Xã hội

Người phụ nữ nghèo trúng độc đắc được hưởng 'lộc trời' và toan tính khiến bao người nể phục

Có tiền, công việc đầu tiên bà Bê thực hiện chính là trả hết số nợ lần mà gia đình vay mượn bao năm qua. Sau đó bà dành một khoản để thuê gian quán ăn nơi mặt đường, phục vụ việc bán tại chỗ chứ không phải bán dạo. Số còn lại bà quyết định gửi vào ngân hàng để lấy lãi cho các con ăn học.

Người phụ nữ nghèo bất ngờ trúng độc đắc

Bà Bê (Đầm Rơi, Cà Mau) vốn sinh ra tại Quảng Bình nhưng cuộc sống khốn khó đã cùng gia đình tha hương vào Cà Mau lập nghiệp. Ở nơi này, vợ chồng bà lăn lộn khắp nơi, sẵn sàng nhận bất cứ công việc nặng nhọc nào miễn là có tiền, từ vác hàng thuê cho đến đào mương, nạo vét cống rãnh.

"Thuở đó, vợ chồng bà Bê vất vả vô cùng. Tôi nhớ bà ấy hết chạy bán từng bó rau lại đi kiếm con cá con tôm ở dưới sông để cải thiện bữa ăn cho đám con. Vậy mà gia đình vẫn chẳng đủ cái ăn cái mặc. Có đợt thiếu ăn, bà ấy phải chia lon gạo ra thành nhiều nắm nhỏ rồi nấu tạm nồi cháo loãng húp cho qua cơn đói", bà Hai Thành (55 tuổi) - một người hàng xóm của gia đình bà Bê cho hay.

Vừa dứt lời, người phụ nữ kể tiếp: "Vợ chồng bà ấy khổ cực là thế nhưng luôn có ý chí thoát nghèo, cho con cái học hành đàng hoàng. Đó cũng chính là động lực thôi thúc cả hai không ngừng vươn lên trong cuộc sống".

Để thực hiện "kế hoạch" ấy, bà Bê không chỉ bán rau củ ngoài sạp mà còn xin đi học làm phở. Và khi thạo nghề, bà mở một quán dạo bán vào buổi tối rồi đến tận đêm muộn mới dọn hàng. Trong khi đó chồng bà làm việc gần như không có ngày nghỉ, ngày nào cũng cắp nón đi làm.

Người phụ nữ nghèo trúng độc đắc được hưởng 'lộc trời' và toan tính khiến bao người nể phục
Bà Bê (Đầm Rơi, Cà Mau) vốn sinh ra tại Quảng Bình nhưng cuộc sống khốn khó đã cùng gia đình tha hương vào Cà Mau lập nghiệp.

Thấy cha mẹ vất vả ngày đêm, các con của bà Bê luôn cố gắng đạt thành tích cao trong học tập. Bà bảo chỉ cần thấy bảng điểm của các con cao chót vót, được thầy cô giáo khen là mọi nỗi mệt nhọc đều tan biến. Bởi khi ấy bà biết khoảng cách giữa thực tại và ước mơ đã gần chạm vào nhau.

Cuộc sống của gia đình khấm khá hơn chút cũng là thời điểm bà rơi vào tuyệt vọng khi chồng bà qua đời sau cơn bạo bệnh. Bà một mình phải lo cho 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, đồng thời gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. "Hồi đó tôi gần như kiệt sức, lúc nào cũng muốn buông xuôi tất cả. Nhưng đúng lúc cùng cực nhất, tôi đã được thần may mắn gõ cửa khi trúng độc đắc", bà Bê từng tâm sự.

Một buổi chiều muộn, bà Bê tình cờ gặp bà lão đi ngang nhà chìa xấp vé số còn ế nguyên. Bà bỗng rủ lòng thương móc sạch túi mua 5 tờ với suy nghĩ... biết đâu trời sẽ thương. "Một tờ vé trong 5 tờ tôi mua đã trúng giải đặc biệt, trị giá 125 triệu đồng - khoản tiền khổng lồ tại thời điểm bấy giờ. Tôi đã vỡ òa sung sướng bởi có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến một ngày có số tiền đó trong tay.

Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không chợp mắt nổi. Tôi phải nát óc toan tính sẽ phân bổ số tiền như thế nào để gia đình thoát nghèo", người phụ nữ góa chồng tâm sự.

Kế hoạch tiêu tiền khiến bao người ngưỡng mộ

Có tiền, công việc đầu tiên bà Bê thực hiện chính là trả hết số nợ lần mà gia đình vay mượn bao năm qua. Sau đó bà dành một khoản để thuê gian quán ăn nơi mặt đường, phục vụ việc bán tại chỗ chứ không phải bán dạo. Số còn lại bà quyết định gửi vào ngân hàng để lấy lãi cho các con ăn học.

Người phụ nữ nghèo trúng độc đắc được hưởng 'lộc trời' và toan tính khiến bao người nể phục - 1
Căn nhà của bà Bê sau tháng năm tằn tiện tích cóp.

Đáng nói, từ ngày trúng số, bà Bê vẫn sớm khuya cặm cụi với gian hàng phở của mình rồi học thêm cách nấu món mới. Các con bà ngoài học hành ở trường thì về giúp mẹ, đi làm mướn kiếm thêm thu nhập.

Nhờ tài nấu ăn ngon, tiếng tăm quán phở bà Bê lan nhanh, thu hút nhiều thực khách xa gần. Cùng thời điểm đó, 5 người con của bà lần lượt trúng tuyển vào đại học. Bà đành bòn mót số tiền từ bán quán ăn để nuôi các con ăn học. Khi nào bức bí lắm bà mới dùng đến khoản tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng.

Biết tính toán chi tiêu tiền trúng số, bà Bê đã nuôi 5 người con thành tài với những vị trí khác nhau trong xã hội, được người đời nể trọng. Và khi các con ổn định công việc cũng như gia đình, bà mới tính đến chuyện riêng của mình bằng cách tự tích vốn, mua đất và xây dựng một ngôi nhà bằng những đồng tiền do chính công sức mình dành dụm. Bà tự hào đó đã là một bước đi dài, một cuộc đổi thay ngoạn mục trong cuộc đời.

Theo Ngọc Hà (Phụ Nữ & Pháp Luật)




https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-ngheo-trung-doc-dac-duoc-huong-loc-troi-va-toan-tinh-khien-bao-nguoi-ne-phuc-a572763.html