Xã hội

Dùng bông bịt tai, ra vườn ngủ tránh bọ đậu đen

Hàng triệu con bọ hôi hám ùa vào nhà dân làm tổ, chui rúc khắp ngõ ngách, vật dụng. Người dân phải sử dụng bông gòn bịt tai, ra vườn, vào chuồng heo ngủ để lánh nạn.

Hàng triệu con bọ hôi hám ùa vào nhà dân làm tổ, chui rúc khắp ngõ ngách, vật dụng. Người dân phải sử dụng bông gòn bịt tai, ra vườn, vào chuồng heo ngủ để lánh nạn.

Dịch bọ đậu đen bùng phát tại ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) khoảng một tháng nay. Theo phản ánh của người dân, loài côn trùng này bay vào nhà theo đàn với số lượng lớn.

"Bọ đậu đen xuất hiện khoảng chiều tối hoặc đêm khuya. Những lần như vậy, chúng bay tứ tung, đập vào cửa, mái tôn rồi rơi xuống như mưa", bà Diệp Thị Thêu, ngụ ấp Lạc Sơn nói.

Bà Thêu kể, đêm 3/5, vợ chồng bà đang ngủ thì bị đàn bọ ồ ạt “tấn công” vào nhà. Khoảng 30 phút sau, chồng bà thức dậy bật đèn kiểm tra thì thấy bọ lúc nhúc, phủ lấp nền nhà dày chừng 10 cm.
 

Bị bọ đậu đen vào nhà làm tổ, gia đình ông Thạch Ngọc Chung phải dọn ra vườn lánh nạn. Ảnh: Ngọc An.

Bọ đậu đen không chích hút máu người nhưng phát ra mùi hôi nồng, gây khó chịu. Người đến gần khu vực loài bọ làm tổ sẽ bị cay mắt, nôn khan và rơi vào trạng thái khó thở. Nhiều người dân phải đeo khẩu trang thấm dầu phật linh, chống mùi hôi để dọn dẹp nhà cửa. Bọ bay vào nhà với số lượng lớn khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Theo ông Thạch Ngọc Chung, bọ liên tục chui rúc lên người và các vật dụng. Khi đi ngủ, ông dùng màn phủ kín quanh giường nhưng một lúc sau là chúng lại chui vào được.

"Có hôm đang nằm ngủ thì tôi bị hai con bọ chui vào khoang tai, may tỉnh giấc và bắt chúng ra kịp nếu không sẽ rất nguy hiểm", ông Chung nói.

Theo ông, những ngày này, trước khi đi ngủ, người trong gia đình đều phải dùng bông gòn, vải mềm bịt kín lỗ tai.
 

Bọ đậu đen chui rúc vào khắp ngõ ngách trong nhà người dân để trú ngụ, rơi vào ly uống nước, chén và các vật dụng trong nhà. Ảnh: Ngọc An.

Không chịu nổi sự quấy rầy của bọ đậu đen, nhiều gia đình chọn giải pháp chuyển đồ đạc, vật dụng ra vườn cây hoặc khu vực chuồng bò, chuồng heo để ở. Theo bà Trần Thị Tằm, dù đã chuyển ra khu vực chuồng heo lánh nạn nhưng ban đêm bà không dám bật đèn vì sợ đàn bọ bay tới.

"Phải ăn cơm chiều lúc trời đang sáng. Nếu ăn muộn, thắp đèn thì phải tìm cách che chắn hoặc chui vào mùng”, bà Tằm nói về cuộc sống những ngày qua.

Trước tình trạng bị côn trùng đậu đen xâm nhập, các hộ dân tại ấp Lạc Sơn (xã Quang Trung) liên tục tìm cách tiêu diệt. Nhiều hộ đã đốt lửa, hun khói, dùng nước sôi để xua đuổi nhưng không mang lại hiệu quả. Các loại thuốc trừ sâu có độc tố cao cũng được người dân thử nghiệm, phun trực tiếp vào tổ bọ nhưng không xuể.
 

Người dân ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung gom bọ đậu đen vào bao tải để tiêu hủy. Ảnh: Ngọc An.

Ông  Nguyễn Văn Toại, Trưởng ấp Lạc Sơn, cho biết, bọ đậu đen xuất hiện khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Cảnh các gia đình thu gom hàng bao tải mang đi tiêu hủy trở nên quen thuộc. Người dân rất mong cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu, diệt trừ bọ để họ ổn định cuộc sống”.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng trạm bảo vệ Thực vật huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, đơn vị này đã kiểm tra dịch bọ đậu đen tại ấp Lạc Sơn và báo cáo lên Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai.

"Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân thu gom bọ đậu đen thiêu hủy và dọn dẹp vệ sinh khu vực gần nhà. Đồng thời, tiếp tục hun khói, xịt thuốc để xua đuổi bọ", ông Mỹ nói.
 

Bọ đậu đen (hay Mọt đậu đen) có tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae. Đây là loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, có hình dáng giống hạt đậu đen. Loài bọ này sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái, không gây hại cho thực vật. Chúng có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao, có mùi hôi gây khó chịu cho con người.

 
 
Theo Ngọc An (Zing.vn)