Xã hội

'Mây mưa' từ quán trà sữa lại đến quán cà phê: Phải dùng luật mới biết sợ

Hành động thản nhiên "mây mưa" của các bạn trẻ ở nơi công cộng là thiếu tự trọng, không tôn trọng người khác. Theo nhiều chuyên gia, phải có luật để nghiêm trị hành vi này.

'Mây mưa' từ quán trà sữa lại đến quán cà phê: Phải dùng luật mới biết sợ

Chiều tối 24.8, hình ảnh cặp đôi “làm chuyện ấy” ngay trên ghế một quán cà phê tại Hà Nội lan truyền và vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Hành vi mây mưa vô tội vạ nơi công cộng dường như cứ "đến hẹn lại lên".

Trước đó, vào hồi đầu tháng 8, vụ việc đôi trai gái được cho là đang "diễn cảnh nóng" trên ghế Sweetbox của rạp chiếu phim CGV và clip đôi nam nữ còn đang ở độ tuổi học sinh “mây mưa” tại quán trà sữa ở Thái Nguyên bị phát tán từng khiến dư luận ngỡ ngàng.

Trao đổi với PV Lao Động, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội tỏ ra bức xúc trước những hành vi "yêu lộ thiên" phản cảm kể trên. TS Tùng Lâm phải thốt lên: “Giới trẻ đang bị làm sao vậy?”.

TS. Tùng Lâm cho rằng mỗi một công dân phải biết tự trọng, phải biết sinh hoạt có văn hóa.

"Đằng này trong những trường hợp trên, họ vô tư như chốn không người, thiếu tôn trọng người khác. Pháp luật chỉ cấm những hành vi phát tán, tung clip lên mạng nhưng thiếu trầm trọng những điều luật về hành vi nơi công cộng. Chúng ta phải có luật ngăn cấm những hành vi này, nếu không thì dễ tràn lan, ảnh hưởng đến văn minh đô thị.

Không thể để ai thích làm gì thì làm, cứ biện hộ quyền tự do, quyền riêng tư của mỗi người giữa một nơi công cộng là không được. Phải có sự giám sát và phạt ngay, đó không phải phòng riêng" - TS. Tùng Lâm nhận định.

Thể hiện quan điểm trước sự việc đang gây xôn xao dư luận này, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam – giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc mây mưa vô tội vạ rồi ngụy biện nhân danh tình yêu là không thể chấp nhận được. Nhiều người xem việc đó như cách để giải tỏa những o ép, áp lực trong cuộc sống, nhưng phần con đã phấn át phần người. Do thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, họ hành động hoàn toàn bản năng và cảm xúc.

Theo tôi, lối sống gấp và ích kỉ cũng là một phần căn nguyên của những hành vi này. Họ chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến chính đối tác của mình. Chẳng ai đủ thời gian chậm lại để nghĩ về hệ quả của hành vi trước khi tiến hành hành vi đó”.

Chuyên gia Thành Nam phân tích bản chất câu chuyện vẫn bắt nguồn từ giáo dục và phải thực hiện giải pháp tổng thể: “Chúng ta có quá nhiều quy định nhưng không có quy tắc về ứng xử. Hãy nhìn sang nước Nhật, họ cho phép hoạt động nền công nghiệp khiêu dâm nhưng ngoài xã hội, họ xây dựng một nền tảng văn hóa ứng xử bền vững".

Chuyên gia Thành Nam kiến nghị nên bắt đầu từ bộ quy tắc ứng xử, truyền dạy những giá trị đạo đức cốt lõi, trước hết là giá trị tôn trọng, tự trọng. Cung cách ứng xử ở nơi công cộng, trường học, bệnh viện… phải được thiết kế dựa trên những giá trị phổ quát. Trên cơ sở đó, hình thành thống nhất cho trẻ từ nhà đến trường, hệ quy tắc nhắc đi nhắc lại cho đến lúc lớn lên. Tự khắc khi thành người lớn, trẻ sẽ biết những hành vi đó không phải không được phép làm mà làm ở đâu.

Theo Thảo Anh (Lao Động)