Xã hội

Máy bay không người lái gây tai nạn chết người, cách nào xử lý?

Máy bay không người lái phun thuốc cho ruộng lúa chuẩn bị hạ cánh xuống đường thì va vào một người đàn ông đi xe máy khiến nạn nhân tử vong.

Như VietNamNet đưa tin, mới đây, một người đàn ông ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), khi đi xe máy đã va vào máy bay không người lái (drone). 

Chiếc drone này do Mai Văn Linh (29 tuổi) điều khiển, chuẩn bị hạ cánh xuống đường thì xảy ra va chạm. Cánh quạt máy bay làm người lái xe máy bị thương nặng ở đầu và cổ, dù được đưa tới bệnh viện nhưng nạn nhân không qua khỏi. Drone gây tai nạn nặng khoảng 20kg, sải cánh hơn 1,5m tính cả cánh quạt.

Máy bay không người lái gây tai nạn chết người, cách nào xử lý?
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Tư liệu 

Vụ việc đang được công an và quân sự địa phương điều tra, trong đó làm rõ người điều khiển có giấy phép sử dụng drone hay không.

Đây không phải sự cố đầu tiên liên quan tới máy bay không người lái. Do tính cơ động, hiệu quả cao nên nhiều nông dân đã dùng drone để chăm sóc đồng lúa, vườn cây. Tuy nhiên việc làm này cũng tiềm ẩn rủi ro, dễ xảy ra tai nạn. Gần đây nhất là sự cố drone phun thuốc ở huyện Tân Thạnh (Long An) khi bay không giữ khoảng cách đã vướng lưới điện 110 kV làm hàng chục nghìn hộ dân ảnh hưởng.

Trao đổi với VietNamNet, TS. LS.  Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP để quản lý tàu bay không người lái (drone) và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Theo quy định thì việc sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu là trường hợp được quy định tại nghị định trên.

Máy bay không người lái gây tai nạn chết người, cách nào xử lý? - 1
Sử dụng máy bay không người lái ngày càng phổ biến 

Theo đó, cá nhân, tổ chức muốn sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu phải xin phép cơ quan có thẩm quyền là Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng).

Luật sư Đặng Văn Cường lưu ý, trước khi xin phép sử dụng drone phun thuốc trừ sâu, tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ các quy định về sử dụng loại phương tiện tại địa phương.

“Để được phép bay, người dân cần chuẩn bị hồ sơ xin phép sử dụng drone phun thuốc trừ sâu đầy đủ và hợp lệ. Theo quy định, thời gian để giải quyết hồ sơ xin phép bay máy bay phun thuốc trừ sâu là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ”, TS. LS Đặng Văn Cường thông tin.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định người sử dụng drone không được bay phun thuốc trừ sâu ở khu vực đông dân cư, nơi có công trình quan trọng, không bay trong thời tiết xấu như mưa to, gió lớn.

TS. LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh, việc xin phép sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu là bắt buộc. Sự cố  xảy ra ở Kiên Giang là một tình huống tai nạn mới, nếu không tăng cường công tác quản lý thì trong tương lai sẽ xảy ra nhiều vụ việc tương tự.  

“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sử dụng máy bay không người lái có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Người điều khiển drone có vi phạm các quy tắc đảm bảo an toàn hay không để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển máy bay không người lái này có lỗi trong quá trình điều khiển dẫn đến không kiểm soát được hướng di chuyển và để xảy ra tai nạn chết người thì cơ quan điều tra có thể khởi tố người này về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128, Bộ luật hình sự.

Ngoài trách nhiệm pháp lý có thể bị phạt tù tới 5 năm thì người có lỗi gây ra cái chết của người khác phải bồi thường thiệt hại toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần.

Qua vụ việc này cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát phương tiện bay không người lái, quy định về điều kiện cũng như là các yếu tố đảm bảo an toàn để tránh những vụ việc dân sự có thể xảy ra”, TS. LS Đặng Văn Cường nêu rõ. 

 Điều 14, Nghị định 36/2008/NĐ-CP nghiêm cấm các hành vi: 

Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.

Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.

Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.

Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.

Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.

Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

Theo N.Huyền (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/may-bay-khong-nguoi-lai-gay-tai-nan-chet-nguoi-cach-nao-xu-ly-2345984.html