Xã hội

'Đề xuất phạt 5 triệu đồng với hành vi sàm sỡ phụ nữ vẫn là quá nhẹ'

Bộ Công an đề xuất phạt tối đa 5 triệu đồng với người có hành vi kích dục nơi công cộng, quấy rối tình dục phụ nữ..., tăng gần 17 lần so với quy định hiện hành.

Bộ Công an đề xuất phạt tối đa 5 triệu đồng với người có hành vi kích dục nơi công cộng, quấy rối tình dục phụ nữ..., tăng gần 17 lần so với quy định hiện hành.

Tăng mức phạt đối với hành vi quấy rối tình dục

Dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013/NĐ-CP để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công an bổ sung việc phạt người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng... Mức phạt đề xuất từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, thay vì 200 nghìn đồng như trước đây.

Việc tăng mức phạt tiền lên 5 triệu đồng với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, phô dâm nơi công cộng, theo luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh vẫn là quá nhẹ, không đủ tính răn đe.

Theo luật sư, có thể so sánh với hành vi đăng lên mạng xã hội xúc phạm danh dự người khác, với cá nhân mức phạt trung bình đã là 7,5 triệu. Tương tự như vậy sao chỉ đề xuất phạt 3 triệu hay cao nhất 5 triệu? Do đó mức phạt cần phải hơn nữa hoặc tương ứng.

Bên cạnh đó, theo luật sư Bình, hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn thế nào là dâm ô? Và chỉ truy cứu hình sự hành vi dâm ô khi nạn nhân dưới 16 tuổi. Do đó, trước tiên cần phải có hướng dẫn cụ thể. Và cũng theo hướng xử phạt thật nặng. Khung xử phạt có thể từ 10 triệu đến 20 triệu.

Hình ảnh Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ cô gái để hôn trong thang máy nhưng chỉ bị phạt 200 nghìn đồng khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua.
Hình ảnh Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ cô gái để hôn trong thang máy nhưng chỉ bị phạt 200.000 đồng khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua.

Cần nhanh chóng bổ sung luật về hành vi quấy rối tình dục

Trao đổi với Lao Động, đại diện Csaga – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật đầy đủ, hiệu quả về quấy rối tình dục.

Điều này được thể hiện ở các khía cạnh như không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi quấy rối tình dục trong văn bản pháp luật mà chỉ có trong Bộ Quy tắc Ứng xử Phòng chống Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quy định cấm quấy rối tình dục chỉ xuất hiện trong Bộ Luật Lao động, trong khi hành vi này diễn ra ở mọi nơi, như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác. Bộ Luật Hình sự cũng không quy định xử lý các hành vi quấy rối tình dục xâm phạm nhân phẩm của cá nhân.

Đại diện Csaga cho biết, quy định về bồi thường thiệt hại của hành vi quấy rối tình dục không hợp lý vì không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi quấy rối tình dục.

Trong khi quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Dân sự, đối với các tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm - không tương xứng với mức độ tổn thất của nạn nhân quấy rối tình dục.

Csaga cho rằng, cần nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh các điều luật phù hợp, để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực tình dục.

Trong đó, có các quy định rõ ràng, chính xác về quấy rối tình dục. Có chế tài, biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của các hành vi quấy rối tình dục, để đảm bảo mọi hành vi bạo lực tình dục đối với nạn nhân, ở bất cứ độ tuổi, giới, xu hướng tính dục nào đều phải bị trừng phạt thích đáng.

Sửa đổi Bộ luật Hình sự, thêm tội danh mới về quấy rối tình  dục. Quấy rối tình dục không chỉ mang tính chất thể chất, như cố tình động chạm, tiếp xúc, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp trái ý muốn của nạn nhân, mà còn bằng lời nói, gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa, bằng những lời đề nghị về tình dục không mong muốn và liên tục.

Quấy rối tình dục bằng các hành vi phi lời nói bao gồm các ngôn ngữ cơ thể, khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm, tin nhắn, thư từ liên quan đến tình dục” là những yếu tố cấu thành tội phạm quấy rối tình dục.

Theo Anh Tuấn (Lao Động)