Xã hội

Làm biển quảng cáo sai quy định bị xử lý thế nào?

Để hút khách, nhiều nhà hàng bất chấp quy định của pháp luật, làm biển quảng cáo khổ lớn che kín mặt tiền, gây nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Để hút khách, nhiều nhà hàng bất chấp quy định của pháp luật, làm biển quảng cáo khổ lớn che kín mặt tiền, gây nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Gần đây đã có rất nhiều vụ chập, cháy các biển quảng cáo karaoke cỡ lớn được thiết kế lắp đặt kiên cố trước mặt tiền của cơ sở kinh doanh.

Đa phần chủ sơ sở tận dụng hết cả mặt tiền ngôi nhà, cá biệt nhiều biển quảng cáo bịt hết các cửa ra vào mặt trước ngôi nhà. Hệ thống biển quảng cáo này luôn hoạt động hết công suất nên có thể đây là nguyên nhân gây chập cháy sau đó lan vào phía bên trong gây hậu quả lớn về tài sản và con người.

Lam bien quang cao sai quy dinh bi xu ly the nao? hinh anh 1
Vụ hỏa hoạn ở quán karaoke trên phố Trần Thái Tông hôm 1/11 khiến 13 người tử vong. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo Điều 34 Luật quảng cáo năm 2012, kích thước biển quảng cáo được quy định như sau: Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2 m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền. Với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 m, chiều cao tối đa là 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả, không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Tại Thông tư 19 (có hiệu lực từ 1/5/2014) quy định các bảng quảng cáo khi đặt tại các công trình, nhà ở riêng lẻ thì bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường phải đảm bảo các yêu cầu: chiều cao tối đa 5 m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng và số lượng không quá 2 bảng.

Cụ thể, đối với bảng quảng cáo ngang đặt tại mặt tiền công trình, nhà ở thì mỗi tầng chỉ được đặt một bảng, chiều cao tối đa 2 m, không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền, mặt ngoài bảng quảng cáo không được nhô ra quá 2 m…

Đối với bảng quảng cáo dọc, chiều ngang tối đa 1 m, chiều cao tối đa 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình, nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo…

Áp vào quy định trên, tôi thấy hầu như các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đã vi phạm Luật quảng cáo. Như vậy, họ sẽ bị xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ theo Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng, buộc tháo dỡ quảng cáo, khôi phục lại tình trạng ban đầu…

Theo tôi, trong thời gian tới, chính quyền địa phương và nghành văn hóa cần thiết phải kiểm tra, rà soát các vi phạm về biển quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh karaoke thì mới có thể ngăn ngừa nguy cơ chập cháy xảy ra.

Toàn cảnh vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết: Sau 7 giờ chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 13 nạn nhân tử vong. Lửa thiêu rụi toàn bộ quán karaoke ở Hà Nội và mặt tiền 3 căn nhà gần đó.

Theo Văn Thanh (Zing.vn)