Xã hội

Nhiều người Trung Quốc đã "trốn ở lại Đà Nẵng" bằng cách nào?

Năm 2015, có 59.175 người Trung Quốc đến quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) du lịch, thương mại, hội nghị...

Năm 2015, có 59.175 người Trung Quốc đến quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) du lịch, thương mại, hội nghị...

Trong đó có 239 người Trung Quốc làm việc trong các công trình trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.

Đặc biệt có 64 trường hợp sử dụng visa du lịch nhưng trốn ở lại làm việc tại các công trình xây dựng.
 

Ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn.


Ngày 30-12, ông Huỳnh Cự, Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong năm 2015 có 125.043 lượt người nước ngoài lưu trú, tạm trú trên địa bàn quận, tăng 1,7% so với năm 2014.

Trong đó, lượng khách mang quốc tịch Trung Quốc là 59.175 người, chiếm 49% trên tổng số người nước ngoài đến địa bàn quận.

Theo ông Cự, người nước ngoài đến Đà Nẵng với các mục đích như: Du lịch, học tập, thương mại, hội nghị...

Ông Cự cũng cho biết hiện trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có 435 người nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số người mang quốc tịch Trung Quốc chiếm hơn 1 nửa với 239 người.

Số người Trung Quốc này chủ yếu làm việc tại Crown Plaza và công trình xây dựng khách sạn JW Marriott của chủ đầu tư là công ty Shilver Shores (Trung Quốc).

“Số người Trung Quốc tạm trú trên địa bàn là 302 người. Chỉ có 80 người là khách du lịch lưu trú dài hạn còn lại là 222 lao động đăng ký làm việc tại các công trình”, ông Cự nói.
 

Công trình khách sạn JW Marriott, nơi có nhiều người Trung Quốc lao động chui


Theo ông Cự, tình trạng người nước ngoài trong đó có người Trung Quốc đến du lịch, sinh sống, làm việc khiến tình hình an ninh trật tự có phần phức tạp.

Năm 2015, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý 13 vụ việc liên quan đến người Trung Quốc trong đó có 4 vụ gây rối trật tự công cộng, 5 vụ bị mất tài sản, 2 người bỏ hộ chiếu lại khách sạn, 1 vụ đuối nước, 1 vụ tai nạn giao thông.

“Có nhiều người Trung Quốc dùng visa du lịch để nhập cảng vào Đà Nẵng rồi trốn ở lại làm việc. Chúng tôi tiến hành kiểm tra, rà soát và phát hiện 64 trường hợp như vậy.

Họ đi du lịch nhưng trốn làm công nhân xây dựng tại dự án khách sạn JW Marriott. Chúng tôi đã kiên quyết lập biên bản, trục xuất những đối tượng này về nước”, ông Cự cho hay.

Ông Cự cũng cho rằng dù vậy địa phương cũng chưa thường xuyên tiến hành kiểm tra được vì vướng thẩm quyền.

“Các lực lượng địa phương không có chức năng giám sát toàn diện đối với cá dự án kinh tế có yếu tố người nước ngoài trên tuyến ven biển, nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi đề nghị cơ quan chuyên môn của thành phố tăng cường phối hợp với địa phương  quản lý các dự án kinh tế, trung tâm dịch vụ du lịch có yếu tố người nước ngoài.

Đặc biệt là công tác quản lý độ cao tĩnh không của các dự án ven biển có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực tác chiến phòng thủ của quận”, ông Cự nhấn mạnh.

Ông Cự cũng đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư và Sở Lao động thương binh xã hội phối hợp với công an TP Đà Nẵng trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các hoạt động của nhà thầu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương.

Theo ông Cự, các cơ quan quản lý cần chú ý trọng điểm việc quản lý xuất nhập cảnh đối với lao động người nước ngoài, giải quyết triệt để tình trạng nhập cảnh lao động trái phép.
 
>> Sân bay mà cho người nước ngoài xây nhà cao tầng bên cạnh thì coi như... bỏ đi!
>> "Phố" Trung Quốc cạnh sân bay ở Đà Nẵng: "Chắc chắn có nguy hiểm"
>> "Phố" Trung Quốc ở Đà Nẵng bao vây sân bay quân sự
>> Vì sao người nói tiếng Trung Quốc ồ ạt mua đất Việt Nam?
>> Cảnh báo: Người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất ven biển
 
Theo Bảo Ngọc (Soha.vn/Trí thức trẻ)