Xã hội

Luật An ninh mạng đảm bảo khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch

Tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn biến ngày một phức tạp, đòi hỏi cần phải có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch.

Luật An ninh mạng thông qua đã nhận được đa số ý kiến đồng tình, khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Luật này trong điều kiện tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam. Quá trình xây dựng Luật đã được tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất với các bộ luật khác.

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, việc Quốc hội thông qua luật An ninh mạng là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho không gian mạng phát triển lành mạnh, minh bạch.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền phân tích: “Thực tế, hệ thống pháp luật đã có luật An toàn thông tin mạng ban hành từ năm 2015 và các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư của Chính phủ và bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý các hoạt động trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin môi trường mạng… Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa thật rõ ràng, chặt chẽ về việc quản lý các hoạt động không gian mạng, cũng như đảm bảo công tác an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Vì vậy, Chính phủ đặt vấn đề xây dựng luật An ninh mạng để quản lý tốt an toàn thông tin trên không gian mạng, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân trên không gian mạng”.

Luật An ninh mạng đảm bảo khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch
 Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Ảnh: Nguyễn Hường).

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Trước tình hình công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn biến ngày một phức tạp, đòi hỏi cần phải có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch. Từ đó, phục vụ tốt cho công tác quản lý cũng như đấu tranh với các vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Từ thực tế này đã đặt ra yêu cầu ban hành luật An ninh mạng trong thời điểm hiện nay”.

ĐBQH Xuyền cho biết thêm: “Về các nội dung liên quan đến vi phạm hoạt động môi trường mạng, chúng ta cũng đã có luật Xử lý vi phạm hành chính, ngay cả luật An toàn thông tin mạng cũng đã quy định những hành vi cấm. Trong Bộ luật Hình sự có quy định về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, luật An ninh mạng đã chỉ ra được những hành vi rõ ràng hơn về các vi phạm an ninh quốc gia trên môi trường mạng là như thế nào? Như thế nào là vi phạm về trật tự xã hội trên môi trường mạng? Việc chỉ ra các hành vi tương đối cụ thể như thế để các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, hoạt động tự do trên môi trường mạng thấy được và phòng tránh.

Thứ hai, khi phát hiện ra những vi phạm như vậy thì cơ quan chức năng có thể khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ mạng để quản lý, gỡ bỏ những thông tin xấu, độc, bịa đặt, những thông tin vi phạm pháp luật.

Nếu như các nhà cung cấp dịch vụ không hợp tác thì cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng căn cứ vào quy định của luật pháp để chủ động xử lý, ngăn chặn. Thậm chí, khi đã gây ra hậu quả thì điều tra, xem xét xử lý về hành chính, nếu vi phạm đến mức cấu thành tội phạm về hình sự thì sẽ xử lý hình sự”.

Theo ĐBQH Xuyền, luật An ninh mạng còn định ra cơ chế về thẩm định, kiểm tra, giám sát đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Theo Nguyễn Hường (Nguoiduatin.vn)