Xã hội

Mảnh vỡ kim khí đâm xuyên não tài xế gặp nạn do vụ nổ Hà Đông

Phát hiện mảnh vỡ kim khí cắm sâu trong não tài xế Đặng Cao Thủy, song các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 không thể phẫu thuật để lấy dị vật do sức khỏe bệnh nhân vẫn nguy kịch.

Phát hiện mảnh vỡ kim khí cắm sâu trong não tài xế Đặng Cao Thủy, song các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 không thể phẫu thuật để lấy dị vật do sức khỏe bệnh nhân vẫn nguy kịch.

Bệnh nhân Đặng Cao Thủy vẫn hôn mê sâu. Ảnh: Lê Nga.


Anh Thủy là tài xế xe tải, nạn nhân trong vụ nổ "như bom" ở đường Lê Trọng Tấn, khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Chiếc xe anh lái tình cờ đi ngang qua, bị sức ép của vụ nổ đẩy đâm vào một ngôi nhà, làm kẹt tài xế và một phụ nữ ngồi ở ghế phụ. Mất hơn một tiếng đồng hồ, lực lượng cứu hộ mới gỡ được anh Thủy ra khỏi cabin xe bị kẹt để đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng, xuất huyết não lớn bán cầu phải, phù não lan tỏa 2 bán cầu, hai mắt xuất huyết dưới kết mạc cùng hàng loạt vết thương ở đốt sống cổ, cánh tay, cẳng tay, ngực, bụng… do các mảnh vỡ đâm sâu vào da thịt.

Bác sĩ Dũng cho biết, bệnh nhân bị chấn thương sọ não do chấn thương thông thường thì ít nhất sau mổ 7-10 ngày bác sĩ mới tiếp tục đánh giá lại tình trạng sức khỏe. Song với trường hợp nạn nhân tổn thương do sóng nổ như anh Thủy thì rất khó tầm soát. Bệnh nhân không chỉ chấn thương sọ não mà còn nhiều chấn thương nội tại khác. Tổn thương do sóng nổ diễn biến rất phức tạp, các mảnh vỡ có thể găm ở đầu, ngực, bụng... nạn nhân, chỉ cần sót lại một mảnh kim loại nào trong ngực, bụng hay ở các mạch máu như động mạch chủ thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Nga.


Theo bác sĩ Dũng, tai nạn do sóng nổ như bom hay bình khí nổ gây sức ép lớn đến cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Bằng mắt thường có thể chỉ nhìn thấy những vết thương bên ngoài, song không thể xác định tim, phổi, gan... bị tổn thương. Với sức tàn phá của loại sóng nổ này, những người ở cự ly gần có thể bị dập não, phổi, gan...

Điểm đặc trưng của tai nạn do sóng nổ là sẽ khiến các dị vật đâm sâu vào da thịt, thậm chí cả nội tạng. Nếu những mảnh kim loại này đâm vào chỗ hiểm như não, tim, động mạch chủ... nạn nhân có thể chết ngay lập tức.

Hàng năm trung bình cả nước có khoảng gần 4.000 người chết và bị thương do tai nạn bom mìn, vật nổ. Tất cả bom mìn, vật nổ đều rất nguy hiểm, người dân không may tác động phải sẽ gây nổ hoặc có thể tự nổ do thay đổi về tính chất cơ học, lý học hay hóa học.
 
>> Công bố kết quả giám định vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú Hà Đông
>> Con nạn nhân vụ nổ ở Hà Đông: "Cháu mong mẹ và em quay về"
>> Bắt đầu thu dọn đống đổ nát sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông

Theo Lê Nga (VnExpress.net)