lực lượng Công an huyện Hương Khê cùng các lực lượng chức năng cũng khẩn trường cắm biển báo tại các vị trí ngập sâu, di dời người dân đến nơi an toàn, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh chính quyền địa phương đã triển khai phương án di dời hơn 2.000 hộ dân ở các xã: Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh…

Hồ Kẻ Gỗ xả tràn vào chiều 18/10, cộng với mưa to nên nước lũ lên nhanh. Hiện nay, các tuyến giao thông ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên đã ngập sâu, một số nhà dân nước đã dâng ngập sàn. Địa phương đang triển khai phương án di dời dân nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Tại xã Cẩm Duệ, các xã: Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) cũng đang triển khai phương án di dời dân tại chỗ. Cụ thể, địa phương thực hiện di dời những hộ dân ở vùng ngập sâu đến các nhà dân ở vùng cao, nhà 2 tầng kiên cố...

Huyện Cẩm Xuyên đã di dời 227 hộ dân với 558 người. Hiện tại, các xã này đang triển khai di dời 1.793 hộ dân với 4.073 người lên các vùng cao, các địa điểm tập trung đã có trong kịch bản.

Ở TP Hà Tĩnh những tuyến đường chính cũng đã bị nước nhấn chìm, lực lượng công an đã cắm biển cảnh báo tại những vị trí ngập sâu. Một số vùng ngập nặng như: tổ dân phố (TDP) 6, TDP7 (phường Nam Hà); TDP 10, TDP 2 (phường Đại Nài); một số khu vực thuộc phường Thạch Linh, Nguyễn Du, Hà Huy Tập.

Phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh tất cả các tuyến phố trên địa bàn đều đã ngập nước. Qua rà soát đã sơ tán 16 hộ dân thuộc TDP 6, 7, khu vực Âu Thuyền trên đường Nguyễn Công Trứ đến tạm trú tại các nhà văn hoá và UBND phường.

Tại địa bàn huyện Vũ Quang đã có 3 xã ngập sâu với hơn 600 hộ dân bị cô lập. Hiện tại, một số xã như Đức Liên, Đức Bồng, Đức Lĩnh đã bắt đầu giúp dân di dời tài sản đến nơi an toàn và sẵn sàng sơ tán dân khi lũ lên nhanh.

UBND huyện Vũ Quang cũng đang khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân, lực lượng vũ trang, kiểm lâm, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu đến nơi tránh trú an toàn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, hơn 200.000 học sinh ở các cấp học tại 7 huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đã được thông báo nghỉ học vào ngày 19/10 để đảm bảo an toàn.

Cần làm gì để bảo đảm an toàn khi lũ đến?

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ. Nắm biết được các loại lũ có thể xảy ra trong khu vực của bạn. Nếu lũ quét là một nguy cơ trong khu vực bạn sinh sống, bạn nên theo dõi các dấu hiệu tiềm tàng, chẳng hạn như mưa lớn.

Tuy nhiên, cần lưu ý tại các dòng suối, kênh thoát nước, hẻm núi và các khu vực khác được xác định là có thể ngập lụt bất ngờ. Lũ quét có thể xảy ra ở những khu vực này mà có hoặc không có các cảnh báo thông thường chẳng hạn như đám mây mưa hay mưa lớn.

Học và tìm hiểu các lộ trình (tuyến đường) sơ tán, các kế hoạch trú ẩn và ứng phó với lũ quét. Khi có khả năng xảy ra lũ quét hãy chủ động sơ tán, đừng chờ đến khi có hướng dẫn di chuyển.

Chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm trong trường hợp bạn phải rời đi ngay lập tức hoặc nếu các dịch vụ bị cắt. Bạn nên dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ dùng ít nhất trong bảy ngày. Chuẩn bị thêm pin, ắc-quy, nạp điện cho điện thoại và các thiết bị quan trọng khác.

Giữ những tài liệu quan trọng trong đồ chứa không thấm nước, tạo các bản sao có mật khẩu bảo vệ. Chuyển những tài sản giá trị lên vị trí cao hơn.

Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm. 

Theo Nhân dân

HP (Nguoiduatin.vn)