Xã hội

Điều tra thông tin hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ bị thất lạc

Theo Thứ trưởng Nội vụ, có thẩm quyền đã chỉ đạo xử lý việc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ bị thất lạc.

Theo Thứ trưởng Nội vụ, có thẩm quyền đã chỉ đạo xử lý việc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ bị thất lạc.
 
18h35: Kỷ luật cá nhân liên quan đến hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh
 
Trinh-Xuan-Thanh-4931-1501761818.jpg

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã trả lời câu hỏi về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015) bị thất lạc.

Theo ông, thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo xử lý nội dung trên, một số cá nhân liên quan đã bị kỷ luật. 

"Vấn đề thất lạc hay không, Bộ Nội vụ đã báo cáo cơ quan Công an và đang điều tra. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo", ông Thừa nói và cho hay thời điểm diễn ra sự việc Bộ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; văn thư đánh dấu đỏ một bản; bản đóng dấu công văn đến thất lạc.

Trước đó tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh từ Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương được chuyển công tác, bầu bổ sung làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngành công thương, UBND tỉnh Hậu Giang trước khi bị truy nã...

Ngày 31/7, cơ quan chức năng đưa tin ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú". 

18h30: Chờ ý kiến Ban bí thư về trường hợp Thứ trưởng Công Thương
 
Ho-thi-kim-thoa-2088-150162875-7006-6877

Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: H.T

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vừa có đơn xin thôi việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay đây là cán bộ diện Ban bí thư quản lý, do vậy khi nào Ban bí thư đồng ý các vấn đề liên quan thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện.

Hiện Thủ tướng đã nhận được báo cáo của Bộ Công Thương cũng như đơn của bà Thoa, và đã giao Bộ trưởng Nội vụ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét, đề xuất xử lý.

"Theo quy định hiện hành, cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì không được chấp nhận thôi việc", ông Dũng nói.

Liên quan đến khối tài sản của bà Thoa và gia đình, ông Dũng khẳng định nếu tài sản hình thành hợp pháp và chứng minh được rõ ràng thì "tất nhiên Nhà nước sẽ không thu hồi".

Tại kỳ họp thứ 16 vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của nữ Thứ trưởng.

Cơ quan kiểm tra xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010).

18h20: Gỡ khó cho gói tín dụng công nghệ cao 100 nghìn tỷ đồng

Xung quanh việc giải ngân gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ hiện nay khoảng 32.000 tỷ đồng. Qua phản ánh của các ngân hàng thương mại đây là chương trình mới được triển khai từ tháng 3, các ngân hàng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn với chi nhánh trong hệ thống để triển khai.

Về phía khách hàng cũng đang tìm hiểu nên chưa nộp hồ sơ vay vốn, do họ còn phải đối chiếu với tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy khó khăn nằm ở chỗ doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn ít, nên dư nợ cho vay chưa thể đẩy nhanh. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp cũng chưa được cấp quyền sở hữu tài sản trên đất để đăng ký tài sản đảm bảo vốn vay ngân hàng. 

“Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực triển khai các giải pháp để đẩy nhanh gói tín dụng này”, bà Hồng nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ nhận được báo cáo của Hà Nam, Thái Bình kiến nghị cơ chế Nhà nước đứng ra thuê đất của dân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại; hiện Ban cán sự đảng Chính phủ đang nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị.

18h10: Bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải có đúng quy định không?

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về việc thời gian qua lãnh đạo Bộ Giao thông ký quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải có đúng tiêu chuẩn hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đã căn cứ vào quy định hiện hành. Trong đó, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì người được bổ nhiệm "có chuyên môn, nghiệp vụ, đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính", chứ không phải đang ở ngạch này.

Theo Thứ trưởng Đông, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Hàng hải được bổ nhiệm năm 2015, khi đó ông đã trong quy hoạch Cục trưởng và đang giữ chức giám đốc cảng vụ TP HCM. Ông được đào tạo Kỹ sư tàu biển, cử nhân luật, tiến sĩ ở Nga và có 23 năm làm chuyên môn ở lĩnh vực hàng hải.

"Khi chọn nhân sự bổ nhiệm thì tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông thống nhất cao. Thời điểm bổ nhiệm có đẩy đủ yêu cầu về cao cấp lý luận chính trị. Ông Sang cũng đã tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính năm 2014, được Bộ Nội vụ công nhận đạt nhưng năm đó số lượng có hạn nên chưa được bổ nhiệm vào ngạch này", Thứ trưởng Đông nói và khẳng định tiêu chuẩn cũng như trình tự để ông Sang giữ chức Cục trưởng Hàng hải là đúng quy định.

18h00:  Giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

BT-VPVCP-5058-1501758166.jpg

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các thành viên Chính phủ đã thảo luận chuyên đề giảm chi phí chính thức, không chính thức cho doanh nghiệp. Cụ thể như, giảm chi phí đường bộ, giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tại khâu thông quan từ 30-35% xuống còn 15%. 

Theo ông, hiện còn 5.719 thủ tục hành chính, giấy phép của các bộ ngành khiến thời gian, chi phí thông quan hàng hoá lớn, gây khó cho doanh nghiệp, như Bộ Công Thương còn trên 1.200 giấy phép, Bộ Xây dựng còn khoảng 600 giấy phép… Chi phí hải quan đang có xu hướng giảm, nhưng rất chậm chưa đáp ứng nhu cầu; chi phí logistic chiếm trên 20% là rất lớn. 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát các thủ tục liên quan tới giấy phép đầu tư, xây dựng, đất đai, chi phí phát sinh khi làm thủ tục hành chính..., nhằm quyết liệt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

17h40: Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng 'nhóm lửa'
 
NQH-7752-9354-1501746570.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017. Ảnh:VGP

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Người phát ngôn Chính phủ) cho hay, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ “hiến kế”, đề xuất giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2017 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%; thảo luận quyết sách gỡ các nút thắt về thể chế, thủ tục hành chính, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước...

Đặc biệt, Thủ tướng đặt vấn đề đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có biện pháp mạnh mẽ để đưa vốn đầu tư xã hội đạt 34-35% GDP.

“Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng Bộ trưởng không chuyển biến, không làm đến nơi đến chốn các việc có liên quan hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công. Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Người phát ngôn Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm, tín dụng tăng mạnh, được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Lãi suất ngân hàng giảm 0,5%. Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm. Có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Một số chi phí, nhất là chi phí vận tải, logistics còn cao...

Dịch sốt xuất huyết lan rộng với trên 60.000 người mắc, trong đó gần 50.000 người nhập viện, đặt biệt có 17 người tử vong. Tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông còn phức tạp, mà gần đây, xảy ra vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Nội) làm chết 8 người.

Theo VnExpress.net